Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Hướng tới kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH (4/10/1961 – 4/10/2016): Ký ức đi cùng năm tháng

Trung tuần tháng 9/2016, dọc theo đường lớn từ Trung tâm Thành phố Hà Tĩnh về phường Thạch Linh, cùng lãnh đạo và cán bộ, chiến sỹ phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), chúng tôi đến nhà ông Lưu Xuân Trường – Nguyên cán bộ Đội chữa cháy, phòng Cảnh sát PCCC Ty Công an Hà Tĩnh những năm 1963 – 1979. Gần bước vào tuổi bát thập, ông nhanh nhẹn, hoạt bát và nhớ như in năm tháng công tác chiến đấu trong lực lượng Công an nhân dân, đặc biệt là những ký ức không thể nào quên khi là người lính chữa cháy dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù. Đó cũng chính là tuổi xuân đáng nhớ của người lính trẻ 26 tuổi ngày ấy…

Trận đầu thắng Mỹ

Nằm lặng lẽ trong con ngõ nhỏ của phường Thạch Linh, ngôi nhà ông Lưu Xuân Trường đầy ắp tiếng cười của cháu và bà con lối xóm. Chúng tôi cảm nhận một cuộc sống bình yên ở những khối phố ven Trung tâm Thành phố. Hơn 51 năm đã trôi qua kể từ ngày quân và dân Hà Tĩnh bắn rơi 12 máy Mỹ vào ngày 26/3/1965 nhưng người lính chữa cháy trẻ tuổi ngày ấy vẫn còn nhớ in những cảm xúc và những kỷ niệm. Bởi, không chỉ riêng ông, quân và dân Hà Tĩnh, trận đầu thắng Mỹ dưới chân Núi Nài là biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết toàn dân và những điển tích hào hùng của một thời hoa lửa vẫn còn vang vọng.

Ông Lưu Xuân Trường và lãnh đạo, cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC ôn lại những thành tích của lực lượng PCCC những năm kháng chiến chống Mỹ

Trở về những năm tháng cách đây 51 năm, sau thất bại nặng nề trong 2 chiến dịch "Mũi lao lửa” và "Sấm rền” ở trận tuyến Vĩnh Linh (Quảng Trị) và vĩ tuyến 19 trở ra, giới cầm quyền Mỹ lúc ấy cho rằng, trở ngại chính làm thất bại các phi vụ đánh phá miền Bắc VN là do hệ thống ra - đa của ta, vì thế Tổng thống Mỹ Johnson quyết định mở chiến dịch, trở lại oanh tạc miền Bắc hòng phá hoại hệ thống ra-đa, liên tiếp trong 2 ngày 23 và 24-3-1965, đế quốc Mỹ đã huy động hàng chục loạt máy bay chiến đấu tấn công vào trạm ra-đa Vĩnh Chấp (Vĩnh Linh) và Đồng Hới (Quảng Bình). Ngay sau khi 2 trạm ra-đa Vĩnh Chấp và Đồng Hới bị tấn công, Bộ tư lệnh Phòng không lệnh cho Trung đoàn 290 ra-đa chỉ huy sở tại Nghệ An vào phối hợp cùng Ban chỉ huy tỉnh đội Hà Tĩnh xây dựng phương án tác chiến bằng cách kịp thời di chuyển hệ thống ra-đa trên Núi Nài đến nơi an toàn, nhường nguyên vị trí cũ để dựng lên một ra-đa giả nhằm nhử máy bay Mỹ. Đồng thời, tổ chức một trận địa hỏa lực gồm lực lượng pháo cao xạ, súng bộ binh quanh Núi Nài và khu vực thị xã Hà Tĩnh (nay là TP.Hà Tĩnh) để đón đánh địch khi chúng vào đánh phá.

