Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Kiểm ngư Việt Nam với nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng Việt Nam trở thành một nước mạnh về biển; phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, đảo gắn với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, ngày 29/11/2012, Chính phủ ban hành Nghị định 102/2012/NĐ-CP Về tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư. Từ khi ra đời đến nay, Kiểm ngư luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin yêu, là chỗ dựa vững chắc của ngư dân trên biển.

[caption id="attachment_5825" align="aligncenter" width="660"]Tàu Kiểm ngư Việt Nam làm nhiệm vụ trên biển. Tàu Kiểm ngư Việt Nam làm nhiệm vụ trên biển.[/caption]

Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thuộc Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chuyên ngành Kiểm ngư; có nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam; tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố trên biển, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển theo quy định của pháp luật; bảo vệ ngư trường, ngư dân khai thác thủy sản và các hoạt động kinh tế trên biển...

Để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ, tạo niềm tin với Đảng, Nhà nước và nhân dân, nhất là ngư dân, Cục Kiểm ngư nhanh chóng kiện toàn tổ chức, biên chế, chú trọng xây dựng lực lượng, đội ngũ cán bộ các cấp. Hiện nay, Kiểm ngư có đủ các cơ quan, bố trí lực lượng rộng khắp ở các vùng biển, đảo của Tổ quốc; đủ khả năng triển khai tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, bảo vệ ngư trường, ngư dân hoạt động kinh tế biển. Cục đã tổ chức quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX, XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 và các văn bản của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Cùng với đó, tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên ngành kiểm ngư, trình độ, kỹ năng về tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, giải quyết sự cố trên biển cho kiểm ngư viên và thuyền viên tàu kiểm ngư. Từ năm 2014 đến nay, Cục đã tổ chức 10 lớp tuyên truyền cho khoảng 1.150 lượt người về Luật Biển Việt Nam, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, Chỉ thị 689/CT-TTg, ngày 18/5/2010 và Công điện 1329/CĐ-TTg, ngày 30/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số giải pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý; 05 lớp tập huấn nghiệp vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và thanh tra chuyên ngành thủy sản cho kiểm ngư viên và thuyền viên tàu kiểm ngư; 01 lớp tập huấn cho lực lượng hạt nhân nòng cốt trên biển.

Ngoài ra, Cục còn tham mưu cho các Bộ, Ban, ngành Trung ương vận động các doanh nghiệp, địa phương, các nước có ngành công nghiệp tàu biển phát triển ủng hộ tàu, thuyền, hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ sửa chữa, đóng mới tàu, thuyền, xây dựng lực lượng Kiểm ngư theo hướng hiện đại, tinh nhuệ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên biển. Những năm gần đây, Cục chỉ đạo các chi cục tăng cường tuần tra, kiểm tra, thanh tra… đảm bảo an ninh, an toàn ngư trường biển, đảo. Tại Vịnh Bắc Bộ, Cục thực hiện 25 đợt, kiểm tra khoảng 660 tàu, thuyền, phát hiện hơn 200 tàu, thuyền vi phạm, xử lý đúng quy định của pháp luật. Tại khu vực biển miền Trung, Cục huy động hơn 220 lượt tàu; trong đó có một số tàu bám biển dài ngày, phát hiện gần 4.100 tàu vi phạm; giúp đỡ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho 31 tàu/238 ngư dân; tuyên truyền pháp luật, phát tờ rơi cho thuyền viên của 135 lượt tàu. Đặc biệt, năm 2015, Cục chủ trì phối hợp với các lực lượng tổ chức 10 tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm từ Vịnh Bắc Bộ đến vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, DK1 và thềm lục địa; phát hiện, xử lý và xua đuổi 361 lượt tàu cá nước ngoài xâm phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam. Gần đây, trước hiện tượng cá chết bất thường ở 4 tỉnh ven biển miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế), Cục chủ động phối hợp với chi cục thủy sản của các tỉnh này kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá trên vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn ngư dân khai thác, đánh bắt thủy sản trong vùng biển an toàn, đúng pháp luật.

