Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Hồi chuông cảnh tỉnh từ một vụ bạo hành ở Palestine

Các bác sĩ không thể làm gì được trước một trường hợp chấn thương đặc biệt khi một phụ nữ trẻ được đưa vào bệnh viện Al Hussein với cột sống bị gãy và những vết bầm tím trên cơ thể và mặt.

Mọi người ở đây đã quen với những bệnh nhân trẻ tuổi đến với những vết thương tàn khốc. Bệnh viện nằm gần thành phố Bethlehem của Palestine, có đường phố dẫn qua các trại tị nạn ngoại ô chật cứng đến các trạm kiểm soát của quân đội Israel và hàng rào ngăn cách – đó là tất cả những điểm nóng thường xuyên cho bạo lực. Nhưng câu chuyện của Israa Ghrayeb thì khác. Nó sẽ làm sáng tỏ bi kịch, sự phản kháng và tìm kiếm sự tư vấn lương tâm đối với việc bảo vệ phụ nữ khỏi bạo lực trên cơ sở giới tính trong xã hội Palestine hiện nay. Randa Siniora, người điều hành Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn Pháp lý Phụ nữ Palestine nói: “Đây sẽ là một bước ngoặt rất quan trọng và chúng tôi sẽ luôn nhớ đến Israa Ghrayeb”. Chưa đầy một hai tuần sau khi nhập viện lần đầu vào ngày 10-8-2019, Israa được đưa đến bệnh viện một lần nữa nhưng lần này các bác sĩ không thể làm gì được nữa. Cô gái chỉ mới 21 tuổi đã chết. Chính quyền, hiện chịu áp lực đáng kể trong việc xử lý vụ việc, kể từ đó cho biết người phụ nữ trẻ đã bị thương rất nặng sau khi bị bạo hành dã man. Sau đó, Tổng chưởng lý Palestine Akram al-Khateeb đã tổ chức một cuộc họp báo trong đó ông mô tả Israa là nạn nhân của bạo hành trong gia đình. Ông nói rằng Israa Ghrayeb phải chịu áp lực tâm lý và bạo lực thể xác bởi các thành viên trong gia đình mình. Ba người thân nam giới của Israa sau đó bị buộc tội tấn công dẫn đến cái chết của cô.

Nạn nhân Israa Ghrayeb.
Đối với các nhà vận động, vụ việc đã tiết lộ nhiều về việc thiếu các biện pháp bảo vệ pháp lý cơ bản cho phụ nữ Palestine. Một người bạn mô tả về một người phụ nữ năng động và tự chủ: “Israa rất độc lập và hướng ngoại. Ước mơ của cô là trở nên nổi tiếng trong công việc”. Cô gái 21 tuổi này là gương mặt không thể nhầm lẫn trong ngôi làng Beit Sahour, nép mình bên cạnh Bethlehem trên những ngọn đồi dốc của Bờ Tây. Israa Ghrayeb là một chuyên gia trang điểm có rất nhiều hình ảnh nổi bật trên Instagram thu hút hàng ngàn người theo dõi. Trên Istagram, Israa sử dụng một cụm từ tiếng Arab cầu xin Thượng đế ban phước cho người mẫu được cô tạo nên phấn mắt màu tối. Israa Ghrayeb xuất thân từ một gia đình bảo thủ, nơi các quy tắc xã hội nghiêm ngặt tác động tiêu cực đến hành vi tán tỉnh giữa phụ nữ trẻ và nam giới, và việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội của cô cuối cùng trở thành tâm điểm cuộc đối đầu dẫn đến cái chết của cô. Israa được cho là đã đăng trên phương tiện truyền thông xã hội một bức ảnh của mình và chồng chưa cưới trong một quán cà phê. Từ đó, các nội dung của tài khoản đã bị xóa. Theo các phương tiện truyền thông địa phương trong những ngày sau khi cô qua đời, các thành viên gia đình coi việc Israa xuất hiện công khai trên mạng xã hội với một người đàn ông là không đứng đắn - mặc dù họ chấp nhận mối quan hệ này. Chấn thương của Israa được giải thích là tự gây ra. Anh rể của Israa là Mohammed Safi tuyên bố cô bị các vấn đề về sức khỏe tâm thần và ngã từ ban công tại nhà – song một công tố viên tuyên bố lời khai là “vô căn cứ”. Một Israa tươi cười đã đăng những bức ảnh về vết thương của cô lên mạng, xin lỗi vì phải hoãn các cuộc hẹn trang điểm, nói thêm: “Cột sống của tôi bị hỏng và tôi phải phẫu thuật ngay hôm nay. Nếu cuộc phẫu thuật diễn ra tốt đẹp tôi sẽ cho bạn biết và nếu không tôi có thể sẽ hủy bỏ mọi thứ”. Mặc dù Israa Ghrayeb được các nhân viên y tế đưa đi xét nghiệm chụp X -quang, nhưng không có hành động nào được thực hiện từ phía cảnh