Hillary Clinton, người bảo vệ di sản Obama
Từ hơn một năm trở lại đây, vị tổng thống sắp mãn nhiệm đã sải bước "lội ngược dòng" ngoạn mục với tỉ lệ cử tri ủng hộ và chỉ số tín nhiệm ngày càng tăng. Lâu lắm rồi, dễ có gần nửa thế kỷ, nước Mỹ mới lại có một tổng thống sắp kết thúc hai nhiệm kỳ cùng người bạn đời của mình vẫn có sức hút cử tri mạnh mẽ, ứng viên nào đang trên chặng nước rút đua về Nhà Trắng mà nhận được tiếng nói hậu thuẫn của hai người này đương nhiên như có ngay lực đẩy lao nhanh đến đích.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ, nữ ứng viên đại diện cho đảng Dân chủ là người đang nhận được sự hậu thuẫn quý giá đó.
|
Tổng thống Obama cổ vũ mạnh mẽ cho bà Clinton. Ảnh: NBC News. |
"Đôi vợ chồng quyền lực của Nhà Trắng" tạo nên dòng xúc cảm tuyệt vời cho nước Mỹ
Người tiền nhiệm của ông Obama, cựu Tổng thống George W. Bush khi sắp mãn nhiệm chỉ có 20% cử tri ủng hộ tại thời điểm tháng 11-2008. Ông cũng hiếm khi xuất hiện cùng thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain trong chiến dịch tranh cử của ông này.
Còn theo khảo sát của tờ New York Times và Hãng CBS, tỷ lệ cử tri ủng hộ ông Obama trong tháng này đang ở mức 56%. Trong buổi vận động cử tri ở thành phố Charlotte, bang North Carolina, diễn ra ngày 5-7, khi thấy tổng thống đương nhiệm Barack Obama và bà Hillary Clinton cùng xuất hiện trên sân khấu, hàng ngàn người dự khán đồng thanh hô vang "Hillary! Hillary!". "Không có người đàn ông hay phụ nữ nào phù hợp hơn" - ông Obama nói - "Bà ấy sẽ là nữ chính khách khiến chúng ta tự hào. Tôi sẵn sàng trao chiếc gậy chỉ huy cho bà ấy vì tôi biết bà ấy sẽ tiếp nhận và là người xứng đáng tiếp nhận".
Cuộc vận động diễn ra sau khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) công bố kết quả điều tra về việc bà Clinton sử dụng email cá nhân trong thời gian còn là Ngoại trưởng: Bà không bị cho là vi phạm nghiêm trọng luật Liên bang cho dù FBI vẫn cho đây là "hành vi bất cẩn" khi dùng email cá nhân nhận những thư mang nội dung công việc và có cả loại thông tin thuộc phạm trù bí mật quốc gia.
Theo kết quả thăm dò của một số hãng thông tấn và tổ chức xã hội, nhiều cử tri lúc này vẫn "bỏ phiếu trắng" cho bà Clinton vì bê bối trên. Nhưng với bài phát biểu trước các đại biểu đảng Dân chủ tại đại hội toàn quốc của đảng này diễn ra ở Philadelphia, bang Pennsylvania vào ngày khai mạc 25-7 vừa qua, đệ nhất phu nhân Obama đã nêu ra một loạt phẩm chất đáng ngưỡng mộ của bà Clinton, xóa tan những mối nghi ngờ còn vương vất trong lòng công chúng.
Nhấn mạnh đến sự kiên định cũng như đạo đức nghề nghiệp của cựu Ngoại trưởng Mỹ, phu nhân Tổng thống đưa ra những nhận xét ngắn gọn nhưng đầy trọng lượng: "Hillary Clinton là một người phụ nữ đáng nể, bà ấy đã có rất nhiều đóng góp quan trọng suốt cuộc đời mình. Hillary Clinton chưa bao giờ từ bỏ việc gì. Bà ấy không bao giờ bị khuất phục trước bất kỳ áp lực nào. Bà ấy cũng không bao giờ chọn cho mình những lối thoát dễ dàng".
Theo hai nhà bình luận Sunlen Serfaty và Eric Bradner của CNN, đệ nhất phu nhân Obama có vai trò vô cùng quan trọng đối với chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton. Bà là sợi dây kết nối ứng viên tổng thống đảng Dân chủ với một bộ phận đông đảo cử tri là phụ nữ, cộng đồng người Mỹ gốc Phi, gốc Tây Ban Nha và những người trẻ tuổi.
Phe Cộng hòa đã sai lầm khi cho rằng, có thể "hạ bệ" bà Hillary Clinton bằng những lùm xùm quanh vụ email cá nhân hay vụ khủng bố tấn công tòa Đại sứ Mỹ ở Benghazi khi bà còn đương nhiệm bởi lẽ những vấn đề này dường như không tác động gì đến nền kinh tế hay đời sống thực của người dân.
|
Đệ nhất phu nhân Michelle Obama: "Tôi đồng hành cùng bà Clinton". |
Có mặt trong thành phần khán giả tham dự ngày hội thường niên của đảng Dân chủ, mặc chiếc áo có dòng chữ "Phụ nữ Cộng hòa vì Hillary" là bà Carolyn Chabora, 71 tuổi, người ủng hộ đảng Cộng hòa, cho biết: "Tôi không thích tỷ phú Donald Trump vì ông ta là người nói năng vung vít, không che giấu được thái độ xem thường phụ nữ, miệt thị dân nhập cư. Trong khi Hillary Clinton thông minh, trầm tĩnh và sắc sảo. Tôi nghĩ bà ấy sẽ là một tổng thống tuyệt vời".
