Khi phạm nhân gọi tiếng... "thầy"!
ANTD.VN - Người ta thường ví nghề thầy giáo cũng giống như việc lái đò. Nhưng để đưa được những “hành khách” đặc biệt cập bến bờ bên kia của tri thức và thành người tử tế không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Đó là tôi muốn nói đến những cán bộ quản giáo của Trại tạm giam số 2, CATP Hà Nội - những người luôn được các phạm nhân gọi tiếng “Thầy” một cách đầy tôn trọng và tự nguyện. Họ đã và đang phải vật lộn với những khó khăn mà nếu chỉ “nghe nói” không thôi thì khó mà hình dung được hết...
Thượng úy Nguyễn Đình Thương, cán bộ Đội quản giáo 3 thăm khám cho bệnh nhân
Những “học sinh”… đặc biệt Thượng tá Phạm Văn Hân, Phó Giám thị Trại tạm giam số 2, CATP Hà Nội trầm ngâm một lúc lâu khi thấy tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu về công việc của những cán bộ đang trực tiếp quản lý, giáo dục các phạm nhân mà ông đang quản lý. So với các phạm nhân đã có bản án thì can phạm là những người luôn mang trong đầu tư tưởng chống đối một cách quyết liệt nhất. Đó là điều dễ hiểu vì tâm lý chung của đối tượng đang bị tam giam đều cho rằng, chống đối, chối tội được đến đâu thì càng giảm bớt được hình phạt đến đó. Bởi vậy nên công việc của các quản giáo tại Trại tạm giam số 2 càng vất vả gấp bội. Không chỉ cứng nhắc quản lý, giáo dục bằng cách vận dụng pháp luật mà còn phải đối xử, thuyết phục họ bằng tình người. Trong quá trình tạm giam chờ điều tra, can phạm ở đây nghĩ ra trăm phương nghìn kế để “hành” cán bộ. Trung tá Đỗ Văn Oanh, Đội trưởng Đội quản giáo 3 tâm sự, tâm lý người mới bị bắt thường rất khó lường. Có người thường xuyên ở trong tình trạng hoảng sợ, suy sụp, tuyệt vọng và sẵn sàng tự thương, tự sát bất cứ lúc nào. Với những trường hợp này, chính các quản giáo là người đau đầu nhất vì phải theo sát động viên, thuyết phục... Có can phạm thì động một tý là đập cửa gọi cán bộ hoặc la hét hô báo động ầm ĩ cứ như thật. Mỗi lần như thế dù giữa đêm hôm hay mưa gió là cả ca trực phải chạy nháo nhào, nhưng cuối cùng khi được cán bộ mời ra thì họ cứ coi như chẳng hề có chuyện gì xảy ra. Có can phạm thì nay giả ốm, mai giả bệnh như thể chết đến nơi để được đi bệnh xá và rình cơ hội… trốn. Thậm chí họ còn thách đố người khác đánh mình để trốn tránh việc hợp tác với cơ quan điều tra. Chung quy lại, với can phạm đang tạm giam chờ điều tra, cán bộ luôn phải mềm mỏng, dùng tình người để chỉ cho họ những điều hay, lẽ phải. Có như vậy, họ mới chịu cảm hóa và khai nhận những hành vi vi phạm pháp luật. Bài học không có trong giáo án Thượng úy Nguyễn Đình Thương, cán bộ Đội quản giáo 3 là người đã gắn bó với Trại tạm giam số 2 được 11 năm và chuyên trách công tác tại bệnh xá của trại. Công việc chính của anh cùng các y, bác sỹ là chăm lo sức khỏe cho các can phạm, phạm nhân mỗi khi họ ốm đau, bệnh tật. Bệnh xá chỉ vỏn vẹn 25 giường bệnh mà phải đáp ứng cho mấy nghìn can phạm, phạm nhân với đủ mọi loại bệnh tật mang từ ngoài xã hội vào nên cán bộ thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải. Thượng úy Nguyễn Đình Thương chia sẻ: “Đã là con người thì ai cũng giống nhau, mỗi khi đau ốm bao giờ cũng yếu lòng và cần người thân bên cạnh chăm sóc. Nhưng vì điều kiện trong trại không được phép tiếp xúc với bên ngoài nên họ chỉ vò võ một mình, nỗi cô đơn, sự tủi thân vì thế càng lớn. Chính lúc này, những cán bộ quản giáo không chỉ trong vai bác sỹ mà còn luôn ở bên cạnh chăm lo cho họ như những người thầy thực sự. Tình thương, sự tử tế, lòng bao dung xuất phát từ đáy lòng cán bộ là căn nguyên để họ hiểu được chính sách pháp luật và lý lẽ đúng phải. Nhiều can phạm lúc đầu rất ngoan cố, nhưng khi cảm nhận được sự chân thành của các cán bộ quản giáo, họ hiểu ra lẽ phải và tự nguyện hợp tác”. Can phạm Nguyễn Văn S. (SN 1975), quê ở Lý Nhân, Hà Nam hiện đang nằm điều trị tại bệnh xá Trại tạm giam số 2 được coi là bệnh nhân đặc biệt. Bị bắt vì hành vi cướp tài sản, đưa vào tạm giam ít lâu thì S. bị