Ra-đa giả đã được dựng lên ngay tại đỉnh Núi Nài, còn ra-đa thật thì chuyển về phường Thạch Quý và được bảo vệ an toàn. Từ đêm 24-3 đến 12h trưa ngày 25-3, trạm ra-đa giả đã hoàn tất. Nhân dân đã sơ tán đến nơi an toàn, trận địa đã cài sẵn, cả thị xã nín thở từng giờ chờ địch đến để tiêu diệt. Ngày 25-3, liên tục 2 chiếc máy bay lướt qua bầu trời Hà Tĩnh, Ban chỉ huy thống nhất nhận định, hoạt động trinh sát liên tục của địch bay qua chứng tỏ thời gian địch đánh phá Hà Tĩnh bằng máy bay đã cận kề. Lệnh báo động chiến đấu cấp 1 được truyền gấp xuống các trận địa pháo. Cả thị xã Hà Tĩnh đều trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, chỉ chờ địch đến là bủa lưới đạn. Đúng 13h5’ ngày 26-3, từ trạm ra-đa và các đài quan sát dọc bờ biển cùng lúc báo về Sở chỉ huy: Trên biển đã xuất hiện nhiều tốp máy bay vào hướng đất liền Hà Tĩnh”. 13h15’, từ phía biển xuất hiện 26 chiếc máy bay Mỹ đủ các loại, chia thành nhiều tốp bay vòng lên phía Tây rồi vòng lại thi nhau lao xuống bắn phá xối xả Núi Nài và khu vực xung quanh bằng 2 đợt công kích, mỗi đợt kéo dài trên 20 phút. Chúng điên cuồng trút xuống Núi Nài và các vùng lân cận hàng trăm loạt bom. Bầu trời, mặt đất thị xã Hà Tĩnh tối sầm, rung chuyển, náo động lên bởi tiếng nổ chát chúa của bom đạn, tiếng gầm rít của máy bay phản lực Mỹ, tiếng pháo, tiếng súng rền vang của quân dân Hà Tĩnh. Càng về chiều, chúng càng nối tiếp nhau lao xuống ném bom, bắn rốc két. Các đơn vị pháo cao xạ của đại đội 82, 83, súng máy cao xạ 12 ly 7, đại liên, trung liên và súng trường bộ binh của các lực lượng công an vũ trang, dân quân tự vệ, tất cả đều tung lưới lửa. Chúng bay đến bất kỳ từ hướng nào cũng bị lưới lửa tầm thấp, tầm cao chặn đánh quyết liệt; nhiều máy bay địch trúng đạn bốc cháy, chiếc lao ra biển, chiếc rơi tại chỗ... Đến 15h55 cùng ngày, trận đánh kết thúc.

Ký ức của người lính chữa cháy

“Tôi trực phòng không trên đài quan sát, cùng lúc chuông điện thoại từ trạm rada gọi về “có mục tiêu xuất hiện”, chưa dứt lời nhiều tốp may bay Mỹ xuất hiện trên bầu trời Thị xã Hà Tĩnh, lập tức tôi đánh kẻng báo động liên tục, dùng loa phóng thanh hướng dẫn đồng bào xuống hầm trú ẩn, các lực lượng sẵn sàng nổ súng”…Ông Lưu Xuân Trường hào sảng kể lại cho chúng tôi nghe tham gia trận phục kích đánh máy bay Mỹ, bảo vệ trạm ra đa Nùi Nài, Thị xã Hà Tĩnh ngày ấy.

Những cảm xúc ùa về khi ông Lưu Xuân Trường kể lại việc tham gia chữa cháy ngày 26.3.1965

12 giờ 5 phút, ngày 26/3/1965, cùng một lúc xuất hiện nhiều tốp máy bay địch bay vào hướng đất liền Hà Tĩnh. Lệnh báo động chiến đấu và thông báo hoạt động máy bay địch được truyền đi khắp các trận địa chiến đấu và địa bàn thị xã. Các đơn vị vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Khoảng 10 phút sau, từ biển, báy may địch theo lạch Cửa Nhượng bay vào, rồi từ hướng Tây tấn công vào núi Nài và Thị xã Hà Tĩnh. Đế quốc Mỹ đã điên cuồng sử dụng hàng chục chiếc máy bay, chia thành nhiều tốp đánh phá Thị xã và vùng lân cận, hàng trăm loạt bom, bắn đạn rốc két xối xả vào các trận địa pháo cao xạ, các mục tiêu kinh tế, chính trị.

Từ trên đài quan sát, đồng chí Lưu Xuân Trường chiến sĩ chữa cháy đã nhanh chóng đánh kẻng báo động, dùng loa phóng thanh xuống hầm sơ tán, lực lượng PCCC đã huy động 20 cán bộ, chiến sĩ chia làm 3 mũi xông thẳng vào mục tiêu dùng nước, bùi nhùi phối hợp với dân quân và lực lượng dân phòng dập tắt hàng trăm đám cháy lớn xảy ra đang lan rộng khu vực nhà dân ở xã Thạch Phú và xã Đại Nài, cấp cứu cho người bị thương, tiếp đạn cho bộ đội, dân quân bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Trong lúc phân đội gồm 8 đồng chí do đồng chí Bùi Thanh Tùng trực tiếp chỉ huy đang dũng cảm dập tắt nhiều đám cháy, sơ tán hàng ở kho Ngoại Thương thì một tốp máy bay khác của Mỹ từ biển Đông trút bom vào mục tiêu đơn vị đang chiến đấu, một mảnh bom đã chặt đứt lăng vòi chữa cháy làm 3 chiến sĩ bị thương nhưng không một ai rời vị trí chiến đấu. Không để cho tài sản của nhà nước và nhân dân bị lửa tiêu hủy, 3 đồng chí đã nhanh chóng triển khai phun nước chữa cháy và sử dụng các phương tiện dự phòng thay thế để tiếp tục chiến dấu dưới làn bom đạn khói lửa mịt mù để kịp thời dập tắt đám cháy. Đến 15 giờ cùng ngày mới có lệnh rút quân.

