Indonesia sửa luật để tăng cường khả năng chống khủng bố
Indonesia sẽ sớm có một luật chống khủng bố mới để thay thế luật hiện hành, vốn bị coi là yếu kém. Các thảo luận về dự luật chống khủng bố mới dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới.
Thông tin này vừa được tờ Jakart Post đăng tải sau loạt bài về nguy cơ khủng bố ngày càng gia tăng ở quốc gia ngàn đảo này. Bài báo cũng đã trích dẫn lời của Enny Nurbaningsih, người đứng đầu đơn vị về an ninh và chống khủng bố trong văn phòng Tổng thống Indonesoia Joko Widodo.
Theo đó, Indonesia đang tính toán xây dựng luật chống khủng bố mới, có thể cung cấp an ninh cho người dân và chống lại các cuộc tấn công khủng bố được tổ chức bởi các nhóm Hồi giáo cực đoan hay tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
|
Cảnh sát Indonesia đang tăng cường tuần tra chống khủng bố. |
Enny Nurbaningsih cho hay, 99% nội dung trong dự luật đã được hoàn thành và trình bày trước Quốc hội ngày 23-5 và vướng mắc hiện nay là sự tranh luận về định nghĩa khủng bố là một tội ác. Đáng chú ý là trong dự luật, âm mưu tấn công khủng bố cũng là một tội ác. Một người bị cáo buộc khủng bố có thể bị giam giữ từ 7 đến 14 ngày mà không cần phải bị buộc tội.
Những người thi hành luật có thể giam giữ những nghi phạm này đến 200 ngày sau khi chính thức cáo buộc họ với chủ nghĩa khủng bố. Nếu có một viên chức thực thi pháp luật bị kết tội vi phạm các nguyên tắc nhân quyền trong quá trình điều tra khủng bố, họ sẽ bị buộc tội phạm tội hình sự...
Những người nhập khẩu chất nổ hoặc các thành phần của vũ khí hóa học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân hoặc phóng xạ cho mục đích khủng bố vào trong nước, hoặc nhận, sở hữu có thể phải nộp phạt một số tiền lớn theo Điều 10a của dự luật và có thể phải nhận mức án tối đa là 20 năm tù.
Dự luật cũng buộc tội những kẻ tấn công khủng bố, tham gia huấn luyện bán quân sự với mục đích tung ra các cuộc tấn công khủng bố hoặc tham gia các cuộc chiến tranh ở nước ngoài liên quan đến các cuộc tấn công khủng bố... sẽ bị phạt tù từ 12 năm, 15 năm, 20 năm tới án chung thân và tử hình .
Đặc biệt, trong dự luật mới, các biện pháp phòng chống khủng bố cũng bao gồm các hoạt động "chống cực đoan" và "phi tập trung hóa". Các hoạt động chống cực đoan được dành cho những người hoặc các nhóm đã tiếp xúc với những giáo lý cấp tiến có khả năng dẫn họ đến những cuộc tấn công khủng bố. Các hoạt động phi tập trung dành cho các nghi phạm khủng bố, bị cáo, tù nhân, tù nhân hoặc các tù nhân cũ và nhằm mục đích tái hòa nhập những người này vào xã hội.
Một quan chức khác trong chính phủ (giấu tên) cho biết, trong lúc chờ dự luật mới được thông qua, chính phủ Indonesia đã quyết định "chặt đứt vòi bạch tuộc" của Hồi giáo cực đoan bằng cách đóng cửa hàng ngàn trang web "đen" nhằm đảm bảo mạng Internet sẽ không chứa các nội dung liên quan đến cực đoan và khủng bố.
Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Indonesia Rudi Antara trong lần phát biểu tại tỉnh Yogakarta tiết lộ, gần 3.000 website tuyên truyền tư tưởng cực đoan đã bị đóng cửa và khoảng 9.500 website đang được kiểm tra. Động thái này nhằm khuyến khích người dân nêu cao tinh thần bài trừ cực đoan, khủng bố do nhiều nội dung khủng bố và cực đoan đã xuất hiện trên các trang mạng trong đó có Facebook, Instagram hay kênh chia sẻ video YouTube.
Lý giải sâu hơn về biện pháp này, Beni Sukadis, chuyên gia, điều phối viên của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược Indonesia (Lesperssi) nhận định: "Các tổ chức khủng bố cũng như các vụ khủng bố đã xảy ở Indonesia đã có lịch sử từ lâu, có nhiều tổ chức khủng bố đã bị tấn công và tan rã, tuy nhiên sau khi tan rã chúng lại tiếp tục tập hợp, hình thành tổ chức mới. Khi chúng ta nói về các tư tưởng cực đoan, các tổ chức cực đoan, không phải dễ dàng chúng ta ngăn chặn được họ, khi tư tưởng cực đoan đã thấm sâu.
Không thể dẹp bỏ hoàn toàn được các tư tưởng này, nhưng có thể giảm thiểu các tư tưởng cực đoan bằng các biện pháp kinh tế xã hội, giáo dục, tuyên truyền rộng rãi...". Tư lệnh Cảnh sát Indonesia Tito Karnavian thì thừa nhận giải pháp lâu dài để đối phó với khủng bố là cần đẩy mạnh chống lại sự độc hại và lan truyền nhanh chóng của chủ nghĩa cực đoan, hằn thù tôn giáo, dân tộc.
Việc kết nối dễ dàng qua mạng xã hội, khó kiểm soát Internet đang mang lại mối nguy lớn khi ở đó những kẻ cực đoan ngoài tuyên truyền những tư tưởng lệch lạc, còn dạy cách chế tạo bom, cách móc nối, tổ chức tấn công và cả cách tìm nguồn tài trợ cho các hành động khủng bố.
Theo số liệu thống kê của cảnh sát Indonesia, từ năm 2000 đến nay, tại Indonesia đã xảy ra 342 vụ tấn công khủng bố lớn nhỏ. Cảnh sát đã bắt giữ gần 1.500 nghi phạm. Tổng cộng đã có 155 người trở thành nạn nhân của các vụ khủng bố, trong đó 48 người đã thiệt mạng và 108 người bị thương.
Các vụ đánh bom nhà thờ Thiên chúa giáo ở thành phố Surabaya, thủ phủ tỉnh Đông Java hôm 13-5 đánh dấu một hình thức khủng bố mới khi trẻ em cũng bị lôi kéo vào đánh bom liều chết.
Chi Anh/ Theo Báo CAND
CATP Hà Tĩnh