Khi “cư dân mạng” lên cơn tăng động!
Mạng xã hội từ lâu đã được coi là một thế giới riêng, ở bên ngoài đời sống thực tế của mỗi người và những người tham gia mạng xã hội cũng được định danh là “cư dân mạng”. Một thế giới ít thực nhiều ảo sẽ đặt “cư dân” của nó trước nhiều tình huống mà ở đó những giá trị sống không cẩn thận dễ, đảo lộn thậm chí bóp méo.
Bởi cho rằng, là thế giới ảo nên rất nhiều người tự cho mình cái quyền thích làm gì thì làm. Rằng, trong thế giới ấy, "cư dân" được nói thoải mái bất kỳ điều gì mà không bị ràng buộc bởi pháp luật, không bị đánh giá về nhận thức, đạo đức, nhân cách. Và bởi thế, trong thế giới mạng xã hội thường xuất hiện những "cơn bão" được kiến tạo bởi tính a dua, bầy đàn. Đặc biệt, khi "cư dân mạng" cùng lên cơn tăng động thì một sự việc chưa rõ đúng sai sẽ được thổi lên thành những cơn bão mà nhân vật chính có thể bị "băm", "chém" không thương tiếc.
Việc tài xế Phan Xuân Bắc dìu xe khách xuống đèo Bảo Lộc trở thành "cơn sốt" trên mạng xã hội trong những ngày qua. (Ảnh từ internet)
Mới đây, vụ tài xế Phan Xuân Bắc, sau một bài báo đã trở thành người hùng cứu 30 hành khách bị nạn trên đèo Bảo Lộc. Một người, hai người, ba người ngợi ca và chỉ trong tích tắc, con số "cư dân mạng" chia sẻ bài viết về hành động dũng cảm của anh, số lượng bình luận mang tính ngợi ca anh đã tăng lên chóng mặt. "Cư dân mạng" muốn Nhà nước phong tặng anh danh hiệu anh hùng. Và rồi ty tỷ tỳ ty vấn đề gì trong đời sống riêng tư của anh cũng có thể trở thành một hành vi tốt đẹp, là đề tài nóng, câu view nhiều bài báo.
Có thể nói cơn tăng động tình yêu dành cho tài xế Bắc đã tạo nên những giá trị ảo nằm ngoài những điều mà chính anh Bắc cũng không muốn nhận. Và cũng chính bởi nó ảo nên ngay sau đó thôi, khi xuất hiện một bài báo khác, nêu lên một thông tin khác (mà không ai chắc được mấy phần sự thật) mà anh Bắc đang từ anh hùng trở thành người nhỏ nhen, ích kỷ.
Ngay lập tức đám đông hôm qua đưa anh lên mây xanh đã dùng ngôn ngữ nhuộm màu chợ búa, thiếu tình người đẩy anh xuống địa ngục. Lướt qua mạng xã hội thấy rõ, con số những người giữ vững bản lĩnh để vẫn tin vào điều tử tế mà ủng hộ anh Bắc không nhiều. Phần đa "cư dân mạng" đã quay lưng lại với chính mình, phủ nhận chính điều hôm qua mình còn cổ suý. Là bởi họ thiếu niềm tin.
Mới đây thôi, ngay tại Hà Tĩnh, "cư dân mạng" cũng lên cơn tăng động sau thông tin thương hiệu cu đơ Thư Viện bị xử phạt vì không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính những người thích ăn kẹo cu đơ của thương hiệu này, những người từng tự hào về thương hiệu này với bạn bè bao nhiêu năm nay lại ngay lập tức quay lưng lại với thương hiệu dù chưa rõ mười mươi sự việc.
Họ đua nhau chia sẻ thông tin lên “tường nhà mình” và để lại những status, những comment thiếu thiện chí. Phần lớn họ không chịu tìm hiểu, không chịu thông cảm với một thương hiệu sản xuất bằng phương pháp thủ công. Phần lớn họ không còn tin vào điều tử tế nữa nhân danh sự thật.
Một cơn tăng động của “cư dân mạng” về cái tốt lẫn cái xấu cũng đều để lại những hệ luỵ không đáng có. Sau những cơn tăng động trên mạng xã hội, nhiều người tỏ ra ngán ngẩm với sự xuống cấp về đạo đức, nhân cách, bản lĩnh, nhận thức của "cư dân mạng". Họ còn ngán ngẩm hơn trước việc chệch hướng của rất nhiều trang báo, trang tin điện tử. Có thể thấy, những cơn bão mạng hầu hết đều bắt nguồn từ báo chí. Thông tin từ báo chí, nếu thiếu tính định hướng, thiếu chọn lọc, thiếu đi yếu tố "tâm sáng, lòng trong" thì những bàn phím sắc bén sẽ lấy mất đi của xã hội này niềm tin, sự tử tế.
Sẽ không ai muốn làm điều tử tế hoặc thừa nhận mình đã làm điều tử tế nữa nếu ngay sau đó, điều tử tế sẽ bị mổ banh ra để moi móc những sơ hở, những khiếm khuyết và quay lại phán xét, vùi dập nhân danh một khái niệm cao cả - sự thật!.
Phong Linh/ Theo Báo Hà Tĩnh
CATP Hà Tĩnh