Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống lực lượng Hồ sơ CAND (27/3/1957 –27/3/2017): Tình người sau những trang hồ sơ

Công tác an ninh được ví là thầm lặng. Nhưng đối với những cán bộ chiến sỹ Công tác tại phòng Hồ sơ nghiệp vụ được xem là hai lần thầm lặng. Họ lặng lẽ trong từng nhiệm vụ, trong từng công việc. Bên những con chữ, con số, bức chân dung đã ố vàng theo dòng chảy thời gian, chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn những hy sinh thầm lặng trên trận tuyến thầm lặng của những cán bộ chiến sỹ phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an Hà Tĩnh. Trung tá Phan Thị Hòa, Đội trưởng Đội Hồ sơ An ninh và đồng đội của mình đã viết nên nhiều câu chuyện cảm động như thế.

Trên những nẻo đường làm phóng viên của ngành, chúng tôi có dịp gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người dân ở nhiều vùng miền trong tỉnh. Trong cuộc gặp gỡ với ông Nguyễn Văn Thành ở xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà, để lại trong chúng tôi những khoảnh khắc, ấn tượng khó tả. Bởi sau câu chuyện, sau cuộc đời của ông đó là việc làm đầy trách nhiệm giàu tính nhân văn của Trung tá Hòa và cán bộ, chiến sỹ phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an tỉnh. Ông Thành kể rằng, năm 1971, ông 22 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông tình nguyện gia nhập Quân đội, được phân công chiến đấu ở đơn vị C6, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, thuộc Quân chủng Bộ binh, chiến đấu tại các chiến trường miền Nam, sau này được cử ra Bắc học tập. Từng là chiến sỹ đến A Trưởng. Năm 1972, trong một lần chiến đấu, ông bị thương và bị địch bắt. Sau đó bị giam cầm tại nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc. Sau khi được trao trả, ông được đơn vị cho đi học tập tại Quảng Ninh. Năm 1973, vì điều kiện gia đình, ông xuất ngũ, trở về địa phương. Do hoàn cảnh chiến tranh, địch bắt, tù đày, ông không còn một giấy tờ tùy thân. Năm 1997, thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước đối với những người có công, hoạt động kháng chiến, bị địch bắt tù đày, thế nhưng không còn một hồ sơ, tài liệu nào minh chứng cho những năm tháng đó, ông Thành đành phải chịu thiệt thòi. Mặc dù đã đi gõ cửa nhiều cơ quan chức năng, nhưng ông cũng không thể nào chứng minh cho mình từng tham gia kháng chiến, bị địch bắt tù đày. Tưởng chừng mọi hy vọng không mỉm cười đối với quân nhân xuất ngũ ngày ấy, năm 2013, ông được giới thiệu đến phòng Hồ sơ Công an tỉnh Hà Tĩnh nhờ tìm lại những thông tin ngày ấy. Với sự tận tình của cán bộ, chiến sỹ phòng Hồ sơ, họ đã liên lạc nhiều nơi, nhờ xác minh, tìm kiếm đến thông tin liên quan đến ông Thành. Hơn 40 năm ngày ấy, những thông tin, con số, dòng chữ vẫn còn, là minh chứng cho những năm tháng ác liệt ngày ấy. Nhờ sự xác minh của lực lượng Hồ sơ Công an Hà Tĩnh, ông đã được hưởng trợ cấp của nhà nước. Sự tận tình giúp đỡ đó của lực lượng Công an đã để lại trong ông những tình cảm tốt đẹp về người cán bộ Công luôn vì nhân dân phục vụ. Ông chia sẻ với chúng tôi: “mặc dù số tiền được trợ cấp hàng tháng không nhiều, nhưng khi được hoàn thành hồ sơ, cả làng ai cũng mừng cho tôi, vì những năm tháng chiến đấu ngày ấy. Chính cô Phan Thị Hòa là người hướng dẫn tôi tận tình, đi nhiều nơi xác minh thông tin cho tôi. Những trang hồ sơ ấy tôi luôn xem là chính là những trang đời của tôi. Không có những thông tin đó, không bao giờ tôi chứng minh được những gì tôi đã hoạt động trong quá khứ”.