Sau một thời gian giữ thái độ trung dung, đứng ngoài các chiến dịch vận động tranh cử, gia đình Tổng thống Obama đang cho thấy họ sẵn sàng hậu thuẫn một cách mạnh mẽ cho bà Hillary Clinton trong cuộc đối đầu với đối thủ, ứng viên duy nhất của đảng Cộng hòa - Donald Trump.
Theo các cố vấn, ông Obama đặc biệt quan tâm tới việc chặn đứng đối thủ đáng gờm này vì theo như lời ông Obama chia sẻ trong một buổi phỏng vấn truyền hình thì "nếu như chủ nhân Nhà Trắng là Donald Trump, tôi lo rằng chúng ta phải nghe theo một tổng thống không hiểu gì về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình và dường như cũng không muốn học hỏi những thứ mình chưa biết.
Còn trong chiến dịch tranh cử của mình, "tỷ phú bạo miệng" đã có không ít phát biểu động chạm tới ông chủ Nhà Trắng, mà nếu nhìn ở phương diện lấy thủ thuật và quan điểm cá nhân làm chiêu trò "gây bão dư luận" thì Trump từng là người lĩnh xướng việc phát tán thuyết âm mưu rằng, ông Obama được sinh ra tại Kenya chứ không phải Hawaii.
Theo các trợ lý cấp cao của ông Obama, Nhà Trắng đang tích cực thảo luận với đội ngũ phụ trách chiến dịch tranh cử của cựu Ngoại trưởng về cách thức và những lĩnh vực ông chủ Nhà Trắng sẽ giúp ích được nhiều nhất. Các cố vấn của ông Obama nói rằng, ông thật lòng muốn ủng hộ nữ ứng viên của đảng Dân chủ, người được xem như có vai trò then chốt bảo vệ những di sản ông Obama để lại sau hai nhiệm kỳ, chứ không đơn thuần là ủng hộ một cách chiếu lệ vì Hillary Clinton là người đồng đảng.
Dù vậy, ông Obama không hề tỏ ra chủ quan: "Tôi luôn muốn chúng ta chiến đấu với tinh thần cảnh giác cao", Tổng thống phát biểu trước một nhóm các nhà quyên góp hôm 3-6 tại thành phố Miami. Symone Sanders, cựu thư ký báo chí quốc gia cho thượng nghị sĩ Bernie Sanders, nhận xét: "Gia đình Obama là gia đình tổng thống người Mỹ gốc Phi đầu tiên mà chúng ta có và dường như chúng ta chưa thể xóa bỏ tận gốc rễ nạn phân biệt chủng tộc ở đất nước này, nơi con người vẫn phải trăn trở vì màu da của mình. Nhưng khi Tổng thống hay bà Michelle Obama bước lên sân khấu và dành những lời nói nhiệt thành cho bà Hillary Clinton, họ đã tạo nên dòng xúc cảm tuyệt vời cho nước Mỹ".
Dấu son trong tiểu sử một cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ và trong lịch sử Hợp chúng quốc
Đại hội toàn quốc thường niên đảng Dân chủ hôm 26-7 đã chính thức chọn cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton làm ứng viên đại diện tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng. Các đại biểu đảng Dân chủ ủng hộ bà Clinton đã hô vang "Hillary, Hillary" khi thượng nghị sĩ bang Maryland Barbara Mikulski xướng tên bà Clinton để bắt đầu tiến trình bỏ phiếu. Một số đại biểu còn giơ cao biểu ngữ có dòng chữ "Lịch sử" khi hình ảnh bà Clinton xuất hiện trên màn hình.
Những người ủng hộ bà Clinton cho rằng, vai trò ngoại trưởng trước đây cho thấy nữ chính khách 69 tuổi có đủ kinh nghiệm cần thiết trở thành người đứng đầu Nhà Trắng giúp đất nước khôi phục kinh tế, giải quyết những thách thức ở nước ngoài như cuộc chiến chống lực lượng Hồi giáo cực đoan hay tham vọng bành trướng của Trung Quốc.
