Hôm nay (7-5), khai mạc Hội nghị lần thứ 7 BCHTƯ Đảng khoá XII
Hôm nay (7-5), tại Hà Nội, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII khai mạc, dự kiến chương trình làm việc đến ngày 12-5-2018.
Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược Hội nghị sẽ thảo luận 3 Đề án, gồm: Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ”; Đề án “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội” và Đề án “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp”. Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” là nội dung hết sức quan trọng. Gần 2 năm qua, hàng loạt công việc đã được tiến hành từ Trung ương tới địa phương để có Đề án chính thức trình hội nghị. Đề án trình Hội nghị Trung ương 7 lần này nhằm ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đề án được xây dựng trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII và những đề xuất, kiến nghị của cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương. Đề án gồm 5 phần: Mở đầu; thực trạng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ; quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp; đánh giá tác động khi thực hiện Đề án; tổ chức thực hiện và đề xuất, kiến nghị. Theo Ban Tổ chức Trung ương, quá trình xây dựng Đề án, Ban Chỉ đạo đã làm việc trực tiếp với 15 cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương; tổ chức 25 hội nghị, hội thảo ở 3 miền Bắc, Trung, Nam, lấy ý kiến 2 vòng các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy, Đảng đoàn, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương; tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến của các cán bộ lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học. Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án cũng đặt hàng Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành điều tra xã hội học về công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ và nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Singapore… Qua các hội thảo, hội nghị và báo cáo chuyên đề, Tổ Biên tập đã giúp Ban Chỉ đạo tổng hợp trên 800 trang tài liệu kèm theo Đề án, hết sức công phu. Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã tiếp thu được rất nhiều ý kiến hay và tâm huyết. Đề án trình Hội nghị Trung ương 7 về cán bộ là đề án lớn, rất khó và rất quan trọng. Tình hình trong nước và thế giới hiện nay đã khác rất nhiều so với 20 năm trước (sự thay đổi nhanh chóng của tình hình trong nước và thế giới; cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đất nước đã hội nhập sâu rộng và toàn diện…), yêu cầu đặt ra là phải có một đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, uy tín và năng lực, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới. Việc xây dựng Đề án, ban hành Nghị quyết lần này nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ mới, thay thế Chiến lược cũ ra đời cách đây 20 năm. Mục tiêu đến năm 2030 xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược có phẩm chất tốt, đủ năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng, cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng XHCN. Tiền lương phải là thu nhập chính Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đã hoàn thành Đề án Cải cách chính sách tiền lương trình Hội nghị Trung ương 7. Đề án nêu rõ quan điểm “tiền lương phải là thu nhập chính” bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình. Trong khu vực công, Nhà nước trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động. Mục tiêu của đề án nhằm xây dựng chế độ tiền lương mới thực hiện từ năm 2021, gắn với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập. Xác định mức tiền lương thấp nhất của khu vực công (là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp) từ năm 2021 bảo đảm không thấp hơn mức lương thấp nhất của khu vực doanh nghiệp. Về nội dung cải cách, đề án chỉ rõ trong khu vực công, những công việc thừa hành, phục vụ (yêu cầu trình độ dưới trung cấp) thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động (hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ), không áp dụng bảng lương công chức, viên chức. Đề án đưa ra thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới gồm: Mức lương cơ bản chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương; các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương; tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ lương. Ngoài ra, sẽ có hệ thống bảng lương mới được quy định bằng số tiền tuyệt đối thay cho việc quy định hệ số lương nhân với mức lương cơ sở theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo trên sở điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất và mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường. Cụ thể, sẽ có 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã. Một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo. Ba bảng lương đối với lực lượng vũ trang, gồm: 1 bảng lương sĩ quan Quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ Công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm/cấp hàm), 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật Công an và 1 bảng lương công nhân Quốc phòng, công nhân Công an. Xem xét, cho ý kiến về đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu Về Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) trình Hội nghị Trung ương 7 đưa ra 8 yếu tố đột phá. Đề án mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng và hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Theo Ban Chỉ đạo Đề án, hiện thu nhập của người dân rất đa dạng, có người thu nhập thấp, trung bình, nhưng có người thu nhập rất cao. Trước đây, Việt Nam chỉ duy trì bảo hiểm xã hội cơ bản, tức là người lao động có tiền lương, đóng BHXH trên nền tiền lương đó với mức trần nhất định. Đây là hình thức bảo hiểm xã hội đơn tầng để đáp ứng cho tất cả. Điều này chưa phù hợp, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người lao động trong xã hội. Vì vậy, cải cách lần này, Ban soạn thảo Đề án thiết kế hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Nội dung đáng chú ý tiếp theo của Đề án là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Một trong các phương án Ban soạn thảo đề xuất là tăng tuổi hưu lên 62 với nam và 60 với nữ. Theo Ban Chỉ đạo Đề án, trong bối cảnh già hóa dân số, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là một xu thế tất yếu của tất cả các nước, không riêng Việt Nam. Hiện nay, nhiều quốc gia có kỳ vọng sống (tuổi thọ sau tuổi 60 đối với nam, sau 55 tuổi đối với nữ) thấp hơn Việt Nam nhưng đều đã có kế hoạch điều chỉnh tuổi nghỉ hưu như: Indonesia đạt tuổi nghỉ hưu 65 vào năm 2043; Hàn Quốc đạt tuổi nghỉ hưu 65 vào năm 2034; Nhật Bản đạt tuổi nghỉ hưu 65 vào năm 2030… Phương án xin ý kiến Trung ương về tuổi nghỉ hưu điều chỉnh theo lộ trình phù hợp để vừa đạt mục tiêu tăng tuổi nghỉ chung, vừa thu hẹp dần khoảng cách về giới trong tuổi nghỉ hưu. Những ngành nghề đặc biệt có thể nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn so với tuổi nghỉ hưu chung 5 tuổi. Đề án kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ và thu hẹp khoảng cách về mức lương hưu trong tầng BHXH do Nhà nước tổ chức để khắc phục những bất hợp lý trong thời gian vừa qua. Việc điều chỉnh các tham số tính toán chế độ BHXH cũng được chú ý. Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã có nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ, nhưng chia sẻ mới thực hiện rõ nét với BHXH ngắn hạn. Lần này, trong Đề án thiết kế theo hướng kết hợp hài hoà giữa nguyên tắc đóng - hưởng và nguyên tắc chia sẻ trong chính sách hưu trí để thu hẹp khoảng cách lương hưu. Ngoài 3 đề xuất nêu trên, Đề án còn có 5 nội dung khác được cho sẽ tạo đột phá. Cụ thể là, tăng cường sự liên kết và hỗ trợ giữa các chính sách BHXH; kế thừa và phát triển nguyên tắc điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối với tiền lương của người đang làm việc; điều chỉnh theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia để giảm số lượng hưởng BHXH một lần; thiết kế lại các tham số BHXH để đảm bảo đạt mục tiêu bền vững tài chính của các quỹ BHXH thành phần; rút ngắn điều kiện thời gian tham gia BHXH để được hưởng lương hưu. Hội nghị Trung ương lần này cũng sẽ đánh giá kết quả công tác của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; dành thời gian làm công tác nhân sự giữa kỳ và một số nội dung quan trọng khác.
CATP Hà Tĩnh