Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Hương Khê: Mùa “săn” lộc rừng

Những trận mưa rừng của mùa thu làm tơi xốp lớp đất đai sau những tháng ngày nắng hạn. Không khí ẩm ướt mang theo mùi lá mục ngai ngái đã đánh thức những mầm cây ẩn mình dưới lớp đất sâu. Mùa tìm lộc rừng của những người dân trên vùng núi Ka Đay thuộc dãy Trường Sơn lại bắt đầu.

[caption id="attachment_12221" align="aligncenter" width="600"]Măng rừng được xem là một trong những sản vật mà thiên nhiên đã ban tặng chong người dân Hương Liên (Ảnh minh họa từ internet). Măng rừng được xem là một trong những sản vật mà thiên nhiên đã ban tặng chong người dân Hương Liên (Ảnh minh họa từ internet).[/caption]

Chuyến công tác về với người dân xã Hương Liên (Hương Khê) của chúng tôi dường như bị vỡ kế hoạch, bởi đợt mưa rừng không báo trước. Nhưng đó cũng là cơ duyên để chúng tôi thêm một lần trải nghiệm những cảm giác mới mẻ khi chìm đắm trong câu chuyện từ những người con của rừng.

Hơn 50 tuổi đời, gắn bó với rừng từ thuở ấu thơ, nhưng với bà Nguyễn Thị Khẩn (xã Hương Liên) thì rừng xanh luôn có sức hấp dẫn kỳ diệu với những sản vật phong phú: “Sống với rừng, rừng luôn bảo vệ, che chắn cho chúng tôi, ban tặng những sản vật quý giá theo mùa. Với những người phụ nữ vùng sơn cước, mùa hái lộc có lẽ là khoảng thời gian đáng mong chờ nhất. Đó là những gùi măng trĩu nặng mang về bữa cơm no ấm cho gia đình trong ngày giáp hạt”.

Theo người dân nơi đây, mùa măng kéo dài từ tháng 7 đến cuối tháng 10 và cao điểm là sau những ngày mưa tầm tã thuộc trung tuần tháng 9. Măng nứa ở phía Đông Trường Sơn vùng rừng núi Ka Đay dẫu không còn dồi dào như trước, nhưng cũng đủ làm ấm lòng những người năng tìm kiếm.

8h sáng, khi cơm nước xong xuôi, từng nhóm 2-3 người lại nắm cơm, xách nước mang gùi lên rừng. Điểm đến của họ là những vạt rừng nơi có các loại tre, nứa, luồng, giang… để tìm măng. Kể thì đơn giản nhưng thực tế, ăn được lộc rừng cũng rưng rưng nước mắt. Đó là cảm giác xót, ngứa rất khó chịu khi bị gai măng, gai tre đâm rách da thịt; là những cơn mưa rừng ào ào bất chợt tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến đất rừng trơn nhẫy, chỉ còn nước đi chân trần, bấm từng ngón chân xuống đất, dồn hết sức lực để bước đi trong khi vai vác nặng; rồi còn phải đối phó với muỗi, vắt… Nhưng biết làm sao được, ở rừng, sống phải nhờ rừng và niềm vui được bù đắp là những buổi chiều trở về với chiếc gùi trĩu nặng vài ba chục ký măng trên lưng.

mua san loc rung

Rừng đã cho nguời dân nhiều loại thuốc dân gian để chữa các loại bệnh thông thường

Trong đội đi rừng hái lộc, ngoài những gương mặt thân quen, vài ba năm trở lại đây, đã có thêm chị Hồ Thị Lĩnh, Hồ Bắc Khâm ở bản Rào Tre. Tuy nói tiếng Kinh còn trọ trẹ, nhưng khi kể chuyện về những chuyến đi rừng, chị Hồ Thị Lĩnh hồ hởi: “Chúng tôi không đi được thường xuyên như bà con người Kinh, chỉ khi nào hết cái ăn hay khi có người đặt hàng thì mới vào rừng. Mỗi chuyến từ 20-30 kg, tính ra cũng được khoảng 100.000 đồng”.

Từ những chiếc gùi trĩu nặng băng rừng, vượt suối, đặc sản măng muối, măng luộc theo chân thực khách về xuôi, làm phong phú thêm bữa cơm trong những ngày se lạnh.

Niềm vui mùa hái lộc còn là nụ cười rạng rỡ trên môi của các mẹ, các chị khi tìm được những loại thuốc dân gian. Không nhiều để có thể đem bán, nhưng lộc của rừng cũng đã làm vơi bớt những cơn đau, đặc trị những loại bệnh thông thường cho bà con. Chị Đậu Thị Nga (xã Hương Liên) cho biết: “Cùng với hái củi, mỗi chuyến từ rừng trở về của tôi còn lỉnh kỉnh các loại cây như mốc đen, dung, ối… Đó là loại thuốc thông thường chữa căn bệnh dạ dày cho chồng. Những dược liệu đơn giản này ngày xưa mọc nhiều ven bờ bụi, nhưng đến nay cũng phải vào rừng mới có”.

Mùa mưa rừng cũng là mùa hứa hẹn nguồn thu nhập đáng mơ ước của những trụ cột gia đình với nghề mót rễ cây lim. Anh Nguyễn Phượng (xã Hương Lâm) cho biết: “Những cánh rừng già bạt ngàn gỗ lim ngày xưa đã dần biến mất do nạn chặt phá của lâm tặc. Thế nhưng, trong một lần đi rừng cách đây vài ba năm, tôi nhìn thấy những gốc cây lim còn trơ rễ và ý tưởng mót rễ cây làm đồ gia dụng được hình thành”.

Anh Dũng - một người mót rễ gỗ lim ở Hương Lâm chia sẻ: “Mùa mưa đất bở nên không mất công đào xới nhiều. Khó nhất là công đoạn cõng hàng tạ rễ cây lấm lem bùn đất vượt hàng cây số, nhưng bù lại, mỗi ngày cũng cho chúng tôi từ 400-500 ngàn đồng”.

Nghe có vẻ dễ dàng nhưng nghề cũng rất kén chọn người. Đó phải là những người có con mắt nhìn rễ cây để phân biệt gỗ, lại cần cù, chịu thương chịu khó và sức khỏe dẻo dai. Hội tụ những yếu tố ấy nên chỉ sau 3 mùa mưa, ngoài chăm lo cuộc sống gia đình, anh Phượng đã xây dựng được nhà cửa khang trang trị giá khoảng 600-700 triệu đồng. Những người bạn đi rừng với anh cũng đã bắt đầu có cuộc sống ổn định, sung túc nhờ lộc rừng.

Trên cung đường vắt vẻo dài hơn 20 km vào chân núi Ka Đay có hàng trăm hộ dân được rừng xanh bao bọc. Với họ, mùa lộc rừng đã trở thành mùa hò hẹn với những chuyến đi.

Thúy Ngọc - Nguyễn Oanh/ Theo Báo Hà Tĩnh

CATP Hà Tĩnh