sát vào thời điểm mà các quan chức y tế thừa nhận là “dấu hiệu bạo hành”. “Có linh hồn xấu” Nhiều giờ sau khi chết, Israa Ghrayeb được chôn cất theo nghi lễ truyền thống Hồi giáo. Trường hợp của Israa có lẽ đã kết thúc ở đó nếu như không có sự xuất hiện của một nhóm Facebook người Palestine lên tiếng “điểm mặt” những người đàn ông ngược đãi phụ nữ hoặc lừa dối bạn đời. Nhóm này đăng một đoạn ghi âm về những gì mà họ cáo buộc là Israa la hét cầu cứu trong khi bị anh trai, anh rể và bố của cô đánh đập tàn nhẫn ngay trong khuôn viên bệnh viện. Sau đó, các công tố viên cho biết đoạn băng đã hợp nhất hai clip được ghi cách nhau 7 giờ, trong khi bệnh viện phủ nhận một cách rõ ràng rằng cô bị đánh đập tại cơ sở y tế.
Người biểu tình đòi công lý cho Israa và yêu cầu thực thi luật pháp để bảo vệ phụ nữ khỏi bạo lực gia đình.
Nhưng những tuyên bố trong nhóm Facebook bắt đầu lan rộng và mối lo ngại về câu chuyện của Israa ngày càng tăng cao. Nhóm cũng đã công bố các cuộc trò chuyện trên ứng dụng WhatsApp giữa Israa và anh em họ của cô, trong đó cô nói rằng cô đã đi chơi với một người đàn ông sẽ sớm trở thành chồng chưa cưới của mình, với sự đồng ý của gia đình cô. Nhanh chóng các hashtag “Israa Ghrayeb”, “Không có danh dự trong tội ác danh dự” và “Chúng ta đều là Israa Ghrayeb” bắt đầu trở thành xu hướng trên Twitter ở một số quốc gia Ảrập. Phóng viên Tala Halawa của hãng tin BBC đã theo dõi vụ kiện trực tuyến và phát biểu: “Trong trường hợp cụ thể này, phương tiện truyền thông xã hội đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các cơ quan chức năng làm việc có trách nhiệm hơn để giải quyết vụ án. Hàng ngàn tweet và bài đăng trên Facebook kêu gọi công lý cho Israa Ghrayeb, và nhiều phụ nữ đã chia sẻ nỗi sợ hãi và câu chuyện cá nhân của họ về những sự kiện tương tự mà họ chứng kiến”. Người biểu tình vì quyền của phụ nữ bắt đầu tập trung bên ngoài văn phòng thành phố Ramallah của Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh. Họ yêu cầu thực thi luật pháp để bảo vệ phụ nữ khỏi bạo lực gia đình đồng thời cáo buộc các quan chức chính quyền đã không có hành động gì để bảo vệ Israa trước khi chết và cũng không tích cực tiến hành điều tra sau đó. Một người tên Randa Siniora nói: “Ngay lập tức tôi nghĩ rằng có điều gì đó không ổn với Israa; tôi không tin câu chuyện cô ấy ngã từ ban công. Gia đình đã tuyên bố rằng Israa có linh hồn xấu”. Khi vụ án được công khai, người anh rể của Israa tuyên bố cô đã bị chiếm hữu bởi “linh hồn xấu”. Đó là lời giải thích khác thường cho những gì đã xảy ra và trở thành một tâm điểm cho các nhà vận động. Người biểu tình giơ cao biểu ngữ ghi: “Ma quỷ ở trong đầu ngươi chứ không phải trong cơ thể phụ nữ”. Giữa cơn bão giận dữ trực tuyến và làn sóng phản đối, các cuộc kiểm tra pháp y tiếp theo được thực hiện trên thi thể Israa Ghrayeb. Báo cáo của một nhà nghiên cứu bệnh học xác nhận nguyên nhân tử vong của Israa là suy hô hấp nghiêm trọng do phổi bị xẹp cùng quá nhiều vết thương trên cơ thể. Cuộc họp báo của tổng chưởng lý tại Ramallah mô tả cái chết của Israa là hậu quả của “sự tra tấn và bạo hành” đồng thời tuyên bố rằng lời giải thích rằng Israa rơi từ ban công là “bịa đặt” và “đưa ra nhằm để đánh lạc hướng điều tra”. Hai bệnh viện đầu tiên tiếp nhận trường hợp của Israa cho biết họ đã thông báo cho cảnh sát và các nhóm bảo vệ gia đình trong quá trình nhập viện của cô. Nhưng nhà chức trách vẫn chưa nêu lý do tại sao họ không nhanh chóng có hành động gì trước khi Israa chết. Bạo lực gia tăng Câu chuyện của Israa không là độc nhất. Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn Pháp lý Phụ nữ Palestine cho biết họ đã ghi nhận 24 trường hợp vào năm 2018, trong đó phụ nữ đã chết oan ức sau bạo lực trên cơ sở giới tính ở Bờ Tây và Dải Gaza.
