Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Khi "ma men" mang tên Thần Chết

"Hung thần xa lộ" thường không có mắt, cũng chẳng phân biệt già trẻ, gái trai, sang hèn. Chỉ biết rằng, hậu quả từ tai nạn giao thông (TNGT) vẫn là nỗi đau tột cùng và tang thương nhất...

1. Khoảng 15 giờ 30 phút ngày 2-1-2019, tại xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức (tỉnh Long An) đã xảy ra một vụ TNGT thảm khốc. Xe container do Phạm Thành Hiếu (SN 1987, ngụ ấp 1, xã Thạnh Ðức, huyện Bến Lức) điều khiển, khi đến ngã tư Bình Nhựt đã đột nhiên tăng tốc, lao thẳng vào những người dừng chờ đèn đỏ làm bốn người chết, 19 người bị thương. Kết quả kiểm tra cho thấy, lái xe đã sử dụng bia rượu và dương tính với ma túy. Dù đã gần 5 tháng sau TNGT, nhưng Trần Thị Cẩm T. (SN 1993, Bến Tre) vẫn chưa thể đi lại được. Vết thương ở vùng đầu là di chứng nặng nề nhất với cô gái đang ở độ tuổi sung sức nhất cuộc đời. Công việc và bao dự định tương lai đành phải khép lại cho cuộc chiến với thương tật chằng chéo khắp cơ thể. Cha mẹ T. bạc đầu vì con, phải bỏ hết công ăn việc làm túc trực trong bệnh viện.

Vụ tai nạn giao thông thảm khốc tại Bến Lức vào tháng 2 năm 2019.
"Hung thần" Phạm Thành Hiếu ngơ ngáo trước tội ác mà mình gây ra. Y vừa sử dụng ma túy, vừa rượu bia, chỉ trong tích tắc đã cướp mất mạng sống của 4 con người, lấy đi tương lai, sức khỏe của 19 người khác. Trong số 4 nạn nhân tử vong có Mai Huỳnh Đức (SN 1999), Trần Quốc Cường (SN 1997), đó là những chàng trai vừa bước qua tuổi 20, là niềm hy vọng của gia đình, dòng họ. Đức vừa tốt nghiệp kỹ sư của Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Từ ngày lên thành phố học đại học, Quốc lộ 1 là con đường quen thuộc với Đức. Ngày cuối tuần và các dịp nghỉ lễ, cậu thường chạy xe máy về thăm nhà ở Long An. Không ngờ, con đường ấy lại đặt dấu chấm hết cho cuộc đời của một thanh niên 20 tuổi vào cái ngày định mệnh. Cha mẹ Đức không dám tin vào sự thật, cho đến bây giờ, hình ảnh của cậu con trai vẫn còn đó, sáng láng, hiền ngoan và đầy hoài bão. Với họ, nỗi đau này không biết bao giờ mới nguôi ngoai được. TNGT ám ảnh với tất cả chúng ta, với mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Chúng tôi đã vô tình đọc được dòng tâm sự chát đắng của một người đàn ông đã tận mắt chứng kiến cái chết của bạn mình do bia rượu gây ra. Anh viết: "Bạn tôi quê ở Bà Rịa - Vũng Tàu, có một tật xấu là rất hay nhậu nhẹt. Hôm ấy, ngay sau lễ nhận bằng tốt nghiệp đại học, bạn tổ chức một buổi tiệc rượu tại quán để vui với bạn bè. Đến tối, ăn nhậu xong, anh lại kéo nhóm bạn đi karaoke tới tận khuya. Vì uống quá nhiều, anh đã say mèm. Cuộc vui kết thúc lúc nửa đêm, tôi đưa anh về phòng trọ, rồi trở lại phòng trọ của mình. Dù đã quá say xỉn nhưng anh không ngủ mà lại dắt xe ra để chạy về quê. Khoảng gần 3 giờ sáng, tôi thảng thốt khi nhận được cuộc gọi báo tin anh đã tử vong tại địa phận tỉnh Đồng Nai, khi lạc tay lái, tự đâm vào cột mốc cây số bên đường.
