Iran tuyên bố chia sẻ các cơ sở với Nga để chống khủng bố
Iran đang có những động tác mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Bằng chứng là ngoài việc cho phép các máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 và một nhóm máy bay ném bom chiến thuật Su-34 của Nga lần đầu tiên xuất phát từ căn cứ Hamadan ở phía Tây để tấn công phiến quân và cơ sở của IS ở Syria, Tehran còn tuyên bố sẵn sàng để Nga sử dụng thêm các căn cứ không quân khác trong cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực.
Bước đi phản ánh sự tin cậy Hôm 20-8, phát biểu trước báo giới về quyết định cho phép lực lượng không quân Nga mượn căn cứ Hamadan để tổ chức tấn công các mục tiêu khủng bố ở Syria, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehgans cho biết, việc này được thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ Syria, trong khuôn khổ hợp tác tương hỗ và chống khủng bố mà hai nước đang thực hiện. Hôm 16-8, không quân Nga đã lần đầu tiên triển khai 6 máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 và một nhóm máy bay ném bom chiến thuật Su-34 từ căn cứ Hamadan của Iran để tấn công các cơ sở của IS và Mặt trận Hồi giáo Al-Nusra ở thành phố Aleppo, Deir-ez-Zor và Idlib. Những máy bay ném bom được hộ tống bởi tiêm kích Su-30 và Su-35 xuất kích từ căn cứ Hmeymim ở Syria đã giúp loại bỏ 2 chốt chỉ huy, 1 trại huấn luyện lớn của IS ở thành phố Deir-ez-Zor. Từ những thắng lợi ban đầu này, Iran và Nga đang tính đến kế hoạch mở rộng hoạt động hợp tác để chống khủng bố. Cụ thể, theo Bộ trưởng Quốc phòng Hossein Dehgan, Tehran có thể cho phép Nga sử dụng thêm các căn cứ không quân của nước này trong cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực. Tuy nhiên, các quyết định sẽ chỉ được đưa ra dựa trên các kế hoạch thực hiện của từng chiến dịch. Riêng đối với phi đội máy bay của Nga đang hoạt động tại căn cứ không quân Hamedan, Iran có thể cung cấp các dịch vụ sửa chữa nhỏ, thậm chí là nạp bom và hỗ trợ thêm quân. Trong khi đó, người đứng đầu Hội đồng An ninh quốc gia Iran Ali Shamkhani còn cho biết thêm rằng, thời gian tới, Tehran và Moscow sẽ tăng cường chia sẻ các cơ sở để chống khủng bố. Nhấn mạnh việc Nga là đồng minh trong những vấn đề khu vực, đặc biệt là các vấn đề Syria, ông Ali Shamkhani cũng bác bỏ lời đồn rằng Nga có căn cứ quân sự thường trực trong lãnh thổ nước này. Trên thực tế, việc Iran cho phép chiến đấu cơ của Nga cất cánh từ lãnh thổ nước này để đánh bom những mục tiêu ở Syria là một động thái chưa từng có tiền lệ nhất là từ sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979, Hiến pháp đã cấm quân đội nước ngoài lập căn cứ trong lãnh thổ nước này. Vì thế, giới phân tích cho rằng, đây là một bước đi chiến thuật phản ánh sự tin cậy giữa hai nước. Nó không chỉ giúp thúc đẩy chiến dịch chống khủng bố tại Syria đạt hiệu quả hơn mà còn cho thấy bước tiến mới trong quan hệ đối tác chiến lược Moscow-Tehran.
Các máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 của Nga lần đầu tiên cất cánh từ căn cứ Hamadan của Iran để tấn công các cơ sở của IS và Mặt trận Hồi giáo Al-Nusra tại TP Aleppo, Deir-ez-Zor và Idlib. Ảnh: Russia Air Force. |
CATP Hà Tĩnh