Ông Thành là một trong số ít nhân chứng được Trung tá Hòa và cán bộ, chiến sỹ phòng hồ sơ nghiệp vụ Công an Hà Tĩnh cung cấp thông tin. Gắn với với công tác Hồ sơ CAND từ những ngày phòng mới lập, chị không nhớ mình đã giúp cho bao nhiêu người có hoàn cảnh như thế. Chị bảo có nhiều người có hoàn cảnh thương tâm lắm, tham gia cách mạng, có công với cách mạng, bị địch bắt, giam cầm, đánh dập dã man, bị cắt lưỡi, không thể nói được. Nhưng Cán bộ, chiến sỹ phòng Hồ sơ, bằng tình người, bằng sự tri ân với những cống hiến của các thế hệ đi trước, tận tụy, tận tâm cung cấp hồ sơ, thông tin cho người có công, hoặc khai thác hồ sơ của địch để lại để minh oan hoặc trả lời nhiều câu hỏi cho nhiều số phận bị thất lạc hồ sơ. Chia sẻ với nhiệm vụ của mình Trung tá Phan Thị Hòa cho biết: “khi người dân đến đây gõ cửa, chúng tôi xác định, bằng trách nhiệm, bằng tất cả khả năng để liên lạc tìm kiếm thông tin cho họ. Khi chưa xác minh rõ ràng, nhiều đêm tôi không thể ngủ. Khi có câu trả lời chính xác về những thông tin liên quan, chúng tôi vui cùng niềm vui của họ”. Phải chăng, đó chính là hạnh phúc riêng trong nghề mà Trung tá Hòa và đồng đội cảm nhận và có được!

Ngoài ra, với nhiệm vụ được giao, chị và đồng đội còn lưu trữ hàng chục ngàn hồ sơ vụ án của lực lượng an ninh Công an Hà Tĩnh. Những trang hồ sơ được đo bằng lịch sử Công an nhân dân, bằng trách nhiệm trước công việc, thường xuyên bảo quản, kịp thời bổ sung thông tin, nên hầu hết các vụ án được lưu giữ trọn vẹn, minh chứng cho những chiến đấu lặng thầm của các thế hệ cha anh. Những con chữ nắn nót, những trang hồ sơ gọn gàng là những gì mà cán bộ, chiến sỹ phòng hồ sơ để lại cho thế hệ mai sau. Tận mắt chứng kiến những trang sử ngày ấy, như vụ án KH/63, bắt tên gián điệp biệt kích Trần Kim Phú (năm 1963); vụ án PV214, chống phản động năm 1958; vụ Gián điệp GCMA, (tính chất Lam lam -hồng chí) năm 1953… là một trong số ít hồ sơ mà chúng tôi được chứng kiến. Chị Hòa chia sẻ: những thế hệ như chị cũng đến tuổi hưu trí, nhưng chị vẫn tha thiết có chế độ đặc biệt cho những người làm công tác hồ sơ, để động viên họ thêm yêu với công việc của mình. Những công việc tưởng chừng như khô khan, rất đỗi thầm lặng, nhưng thấm đẫm những trang đời, hy sinh của thế đi trước và chất chứa trách nhiệm của những người đi sau.

Chúng tôi, những thế hệ đi sau của lực lượng Công an Hà Tĩnh hiểu thêm phần nào những ý nghĩa sâu sắc từ những tập hồ sơ đã ngã màu theo thời gian. Ở đó có những hồ sơ đời người của mỗi người. Ở đó có những chuyên án, những thành công của lực lượng Công an Hà Tĩnh được đo bằng cả chiều dài lịch sử, truyền thống của ngành. Nhìn những con chữ úa màu, con chữ ngay ngắn, chúng tôi hiểu đó không chỉ là trách nhiệm với ngành, mà đó là cả chữ tâm đối với các thế hệ. Nếu họ không bảo quản, không thu thập, thì những chuyên án, những hồ sơ tưởng chừng như lãng quên theo năm tháng. Có dịp cầm trên tay những tập hồ sơ hàng trăm trang chúng tôi không khỏi bùi ngùi, xúc động. Những thế hệ làm công tác hồ sơ như Trung tá Hòa và đồng đội ngày lại ngày làm sống lại những trang hồ sơ tưởng chừng như khô khan, vô tri, vô giác ấy. Bao nhiêu năm trôi qua, những thông tin, tài liệu mãi đi cùng năm tháng, ngày lại ngày được sắp xếp khoa học hơn, bồi đắp thêm tình yêu nghề nghiệp trong họ.

Và để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin được kể về câu chuyện cảm động của gia đình bà Nguyễn Thị Phăng, 80 tuổi, ở thôn Hưng Thắng, Đến xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên.  25 năm, sau ngày người bạn đời vĩnh viễn rời xa bà, được sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sỹ phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an tỉnh, gia đình bà mới có lại được di ảnh người quá cố để thờ phụng. Những việc làm bình dị, giàu tính nhân văn nhưng ý nghĩa sâu sắc của cán bộ, chiến sỹ phòng Hồ sơ Công an Hà Tĩnh ngày lại ngày ghi dấu trong lòng nhân dân, tô đẹp thêm truyền thống vì nước quên thân, vì dân phục vụ của lực lượng Công an nhân dân…

HOÀNG DIỆP – SỸ QUÝ/ Theo CTTĐT Công an Hà Tĩnh

CATP Hà Tĩnh