liệt nửa người bởi có sẵn tiền sử của chứng động kinh. Suốt một thời gian dài S. được các “thầy” của Trại tạm giam số 2 thay nhau đưa đi bệnh viện điều trị rất tận tình nhưng lại chẳng hề được người nhà đoái hoài. Bây giờ cứ mỗi lần cán bộ vào buồng bệnh chăm sóc, S. lại rơm rớm nước mắt. Thượng úy Nguyễn Đình Thương cho biết: “Hoàn cảnh của S. rất đáng thương, cơ quan công an đã mấy lần muốn thay đổi biện pháp ngăn chặn và liên lạc để người nhà đến nhận, nhưng họ cũng không hợp tác. Vì thế S. chỉ biết trông chờ vào sự tận tình của các “thầy” trong bệnh xá. Chúng tôi cũng phải giấu chuyện này bởi sợ S. nảy sinh tâm lý tiêu cực”. Suất ăn ở trại của can phạm, phạm nhân được áp dụng theo quy định, nhưng ốm nặng như S. thì chế độ ăn uống phải được tăng cường để đảm bảo sức khỏe. Thế là cán bộ quản giáo lại bảo nhau hàng ngày bớt lại suất ăn của mình để chia cho S. Những lúc mệt không ăn được, S. lại được cán bộ mua cho cân đường, hộp sữa để bồi dưỡng. Trong số những can phạm nhân bị tạm giam lâu nhất ở Trại tạm giam số 2 phải kể đến Nguyễn Ngọc Anh (SN 1997), quê ở Sơn Tây. Mới đây, Nguyễn Ngọc Anh bị tòa phúc thẩm tuyên 10 năm tù về tội giết người, nhưng chưa có quyết định thi hành án. Lúc ở ngoài đời, Nguyễn Ngọc Anh là cô bé ngỗ ngược. Cha mẹ ngày ngày bán mặt cho mấy mẫu ruộng nên không có thời gian dạy bảo, thế là cô bé đàn đúm theo đám bạn xấu “dạt” nhà đi bụi quanh năm rồi phạm tội. Lang thang bờ bụi, lúc bị bắt cô bé mang luôn vào trại căn bệnh lao khá nặng. Những ngày nằm ở bệnh xá cũng là lúc Nguyễn Ngọc Anh được các cán bộ quản giáo chăm sóc chữa bệnh. Thái độ xấc xược, bất cần của những tháng ngày đi hoang cũng vì thế mà biến mất. Ngày ra tòa và được gặp gia đình, chính cha mẹ cô bé cũng ngạc nhiên vì thấy con gái mình thành một con người khác khi biết thưa gửi và lễ phép hơn cả hồi còn ở nhà. Nguyễn Ngọc Anh tâm sự: “Chính các thầy ở đây đã chỉ cho cháu thấy những sai lầm của mình. Tuổi cháu còn trẻ, cháu sẽ cố gắng cải tạo tốt để được hưởng đặc xá và trở về với gia đình làm lại cuộc đời”. Nghĩa thầy - trò! Có lẽ chính nhờ cách đối xử như vậy mà có không ít phạm nhân sau khi thụ án trở về xã hội đã quay lại Trại tạm giam số 2 để tìm gặp và nói lời cảm ơn với những người “thầy” đặc biệt đã từng một thời quản lý, giáo dục mình. Vài năm trước, anh Nguyễn Văn N. (SN 1982), ở thôn Tân Triều, huyện Thanh Trì cũng làm học trò bất đắc dĩ của Thượng úy Nguyễn Đình Thương vì tội hủy hoại tài sản. Ngày bị bắt, N. tiêu cực luôn tìm cách quậy phá và bất hợp tác với cơ quan điều tra. Nhưng sau đó, nhờ được Thượng úy Thương cảm hóa bằng những lần ngồi tâm sự, chia sẻ những uẩn khúc chất chứa trong lòng, N. đã thành khẩn nhận tội và được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật. Bây giờ thì anh đã thụ án xong và trở thành một ông chủ nhà hàng khá lớn ở địa phương, tình cảm giữa hai người cũng ngày càng trở nên gắn bó. Thỉnh thoảng những lúc rảnh rỗi, anh N. lại mời “thầy” Thương qua nhà chơi để hàn huyên chuyện cũ. Giữa người quản giáo và anh phạm nhân ngày nào tưởng như chưa bao giờ có ranh giới. Cũng có hoàn cảnh tương tự, anh Phạm Đức N. (SN 1984), ở Canh Nậu, Thạch Thất vẫn nhớ đến “thầy” Thương của mình từ hồi ở Trại tạm giam số 2 sau khi thi hành xong bản án cho tội cố ý gây thương tích. Cũng chẳng “đao to búa lớn” gì đâu, chỉ là lâu lâu anh gọi dăm phút điện thoại hỏi thăm sức khỏe, chia sẻ những câu chuyện vui buồn. Nhưng như thế Thượng úy Thương cũng thực sự rất hạnh phúc. Bây giờ dù làm ăn mãi tận phương Nam xa xôi, nhưng anh N. vẫn coi những cán bộ của trại như ân nhân vì đã chăm sóc, động viên và chỉ cho mình con đường để trở về. Anh Phạm Đức N. tâm sự: “Dù không dạy chữ, nhưng chính cán bộ Trại tạm giam số 2 đã dạy tôi con đường hướng thiện. Nếu không, có lẽ tôi đã quay trở lại lối cũ và cuộc đời lại ngập trong vũng bùn. Họ thực sự xứng đáng người “thầy” đặc biệt đã giúp tôi qua những chuyến đò của trường đời”.CATP Hà Tĩnh