Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Hội Phụ nữ thành phố Hà Tĩnh hiệu quả từ phong trào hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế

Với phương châm hướng về cơ sở, ưu tiên hỗ trợ cán bộ hội viên phát triển kinh tế, từ đó thúc đẩy các mặt hoạt động công tác Hội, trong nhiệm kỳ qua, hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế đã được Hội LHPN thành phố Hà Tĩnh tập trung chỉ đạo và triển khai với nhiều giải pháp, cách làm thiết thực, phù hợp, góp phần tạo nên những mô hình kinh tế hiệu quả, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho cán bộ, hội viên phụ nữ.

Năm 2014, nắm bắt lợi thế của địa bàn vốn có nghề truyền thống sản xuất bánh tráng cũng như nhu cầu của cán bộ, hội viên Phụ nữ, được sự ủng hộ của Hội LHPN thành phố, Hội LHPN phường Thạch Quý đã thành lập mô hình tổ hợp tác sản xuất bánh tráng tại khối phố Tiền Tiền với 8 thành viên tham gia. Để xây dựng mô hình Hội LHPN thành phố, Hội LHPN phường Thạch Quý đã kết nối, kêu gọi nguồn vốn hỗ trợ từ dự án hỗ trợ, đào tạo nghề cho phụ nữ, nguồn vốn giải quyết việc làm của thành phố, của Hội LHPN tỉnh hỗ trợ chị em một dây chuyền sản xuất bánh, máy xay bột, máy cắt bánh...với tổng nguồn vốn đầu tư ban đầu hơn 700 triệu đồng. Hội LHPN phường Thạch Quý cũng đồng thời hỗ trợ chị em trong tổ hợp tác tập huấn về kỹ thuật sản xuất, tham quan học hỏi kinh nghiệm và thường xuyên quan tâm hỗ trợ chị em kịp thời trong quá trình sản xuất, giao dịch, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đăng ký sản xuất... Với sự quan tâm hỗ trợ sâu sát của các cấp hội và sự năng động, nỗ lực vươn lên của chị em, đến nay sau gần 3 năm xây dựng, mô hình tổ hợp tác sản xuất bánh tráng, bánh đa nem của Hội LHPN phường Thạch Quý đang phát huy hiệu quả. Mỗi ngày tổ chế biến từ 150- 200kg gạo với các thành phẩm là bánh đa nem, bánh làm kẹo Cu đơ có uy tín, chất lượng, tiêu thụ ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Tranh thủ diện tích hơn 400 m2 đất nhiều năm nay Chị Bùi Thị Hằng ở xóm Thúy Hội xã Thạch Hưng tiến hành cải tạo vườn trồng rau xanh theo mùa vụ. Ngoài kinh nghiệm sản xuất, Chị Hằng còn được Hội LHPN xã hỗ trợ vay vốn, giống, tập huấn quy trình sản xuất rau an toàn. Từ chỗ sản xuất theo mùa vụ với một vài giống rau chủ lực đến nay chị Hằng đã mở rộng quy mô từ vườn ra đồng, luân phiên trồng rau quanh năm với nhiều loại rau xanh đáp ứng nhu cầu thị trường, cho thu nhập mỗi ngày từ 200- 300 ngàn đồng. Đó chỉ là 2 trong số hàng trăm mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của cán bộ hội viên phụ nữ thành phố Hà Tĩnh có sự hỗ trợ, giúp đỡ, định hướng chỉ đạo của Hội LHPN thành phố và các cấp hội cơ sở. Trên cơ sở ưu tiên ưu tiên hỗ trợ cán bộ hội viên phát triển kinh tế, từ đó thúc đẩy các mặt hoạt động công tác Hội, trong nhiệm kỳ qua, Hội LHPN thành phố Hà Tĩnh đã chú trọng tăng cường mở rộng và khai thác các nguồn vốn cho chị em vay, tạo cơ hội cho chị em tiếp cận với các mô hình sản xuất theo hướng liên  kết chuỗi, cơ chế thị trường, tuyên truyền,Hỗ trợ chị em về khoa học kỹ thuật, học nghề, tạo việc làm, đẩy mạnh các hoạt động giúp phụ nữ xóa đói giảm nghèo bền vững...và thực sự đã tạo nên phong trào thi đua sôi nổi trong cán bộ, hội viên các cấp hội, tạo nên những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế ở các địa phương. Để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN thành phố chú trọng việc tăng cường mở rộng và khai thác nguồn vốn, đầu tư cho chị em vay kết hợp kiểm tra, giám sát, tạo nên thói quen tốt cho chị em thực hiện vay trả dần gốc, lãi, gửi tiết kiệm. đến nay tổng nguồn vốn trên 33 tỷ đồng đang được Hội đầu tư cho gần 3.268 lượt hộ vay phát huy hiệu quả kinh tế. Cùng