Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Hôm nay ở Hà Nội nộp tờ khai, cuối tuần có thể nhận hộ chiếu tại TP. Hồ Chí Minh

“Chúng tôi tính toán, mỗi anh em ở 1 cửa khẩu đối với 1 khách chỉ khoảng 10 giây tiếp xúc, một chuyến bay 200 người thì bao nhiêu cửa và mỗi khách mất bao nhiêu thời gian sẽ giải toả hết chuyến bay. Đây là những ứng dụng mới tạo thuận lợi cho người xuất cảnh, nhập cảnh và Dự án luật lần này đáp ứng được các yêu cầu”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh".

Chiều 28-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Tại tổ 16, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã phát biểu làm rõ thêm một số điểm mới của dự thảo luật. Bộ trưởng đánh giá, dự án Luật đã cụ thể hoá, thể hiện một bước tiến rất dài trong việc thực hiện quyền tự do, dân chủ của người dân được quy định trong Hiến pháp. “Đó là quyền của người dân được xuất cảnh, nhập cảnh, ra nước ngoài. Mọi người dân đều được cấp hộ chiếu, đều được xuất cảnh. Tất nhiên Luật quy định một số trường hợp không được xuất cảnh, nhập cảnh, tuy nhiên đại đa số được hưởng quyền này. Đây cũng là điểm mới và là điểm tích cực”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Tô Lâm thảo luận tại tổ, chiều 28-5
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, điểm mới nữa là luật tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Trước đây, được cấp hộ chiếu là điều rất lạ, rất khó khăn, thậm chí có những người phải trình bày hồ sơ rất dài, nào là CMND, nào là xác nhận của Công an phường, UBND xã, tóm tắt lý lịch, sổ hộ khẩu, copy, công chứng đến nộp ở cơ quan xuất nhập cảnh, chờ xem xét trong thời gian bao lâu đấy mới được cấp hộ chiếu. Thậm chí có thời kỳ phải trình bày, anh đi ra nước ngoài thời gian nào, để làm gì, ở bao lâu thì mới được cấp… “Cho đến thời điểm này, luật tạo thuận lợi cho người dân nhất, thậm chí không cần phải giấy tờ gì mà chỉ căn cứ bản khai. Bản khai thể hiện rõ pháp nhân của mình thì nhà nước sẽ cấp hộ chiếu một cách xác thực. Gồm ảnh, số CMND, trong đó có ngày tháng năm sinh, quê quán, nơi cư trú, mọi thông tin cá nhân. Cơ quan xuất nhập cảnh chỉ cần đối chiếu thấy đúng thì sẽ cấp hộ chiếu” – Bộ trưởng Tô Lâm cho hay. Bên cạnh đó, các cơ quan xuất nhập cảnh cũng không cần lưu giữ lại các tập hồ sơ của người dân mang đến nộp bằng các kho như trước, mà việc lưu trữ thông tin đã được quản lý bằng hệ thống công nghệ mới.
Bộ trưởng cung cấp một số điểm mới của Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam
Người đứng đầu Bộ Công an cũng đề cập một điểm mới nữa để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân là người dân có quyền lấy hộ chiếu ở bất cứ đâu (trước đây là đi theo hộ khẩu, đi theo nơi cư trú). “Ví dụ anh có quyền gửi bản khai đó qua mạng internet, hoặc anh in ra gửi trực tiếp. Nếu anh đã từng nhận hộ chiếu lần đầu thì lần thứ hai anh ở bất cứ đâu liên hệ với cơ quan xuất nhập cảnh cũng có thể lấy được hộ chiếu (nếu ở nước ngoài thì liên hệ Đại sứ quán được uỷ quyền cấp hộ chiếu). Hôm nay anh ở Hà Nội nộp tờ khai nhưng cuối tuần ở TP.Hồ Chí Minh thì anh có thể xin nhận hộ chiếu ở TP.Hồ Chí Minh. Hoàn toàn được theo nguyện vọng của mình, tất nhiên có địa chỉ sẵn và có trả phí chuyển phát nhanh”, Bộ trưởng lý giải, khẳng định quy định này hoàn toàn là tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt đối với những người vì bận công việc thì không cần trở về nơi cư trú của mình vẫn nhận được hộ chiếu. Về điểm mới nữa theo Bộ trưởng Tô Lâm là ứng dụng hoàn toàn bằng công nghệ mới, qua đó tạo điều kiện cho cả cơ quan quản lý, cấp phép, kiểm soát xuất nhập cảnh và cả người dân. “Chúng tôi có hộ chiếu gắn chíp điện tử, hoặc cửa kiểm soát tự động, không cần cán bộ quản lý nữa. Anh cứ ra – vào cửa khẩu, có hộ chiếu đặt lên cổng mà cổng đọc được thông tin trên chip điện tử thì anh có thể được xuất, nhập cảnh. Khi làm cổng này, công dân Việt Nam có thể đi qua rất nhanh, không cần kê khai, làm các thủ tục mà chỉ cần đặt hộ chiếu có chip điện tử, thời gian đi qua cửa khẩu không mất nhiều thì giờ”, Bộ trưởng thông tin.
"Cho đến thời điểm này, luật tạo thuận lợi cho người dân nhất" - Bộ trưởng nói
Khẳng định xu hướng trên quốc tế làm tương đối nhiều, Bộ trưởng Tô Lâm cũng cung cấp về những cải tiến trong việc quản lý xuất nhập cảnh. Ví dụ trước đây người dân Việt Nam hoặc người nước ngoài vào Việt Nam có hộ chiếu, hoặc có thị thực rồi, thậm chí có thời kỳ người Việt Nam ở nước ngoài có hộ chiếu Việt Nam muốn về nước cũng phải đến cơ quan đại sứ quán xin thị thực về nước… thì lâu nay đã không cần nữa. “Gần đây chúng tôi bỏ cả tờ khai, ví dụ muốn về nước hoặc ra nước ngoài trước khi xuất cảnh, nhập cảnh phải có mảnh giấy nhỏ, hoặc có thời kỳ kết hợp với Hải quan để khai thì bây giờ bỏ rồi, không cần tờ khai ấy nữa. Vì những thông tin 5 mục yêu cầu đã được thể hiện đầy đủ trong hộ chiếu rồi” – Bộ trưởng nói, cho biết hiện nhiều nước hiện vẫn duy trì tờ khai này nhưng Việt Nam đã bỏ để giảm bớt thủ tục cho những cán bộ quản lý xuất cảnh, nhập cảnh ở ngay cửa khẩu, đồng thời giảm bớt những động tác để lượng người đi qua cửa khẩu một cách nhanh nhất. “Chúng tôi tính toán, mỗi anh em ở 1 cửa khẩu đối với 1 khách chỉ khoảng 10 giây tiếp xúc, một chuyến bay 200 người thì bao nhiêu cửa và mỗi khách mất bao nhiêu thời gian sẽ giải toả hết chuyến bay. Đây là những ứng dụng mới để tạo thuận lợi cho người xuất cảnh, nhập cảnh và dự án luật lần này đáp ứng được các yêu cầu”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Quỳnh Vinh
 

CATP Hà Tĩnh