Không chùn bước xử phạt xe quá tải
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kiểm soát tải trọng xe thời gian tới được Bộ GTVT tổ chức chiều qua (19/9).
Băn khoăn khi CSGT rút khỏi các trạm cân Bộ GTVT và Bộ Công an đã thống nhất kết thúc thực hiện kế hoạch phối hợp số 12593. Tới đây, lực lượng CSGT sẽ rút khỏi các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động. Ông Trần Văn Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh cho biết, tại trạm kiểm tra lưu động sắp tới, tỉnh không chỉ đạo được lực lượng CSGT tham gia, việc kiểm tra xử phạt vi phạm tải trọng xe sẽ khó thực hiện. Trước đây, phân công nhiệm vụ trong trạm, lực lượng CSGT có nhiệm vụ dừng xe, Thanh tra chỉ được dừng xe khi xe đó là xe vi phạm. Nếu không có CSGT, thanh tra giao thông dừng xe rất khó. “Nếu xe quá tải trên đường, đặc biệt là các tuyến đường huyết mạch phải xác định đó là trách nhiệm của lực lượng CSGT, đặc biệt là trên QL1. Việc xử phạt tại các đầu nguồn hàng như các mỏ vật liệu đang gặp nhiều khó khăn do chưa có quy định xử phạt chủ mỏ”, ông Tuấn nói. Ông Thạch Như Sỹ, Phó chánh Thanh tra Bộ GTVT cho rằng, trong quá trình thực hiện kiểm soát tải trọng xe, quy trình, thủ tục của lực lượng thanh tra còn nhiều vấn đề cần bàn mặc dù Thanh tra Bộ đã nhiều lần hướng dẫn về quy trình thủ tục, nghiệp vụ.
Kiểm tra tải trọng xe tại Hà Nam
Tiếp tục phạt nghiêm xe quá tải Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, kết thúc Kế hoạch 12593 là kết thúc kế hoạch hoạt động trực tiếp trong một kế hoạch phối hợp. Việc kiểm soát tải trọng xe thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của từng ngành, nhưng nơi nào cần phối hợp vẫn tổ chức phối hợp giữa hai lực lượng. Trách nhiệm của Sở GTVT phải tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn tỉnh. Ông Hùng cũng cho rằng, cần xây dựng kế hoạch tác chiến đơn lẻ chỉ lực lượng Thanh tra giao thông cũng có thể làm được. “Làm ở đâu, như thế nào cần có hướng dẫn chi tiết để thực hiện. Cần tập huấn kiến thức chuyên môn cho lực lượng Thanh tra để khi thực thi nhiệm vụ bên cạnh kiến thức thanh tra hành chính, phải có nghiệp vụ chuyên môn về thanh tra chuyên ngành GTVT”, ông Hùng nói và cho biết, vai trò phối hợp giữa Tổng cục Đường bộ VN, Thanh tra Bộ GTVT với địa phương rất quan trọng. Nếu chỉ mình Thanh tra địa phương rất khó thực hiện. Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh, ngoài lực lượng Thanh tra Bộ GTVT cần sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy chính quyền địa phương. Nếu không có nghị quyết của cấp ủy, sẽ không thể làm được vì đó là sự lãnh đạo tuyệt đối với các lực lượng. Để làm được điều này, các Sở GTVT, Tổng cục Đường bộ VN, các Cục quản lý đường bộ chuyên ngành rà soát lại để xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp phù hợp theo chức năng nhiệm vụ được giao, tạo sự đồng thuận trong kiểm soát tải trọng xe. Thứ trưởng Thọ cho rằng, sắp tới cần có chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong công tác kiểm soát tải trọng xe. Chỉ thị này phải gắn liền với trách nhiệm của từng cấp, từng ngành theo chức năng nhiệm vụ. Các đơn vị cần chủ động dự báo, phân tích tình hình khi đó sẽ có giải pháp phù hợp để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Với hệ thống quốc lộ Tổng cục Đường bộ VN phải chịu trách nhiệm kiểm soát. Đối với quốc lộ ủy thác nếu Sở GTVT không thực hiện kiểm soát tải trọng sẽ rút về Tổng cục. Các Sở GTVT phải chịu trách nhiệm về đường địa phương theo phân cấp và tham mưu để Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo. “Sau cuộc họp này cần ban hành ngay sổ tay hướng dẫn công tác Thanh tra, ban hành quy trình sổ tay hướng dẫn, tập huấn cho lực lượng thanh tra để nâng cao năng lực trình độ cho lực lượng Thanh tra. Đồng thời, tiến hành ký lại cam kết và hậu kiểm, tập trung xử lý tại các đầu nguồn hàng”, Thứ trưởng Thọ nói. “Việc dừng xe của lực lượng thanh tra đã được Luật GTĐB quy định. Chúng ta không chùn bước trước xe quá tải, không có chuyện thả nổi, bất lực với tình trạng này. Không phối hợp không có nghĩa là dừng xử phạt xe quá tải”, Thứ trưởng Thọ nhấn mạnh.CATP Hà Tĩnh