Phe ủng hộ cũng tin tưởng vào cam kết của bà Clinton rằng, sẽ giải quyết vấn đề bất bình đẳng trong thu nhập, có chính sách điều chỉnh mạnh mẽ hơn đối với phố Wall và thúc đẩy các biện pháp tăng cường kiểm soát súng nếu bà trở thành tổng thống.
|
Bà Hillary Clinton luôn nhận được sự cổ vũ mạnh mẽ của đông đảo nữ cử tri. |
Vài phút trước khi bà Clinton giành được đề cử, một phụ nữ trong nhóm những người sinh ra vào năm 1929, tức 9 năm sau khi phụ nữ được trao quyền bầu cử ở Mỹ xúc động cho biết, bà chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ sống đến ngày được chứng kiến thời điểm vẽ nên dấu son trong tiểu sử của một nữ chính khách đồng thời là một cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ trong lịch sử Hợp chúng quốc: người phụ nữ đầu tiên đại diện một chính đảng ở Mỹ ra tranh ghế tổng thống.
Theo hãng tin Reuters, bà Hillary Clinton đã đạt 2.383 số phiếu đại biểu cần thiết và giành chiến thắng tại đại hội đảng Dân chủ với 2.842 phiếu bầu. Trong khi đó, đối thủ cùng đảng là thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders giành được 1.865 phiếu ủng hộ.
Phát biểu trên truyền hình sau khi đề cử chính thức được xác nhận, bà Hillary Clinton bày tỏ niềm vinh dự khi được chọn làm ứng cử viên của đảng: "Tôi không thể tin là chúng ta vừa tạo ra dấu son lớn nhất từ trước đến nay. Và nếu có một bé gái nào đang thức để xem chương trình này, tôi muốn nói với em rằng tôi có thể là vị nữ Tổng thống Mỹ đầu tiên, và có thể em sẽ là người tiếp theo".
Trong bài diễn văn đầu tiên của bà trong chiến dịch tranh cử diễn ra tại thành phố New York trước sự chứng kiến của hàng ngàn người ủng hộ, bà kêu gọi tất cả người dân Mỹ xây dựng một kỷ nguyên mới với "sự thịnh vượng đích thực và bền vững" mà họ xứng đáng được hưởng. Bà khẳng định: "Nếu bạn làm tốt việc của mình, sự nghiệp của bạn sẽ phát triển, và khi mọi người làm tốt, nước Mỹ cũng sẽ phát triển".
Nếu đắc cử, bà Hillary Clinton hứa sẽ "giúp cho những người dân thường, không chỉ những người thuộc tầng lớp cao hơn, sẽ được hưởng lợi từ nền kinh tế".
Còn nhớ, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2008 diễn ra chỉ vài tháng sau vụ Ngân hàng Lehman Brothers bị phá sản, thua lỗ hơn 600 tỷ USD và tiếp đó là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Mỹ phải đối mặt với cuộc suy thoái kinh tế được xem là nghiêm trọng nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng năm 1929. Ông Barack Obama lên cầm quyền trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ vượt qua nhiều kỷ lục.
Sau gần hai nhiệm kỳ tổng thống, nước Mỹ lấy lại tỷ lệ tăng trưởng 2,4% và tạo thêm được 2,7 triệu việc làm trong năm 2015. Tháng 1-2016, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ chỉ còn 5%. Kế thừa những thành quả của người đi trước, cựu Ngoại trưởng Mỹ không phải để tâm đến các chỉ số vĩ mô mà tập trung nhiều đến việc đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như tầng lớp trung lưu và tạo cơ hội cho gia đình người lao động.
Cựu Ngoại trưởng tuyên bố, bà tranh cử để trở thành tổng thống của tất cả người dân Mỹ, cam kết thúc đẩy các cơ hội bình đẳng và đấu tranh cho tầng lớp trung lưu vốn đang gặp nhiều khó khăn. Cựu Ngoại trưởng Mỹ cũng hứa sẽ điều chỉnh lại luật thuế như một cách tưởng thưởng cho những công dân lao động chăm chỉ và thành lập một ngân hàng hạ tầng quốc gia với nguồn vốn từ trái phiếu, đây là ý tưởng mà đương kim Tổng thống Barack Obama đang theo đuổi.
Thắng lợi trong đảng Dân chủ vừa qua một phần nhờ vào chiến dịch lắng nghe cử tri của bà. Bà Hillary Clinton đã có nhiều cuộc thảo luận bàn tròn hướng tới giai cấp lao động Mỹ - những người vẫn đang loay hoay với cuộc sống khó khăn ngay cả khi diện mạo kinh tế đất nước đã có phần cải thiện. Bà ủng hộ việc người lao động vẫn được trả lương trong những ngày phải nghỉ làm để giải quyết những việc cấp thiết của gia đình, tăng lương tối thiểu...
Bà không quên ca ngợi Tổng thống Obama đã "đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc đại suy thoái". Đây là lần thứ hai bà tranh cử tổng thống. Năm 2008, chiến dịch của bà đã bị chỉ trích là truyền tải sự ngạo mạn và quyền thế, không phù hợp với hình ảnh tiến bộ của đảng Dân chủ.
Lần này bà xuất hiện với hình ảnh của một nữ chính trị gia có sự cảm thông sâu sắc hơn và đặt nền tảng cho một chương trình nghị sự tranh cử về kinh tế được lòng dân hơn. Bà tuyên bố: "Người dân thường của nước Mỹ đang cần một người tiên phong. Và tôi muốn trở thành người tiên phong đó".
CATP Hà Tĩnh