Israa Ghrayeb trên Instagram.
Nhóm nhân quyền Al-Haq trong nhiều năm đã thu hút sự chú ý của dư luận khi họ mô tả về “sự gia tăng đáng báo động” trong các vụ bạo hành trong gia đình đối với phụ nữ, bao gồm cả giết người. Các nhà vận động đổ lỗi cho một nền văn hóa không trừng phạt đối với thủ phạm nam giới, được củng cố bởi một bộ luật hình sự có từ thập niên 1960 trong giai đoạn Jordan chiếm đóng Bờ Tây. Một số điều khoản của nó tạo ra kẽ hở được các tòa án Palestine lợi dụng để ân xá hoặc đưa ra những bản án khoan hồng đối với những người đàn ông có hành vi bạo lực với phụ nữ khi họ đưa ra lý do hành động vì… danh dự gia đình! Giới truyền thông không ngừng đưa tin về hàng loạt vụ giết người được gọi là nhân danh “danh dự” diễn ra hàng năm trên khắp thế giới. Năm 2011, Chính quyền Palestine đã sửa đổi luật với mục đích răn đe cái gọi là cái cớ “giết người vì danh dự”.
Hashtag “Chúng ta đều là Israa Ghrayeb” trở thành xu hướng trên Twitter ở một số quốc gia Arab.
Nhưng một báo cáo năm 2017 của Liên Hiệp Quốc cho biết các thẩm phán trong hầu hết các trường hợp vẫn dùng đến các điều 99 và 100 của bộ luật cho phép “giảm nhẹ hình phạt giết người, kể cả nếu nạn nhân xuất thân từ cùng một gia đình của hung thủ”. Báo cáo cũng cho biết phụ nữ Palestine phải chịu đựng “nhiều nguồn phân biệt đối xử và bạo lực” cả ở nơi công cộng và tư nhân. Báo cáo nhấn mạnh: “Họ phải chịu đựng bạo lực từ sự chiếm đóng của Israel, dù trực tiếp hay gián tiếp, nhưng họ cũng phải chịu một hệ thống bạo lực bắt nguồn từ truyền thống và văn hóa, với các chuẩn mực xã hội gia trưởng”. Có một vấn đề nữa trong cách đối phó với luật pháp Palestine từ các gia đình trong đó cáo buộc bạo lực diễn ra, theo Randa Siniora. Cô nói rằng bộ luật không bắt buộc các thành viên gia đình có thể là nhân chứng cung cấp thông tin cho cảnh sát - thay vào đó, nó bảo vệ họ khỏi việc đưa ra các tuyên bố, điều này có thể củng cố thêm sức mạnh của đàn ông trong gia đình. Các nhà vận động chỉ ra rằng chính quyền Palestine là thành viên của một số công ước quốc tế bắt buộc phải duy trì các biện pháp nhân quyền và ngăn chặn bạo lực trên cơ sở giới tính. Một chiến dịch đấu tranh hiện đang bùng phát đòi công lý cho Israa Ghrayeb. Suheir Faraq, một trong những người phát ngôn của chiến dịch cho rằng sự thay đổi phải mang tính xã hội cũng như pháp lý. Phụ nữ như Israa Ghrayeb cần tin rằng họ sẽ được giúp đỡ. “Phải có một cơ chế để phụ nữ không ngại tiến tới”. Duy Ân (tổng hợp)/ Theo Báo CAND  

CATP Hà Tĩnh