Huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng TP. Hà Tĩnh
Phát triển TP Hà Tĩnh trở thành đô thị văn minh, hiện đại được Đảng bộ và chính quyền thành phố xác định là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Trong đó, trước mắt là phấn đấu đạt các tiêu chí đô thị loại II năm 2018.
Để tạo tiền đề thực hiện những nhiệm vụ đó, thời gian qua, TP Hà Tĩnh đã nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, từng bước thay đổi gương mặt phố thị...
Tròn 10 năm kể từ ngày được công nhận đô thị loại III, bộ mặt thành phố đã có nhiều đổi thay, tuy nhiên, thực tế cho thấy, hạ tầng kỹ thuật đô thị xuống cấp, nhiều tiêu chí thiếu hoặc đạt thấp so với tiêu chuẩn và chưa bền vững. Trong khi đó, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách cấp trên không đáp ứng được nhu cầu đầu tư, nhu cầu khắc phục khó khăn về cơ sở hạ tầng của thành phố. Trước thực trạng đó, thành phố đã có nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp để khai thác các nguồn lực.
Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, từng bước đưa TP Hà Tĩnh đạt các tiêu chí đô thị loại II.
Để huy động nguồn lực của nhân dân đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển KT-XH, thành phố đã ban hành cơ chế hỗ trợ đầu tư từ ngân sách. Theo đó, mỗi loại công trình sẽ được ngân sách hỗ trợ khoảng 50-80% giá trị hoàn thành, phần còn lại huy động đóng góp của nhân dân. Nhờ đó, thời gian qua, toàn thành phố đã xây dựng được 62,33 km đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa 35,34 km kênh mương, xây dựng 52 nhà văn hóa, nhiều công trình khác như: trường học, điện chiếu sáng, hệ thống cấp thoát nước. Thời gian tới, gắn với huy động nhân dân, thành phố sẽ tiến hành huy động các cơ quan, đơn vị, tổ chức đóng trên địa bàn tham gia đóng góp.
Kết quả huy động từ nhân dân tuy đáng mừng nhưng vẫn chưa tương xứng với khả năng đóng góp và nhu cầu xây dựng hạ tầng của thành phố. Chính vì thế, huy động nguồn vốn từ doanh nghiệp (DN) sẽ được thành phố tập trung khai thác bằng nhiều cơ chế, chính sách trong thời gian tới. Thực tế cho thấy, từ trước tới nay, DN chỉ tham gia với tư cách là các nhà thầu xây lắp, chưa có nhiều DN bỏ vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, xây dựng các khu đô thị mới như HUD hay Vingroup. Các DN chỉ mới đầu tư vào các công trình phục vụ tuyên truyền, trồng cây xanh đường phố và xây dựng các trụ sở giao dịch, nhà xưởng, khách sạn, nhà hàng…
Bà Đậu Thị Thủy - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết: “Thời gian tới, cùng với hoàn chỉnh việc quy hoạch, công khai quy hoạch, thành phố sẽ tổ chức các hội thảo xúc tiến đầu tư, kêu gọi cộng đồng DN tham gia đầu tư bằng nhiều hình thức góp vốn, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật. Thành phố sẽ chịu trách nhiệm giới thiệu địa điểm, hướng dẫn nhà đầu tư và trực tiếp liên hệ với các sở, ngành để xử lý hồ sơ. Ngoài ra, sẽ đảm bảo các yêu cầu về giải phóng mặt bằng, cung cấp thông tin về thị trường và một số vấn đề liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư”.
Trong quá trình xây dựng hạ tầng thành phố, nguồn vốn ODA được coi là một trong những nguồn lực lớn, giúp thành phố sớm hoàn thiện các tiêu chí. Đến nay, với nguồn vốn ODA, đã hoàn thành các công trình, dự án như: xây dựng 5 tuyến thoát nước chính, kè sông Cụt; cải tạo và xây dựng mới 3 hồ điều hòa, nâng cấp bãi xử lý chất thải rắn từ nguồn vốn của dự án Cải thiện môi trường đô thị Miền Trung (vốn ADB); nâng cấp hệ thống các tuyến kênh mương cứng, hồ thủy lợi từ nguồn vốn của chương trình phát triển thủy lợi quy mô nhỏ (HIRDP); xây dựng 3 nhà học nhiều tầng từ nguồn vốn của quỹ OPEC; đầu tư trang thiết bị và xây dựng nhà máy xử lý rác thải hiện đại từ nguồn vốn vay của Chính phủ Bỉ; nâng cấp công suất Nhà máy cấp nước Hà Tĩnh và phát triển mạng lưới cấp nước thành phố, vùng phụ cận. Hiện nay, dự án xây dựng đô thị loại II do ADB đầu tư đã khởi công với giá trị 876 tỷ đồng.
Trong lộ trình xây dựng đô thị loại II, lãnh đạo TP Hà Tĩnh khẳng định, sẽ tiếp tục làm việc với các bộ, ngành trung ương, các sở, ngành chức năng để tranh thủ nguồn vốn ODA. Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh triển khai các công trình, dự án được bố trí vốn, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải ngân kịp thời các nguồn vốn được giao.
Chặng đường đi tới đô thị loại II và xây dựng đô thị văn minh, hiện đại của TP Hà Tĩnh còn gian nan và bề bộn. Tuy vậy, với sự hoạch định chiến lược, những cơ chế, chính sách và giải pháp thiết thực trong huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đã và đang từng bước mang đến cho thành phố diện mạo mới.
CATP Hà Tĩnh