với việc tạo vốn hỗ trợ chị em, các cấp Hội phụ nữ đã phối hợp với Ban kinh tế Hội LHPN tỉnh, Phòng kinh tế UBND thành phố tổ chức 7 lớp tập huấn kiến thức về khởi sự doanh nghiệp, tư vấn hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ phương pháp xây dựng các mô hình …cho 1.320 lượt chị em là thành viên THT, HTX, chủ các mô hình phát triển kinh tế. Hội cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền thay đổi nhận thức cho chị em từ sản xuất hàng hóa bằng thủ công nhỏ lẻ tự phát sang sản xuất hàng hóa bằng máy móc hiện đại; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh; Tập trung nâng cao chất lượng hoạt động Quỹ phát triển phụ nữ nhằm chủ động nguồn lực trong xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Trong chương trình thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, việc làm” giai đoạn 2010 - 2015 và Đề án đào tạo nghề nông thôn theo quyết định 1956, Hội LHPN Thành phố đã tổ chức hàng chục lớp đào tạo nghề  sản xuất bánh tráng, kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt, chăn nuôi gà, lợn, thỏ, trồng rau an toàn, kiến thức trồng nấm, kỹ thuật chế biến các món ăn cho gần 1800 chị em. Sau đào tạo, tập huấn, Hội đã thành lập được 06 Tổ hợp tác, hỗ trợ xây dựng được 157 mô hình kinh doanh, dịch vụ… cho thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên/năm. 13 mô hình chăn nuôi lợn từ 15 - 20 con trở lên, 03 mô hình chăn nuôi gà trên 500 con trở lên...6 mô hình chăn nuôi tổng hợp, hoạt động có hiệu quả, đã đem lại hiệu quả kinh tế cao góp phần trong công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở các địa phương. Song song với việc vận động hội viên đầu tư phát triển chăn nuôi, các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền vận động 364 hộ lắp đặt hệ thống bể biogas, góp phần thúc đẩy sự liên kết giữa các hộ chăn nuôi an toàn, hiệu quả, đảm bảo vệ sinh môi trường, cung cấp nguồn nhiên liệu phục vụ sinh hoạt, góp phần nâng cao sức khoẻ cộng đồng, đem lại lợi ích kinh tế cho người dân. Bên cạnh đó, để giúp cán bộ, hội viên phụ nữ xóa đói giảm nghèo bền vững hàng năm, các cấp hội đã tổ chức khảo sát đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, giao chỉ tiêu cho mỗi đơn vị giúp từ 10 - 15 hộ nghèo có địa chỉ. Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp Hội đã trực tiếp giúp 2.245 lượt hộ nghèo, trong đó có 1.361 lượt hộ do phụ nữ làm chủ hộ, kết quả đến nay có 230 hộ thoát nghèo, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế đã góp phần không nhỏ trong việc  hạ tỷ lệ hộ nghèo toàn Thành phố từ 7,48%( năm 2011) xuống còn 5,24% năm 2016. Thông qua đó góp phần giúp hội viên xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Đây cũng là động lực đoàn kết, tập hợp hội viên phụ nữ đến với tổ chức hội, tham gia thực hiện tốt các phong trào, mục tiêu hoạt động của tổ chức Hội. Tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ này là các cấp hội cơ sở như: Hội LHPN xã Thạch Trung, Nguyễn Du, Thạch Linh, Bắc Hà, Nam Hà, Thạch Hưng, Thạch Đồng, Thạch Bình, Thạch Môn, Thạch Hạ... Nhờ triển khai đa dạng các hình thức, giải pháp sáng tạo trong vận động, hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, các cấp Hội Phụ nữ thành phố Hà Tĩnh đã trở thành chỗ dựa vững chắc của phụ nữ trong phát triển kinh tế. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm sẽ được Hội LHPN thành phố Hà Tĩnh triển khai trong nhiệm kỳ đại hội lần thứ XX nhiệm kỳ 2016-2021 nhằm tạo bước đột phá từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của chị em phụ nữ. Thông qua đó để thu hút, tập hợp hội viên, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng đô thị văn minh, nông thôn mới của thành phố Hà Tĩnh.

CATP Hà Tĩnh