Nạn nhân tai nạn giao thông cấp cứu tại bệnh viện.
Nhiều người nghĩ con người ta sống chết có số, nhưng tôi nghĩ không hẳn như vậy, bạn tôi đã trả giá đắt bằng mạng sống của mình chỉ vì con "ma men" luôn ẩn chứa trong anh. Qua vụ tử vong vì TNGT của anh bạn tôi, những người bạn chơi chung nhóm đều giật mình để biết kiềm chế hơn trong việc uống rượu, bia rồi tham gia giao thông". 2. Vào lúc 8 giờ sáng ngày 29/6/2018, trên QL 1A, đoạn qua Phường Trung Tây (quận 12, TP Hồ Chí Minh) đã xảy ra vụ tai nạn giữa xe ben và xe máy. Hậu quả làm bà Nguyễn Thị Kim H. (55 tuổi, ngụ Nguyễn Ảnh Thủ, quận 12) tử vong tại chỗ. Chứng kiến cái chết tức tưởi của mẹ, cậu con trai Hồng Anh T. (SN 1989) thất thần rồi ngất lịm đi. Không một ai trong gia đình bà H. có thể chịu đựng nổi cú sốc quá lớn này, họ bơ phờ, hốc hác hóa điên vì sự thật đớn đau tận cùng như vậy. Càng thương tâm hơn khi biết, đây là gia đình có tới 3 nạn nhân tử vong do TNGT. Năm 1995, em gái ruột bà H. mất, ngày 22 Tết năm 2017, cháu ruột bà tử vong và đến ngày 29 tháng 6 năm 2018, bà H. cũng ra đi. Những cái chết này một phần nguyên nhân do tài xế sử dụng rượu, bia cầm lái. Khi "ma men" mang tên... Thần Chết xuất hiện ngoài đường, có thể gọi tên bất cứ một ai, bất kể già trẻ, gái trai, sang hèn. Dù thế nào thì nỗi đau mất mát từ TNGT vẫn là nỗi đau tột cùng và tang thương nhất. Ở khu phố 1 (phường Thạnh Xuân, quận 12) vào tháng 10 năm 2017, dân làng vẫn chưa hết bàng hoàng, xót xa bởi cái chết của bà Cao Thị N. (70 tuổi).
Người thân khóc nức nở trong Lễ cầu siêu nạn nhân tai nạn giao thông.
Bà N. bị một chiếc xe ôtô chạy ẩu tông trúng khi đang đi mua ve chai. Cái chết của bà N. đã lấy đi bao nhiêu nước mắt cùng nỗi thương xót của bà con chòm xóm. Trong căn nhà rách tả tơi, tối tăm, chật chội, con gái và cháu ngoại của bà khóc không thành tiếng, đau không thành vết mà cắt cứa, rỉ máu trong tim. Gã tài xế chắc chắn phải đền tội nhưng sẽ chẳng có bản án nào thay thế được một con người đã vĩnh viễn ra đi, không có bản án nào bù lấp nỗi đau thương, tang tóc cho những người ở lại. Con gái bà N. đã thảng thốt nói với chúng tôi: "Đã hai năm từ ngày xảy ra vụ TNGT kinh hoàng với mẹ của tôi. Hình ảnh thảm thương của bà nằm bên vệ đường vẫn luôn ám ảnh tôi cho tới tận bây giờ". Trong căn nhà cấp 4 ọp ẹp gần bãi rác Đa Phước (Bình Chánh), ông Hồ Văn Tân (57 tuổi) vẫn ngày ngày chống nạng tập đi. Đôi mắt ông ngơ ngác, miệng méo xệch nói chẳng rõ chữ tròn vành. Đây là di chứng để lại sau vụ tai nạn cách đây hơn một năm trên quốc lộ 50 đoạn qua huyện Bình Chánh, khi ông Tân đang chở rau ra chợ đổ mối. Ông bị một chiếc ôtô 7 chỗ ủi từ phía sau rồi hất cả người bay lộn đúng một vòng. Đầu ông đập xuống đường, hai cẳng chân gập lại, những bó rau bay tung tóe. Ông bị chấn thương sọ não, dập xương đầu gối, vỡ xương bàn chân. Chủ xe vung một đống tiền ra bồi thường để đổi lại một thỏa thuận có lợi. Gia đình ông chấp nhận bởi suy cho cùng, có làm lớn chuyện thì sự đã rồi, người chẳng lành lặn được nữa. Gần một năm điều trị tại bệnh viện chấn thương chỉnh hình, ông Tân trở về nhà sống đời xe lăn, ngơ ngáo như người tâm thần. 3. Mỗi ngày ra đường, chúng ta đều giật mình bởi Thần Chết chễm chệ ngồi trên vô lăng, ung dung lái xe khi trong người đã có chất kích thích. Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với Lê Văn Thanh, tài xế xe container chạy tuyến cảng Cát Lái - Xa lộ Hà Nội. Sau một chầu nhậu ngà ngà say, Thanh nhảy lên buồng lái điều kiển con xe kềnh càng lao vun vút về bãi tập kết. Bạn bè rủ rê, Thanh lại sà vào "lai rai" cho tới gần tối mới chịu gục đầu vào võng ngủ một lúc. 10 giờ đêm, Thanh trở lại điều khiển container bạt mạng trên đường phố. Khi chúng tôi hỏi, lái xe khi trong người đang "phừng phừng" bia, rượu có bao giờ gây tai nạn chưa? Thanh gật gù trả lời đầy tự tin: "Bọn anh phải có tý nó mới khỏe khoắn được, uống xong ngủ một giấc là hết men trong người rồi". Trong khi đó, rất nhiều người tỏ ra lo sợ, ớn lạnh khi ra đường gặp phải các loại xe có trọng tải lớn hoặc container. Chị Phan Bích Hằng (quận 1, TP. Hồ Chí Minh) ban đầu định cho con trai học tại trường đại học Rmit (đường Nguyễn Văn Linh, Q.7, TP. Hồ Chí Minh) nhưng sau một ngày đi khảo sát, thấy đoạn đường có nhiều xe tải lớn, xe đầu kéo ùn ùn chạy qua, chị Hằng đã thay đổi ý định. Chị chia sẻ: "Nhìn thấy từng đoàn xe nối đuôi nhau lao ầm ầm, nhả khói mù mịt, chiếm hết diện tích đường, ép xe máy sát vào lề, tôi sợ quá. Đó là nguyên nhân chính khiến tôi quyết định chọn trường khác cho con học". Có thể thấy, rất nhiều vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra bắt nguồn từ bia rượu. Do tài xế say xỉn không làm chủ được tay lái, xử lý tình huống kém, nhiều người đã vô tình gieo những án "tử" không hẹn trước cho những người tham gia giao thông khác và cả chính mình. Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, thống kê chưa đầy đủ, trong thời gian gần đây, có tới 65 đến 70% các vụ TNGT mà người điều khiển phương tiện liên quan vi phạm nồng độ cồn. Cách đây vài năm, một cuộc khảo sát do Ủy ban ATGT quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện tại 10 địa phương cho thấy, tỷ lệ các vụ TNGT do rượu bia chiếm khoảng 40%. TNGT từ bia rượu, mặc dù đã được cảnh báo, tuyên truyền từ nhiều năm nay nhưng hậu quả nó để lại vẫn là nỗi nhức nhối cho xã hội. Đã có nhiều đề xuất về chế tài xử phạt lái xe vi phạm nồng độ cồn như tịch thu phương tiện, tước bằng lái vĩnh viễn, xử lý hình sự... "Vấn đề này thuộc phạm trù nhận thức của con người đồng thời gắn liền với việc kiểm soát về pháp luật để khi người tham gia giao thông nghĩ đến hình phạt, chế tài sẽ phải biết sợ mà chấp hành đúng quy định", Thượng tá Nguyễn Quang Nhật - Phó Trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật (Cục Cảnh sát giao thông) nêu quan điểm. Ngọc Thiện/ Theo Báo CAND  

CATP Hà Tĩnh