Kết quả trong trận đầu đánh Mỹ lực lượng PCCC đã phối hợp các lực lượng cứu chữa hơn 100 ngôi nhà, 200 tấn lạc nhân, hàng chục kho, hầm chứa vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men, đào bới cấp cứu 18 người bị sập hầm, bị thương, cứu thoát hàng trăm con trâu bò, gà lợn của nhân dân, góp phần quan trọng vào chiến công đầu của quân và dân Hà Tĩnh bắn rơi 12 máy bay địch trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ.

Ngay đêm hôm đó, đơn vị đã được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, trưởng ty Công an đến chúc mừng, 3 đồng chí được tặng huy chương, bằng khen, huy hiệu Bác Hồ, 5 đồng chí được UBND tỉnh khen thưởng. Đơn vị đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương chiến công hạng nhì. Đây là đơn vị đầu tiên của lực lượng phòng cháy toàn quốc được nhận phần thưởng cao quý trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Với những thành tích xuất sắc trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Phòng Cảnh sát PCCC Công an Hà Tĩnh đã được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Vĩ thanh

Chiến thắng trận đầu ngày 26-3-1965 đã đi vào ký ức của quân và dân Hà Tĩnh như những chiến công hiển hách nhất, mở đầu cho hàng loạt trận chiến ngoan cường, anh dũng. Riêng đối với ông Lưu Xuân Trường, người lính chữa cháy Ty Công an Hà Tĩnh ấy không thể quên những thời khắc ác liệt, nguy nan nhưng đầy quyết tâm vì Tổ quốc vì nhân dân ngày ấy. Tiểu đội tham gia chữa cháy ngày ấy đến nay người mất người còn. Các đồng chí như Tiểu đội trưởng Phan Trâm, các đội viên Bùi Quang Trang, Trương Xuân Ngọc là những người đồng đội cũ trong những dịp hiếm hoi ông Lưu Xuân Trường mới có dịp gặp mặt.

Trao đổi với phóng viên

Năm tháng có thể làm mờ phai nhiều hiện vật nhưng những kỷ niệm về năm tháng dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù không thể mờ phai trong ký ức ông Lưu Xuân Trường và quân và dân Hà Tĩnh. Trước lúc chia tay, ông đã đọc cho chúng tôi nghe những câu thơ trong bài thơ “Mừng chiến thắng với trời quê” của nhà thơ Duy Thảo như nói hộ tiếng lòng, những cảm xúc rất thật, nhưng chan chứa niềm tự hào ngày ấy…

Quê hương ơi! Chiều nay nghe náo nức

Đài truyền đi tin chiến thắng vang lừng:

Hà Tĩnh quê ta trận đầu diệt Mỹ

Niềm tự hào nước mắt bỗng rưng rưng

Mỗi kỷ niệm lại hiện về đậm nét

Ơi con đò đưa câu ví, giặm quê nhà,

Cây cỏ Đèo Ngang, cánh buồm Cửa Hội,

Thiên Nhẫn trùng trùng soi bóng bến Tam Soa.

Mỗi gié lúa trên đồng quê xanh ngắt,

Đều thấm ơn bao nhiêu hạt mồ hôi

Mỗi viên gạch ta nâng niu xây dựng,

Đều nặng công gom góp mấy năm trời

Ai cho chúng gieo khăn tang, nạng gỗ

Trên đất từng nhuộm thấm máu cha ông

Trên mảnh đất cháu con ta kế tục,

Máu Cần vương, máu Xô-viết anh hùng.

…..

…..

Ta quyết giữ đất trời quê đẹp mãi,

Cho Ngàn Sâu, Ngàn Phố gỗ xuôi bè.

Chiếc bánh tày Voi nếp đồng nhà thơm dẻo,

Khoai Mục Bài đậm ngon vị đất quê.

Cho Phúc Trạch quýt thơm, bưởi ngọt,

Nón Ba Giang óng ả đường làng.

Muối Hộ Độ càng thêm trắng muốt,

Cửa Nhượng thuyền về cá chở đầy khoang.

Cho lụa Hạ trên khung thêm mịn,

Chiếu cói Nghèn trải giường gỗ Thái Yên.

Linh Cảm, Thượng Tuy mát dòng nước ngọt,

Nuôi ruộng đồng, đưa cuộc sống đi lên...

Ơi các chị, các anh chiều nay bên công sự,

Có phải quê ta mỗi tiếng trẻ chào đời,

Cũng giục giã tay súng ta lên đạn,

Bắt kẻ thù phải đền tội khắp nơi.

Quê hương ơi, đứa con xa náo nức

Chiều nay mừng chiến thắng với quê hương

Chắc tay súng trong điệp trùng đội ngũ

Theo bài ca: Tiếng gọi lên đường!

XUÂN LÝ – HÙNG CƯỜNG

CATP Hà Tĩnh