Nhìn chung, những năm qua, Kiểm ngư đã thực hiện tốt việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật thủy sản, bảo vệ ngư trường, ngư dân khai thác thủy sản và phát triển kinh tế biển. Đồng thời, chủ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát biển, Hải quân và Thanh tra chuyên ngành thủy sản các địa phương tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra hoạt động môi trường đánh bắt thủy sản trên biển, góp phần tích cực bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngư trường. Cùng với đó, lực lượng Kiểm ngư đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, dũng cảm vượt sóng gió, kiên quyết, kiên trì bám trụ, cùng các lực lượng khác chủ động đấu tranh khôn khéo, linh hoạt, buộc nước ngoài phải rút giàn khoan và lực lượng bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam. Ngoài ra, Cục còn phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, địa phương có nhiều giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu tàu cá Việt Nam hoạt động bên ngoài phạm vi vùng biển nước ta, cũng như tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam. Đồng thời, phối hợp với lực lượng Kiểm ngư các nước trong khu vực thỏa thuận, giải quyết, đảm bảo an toàn cho ngư dân, giữ vững chủ quyền, quan hệ hữu nghị.

Là cơ quan Thường trực phòng chống bão, lụt, giảm nhẹ thiên tai trên lĩnh vực thủy sản, Cục tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiện toàn lực lượng Kiểm ngư về tổ chức, biên chế, xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ này; trong đó, chú trọng bộ phận canh trực, thông báo, cảnh báo nguy cơ thiên tai cho ngư dân. Để thông báo nhanh, chính xác, kịp thời, Cục sử dụng mạng Mo-vi-mar và đã phát huy hiệu quả, ghi nhận được gần 3.000 lượt thông báo, tiếp nhận 43.457 lượt tin cảnh báo cho tàu cá về tình hình khai thác thủy sản và thông tin thời tiết cho ngư dân. Qua đó, giảm thiểu rủi ro cho ngư dân khai thác thủy sản.

Biển Đông chứa đựng nguồn tài nguyên sinh vật và khoáng sản đa dạng, phong phú, có giá trị kinh tế cao; là cầu nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nằm trên ngã tư của đường hàng hải và đường hàng không quốc tế. Việt Nam nằm trên bờ phía Tây của Biển Đông, có chủ quyền và quyền tài phán trên vùng biển cố định hơn 1 triệu km2 ở trung tâm Biển Đông. Việt Nam có chủ quyền gần 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và hai quần đảo: Hoàng Sa và Trường Sa. Biển Việt Nam rất phong phú với 2.040 loài cá; trong đó, có 110 loài có giá trị cao. Nguồn lợi từ biển mang lại, đáp ứng cho khoảng 20% dân số Việt Nam, trong khi đó, trên 50% dân số nước ta sống ở các tỉnh ven biển. Đó là điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát triển đa dạng các ngành kinh tế biển (kinh tế biển khơi, ven biển, hải đảo). Hơn nữa, biển Việt Nam còn là cửa ngõ giao lưu với thị trường khu vực và quốc tế, có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh. Vì thế, để chủ động đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra trong thời gian tới, lực lượng Kiểm ngư cần thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

1. Tiếp tục quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng, chú trọng Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X), Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) và các nghị định, chỉ thị của Chính phủ, Bộ chủ quản… đối với Kiểm ngư, nhằm xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm và năng lực công tác cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

2. Đường biên, mốc giới trên biển được thể hiện trên bản đồ, nhưng không thể hiện được một cách cụ thể trên thực địa. Do vậy, bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và đường ranh giới trên biển gặp nhiều khó khăn, phức tạp, đòi hỏi Kiểm ngư phải tập trung đào tạo, bồi dưỡng cho kiểm ngư viên, thuyền viên tàu kiểm ngư có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học; có tầm nhìn và nhận thức đúng đắn về biển, đảo Việt Nam; hiểu biết luật pháp Việt Nam, quốc tế và các nước có liên quan để hướng dẫn, giúp đỡ ngư dân Việt Nam làm kinh tế biển bảo đảm an tâm, đúng pháp luật. Đồng thời, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, không bỏ lọt tội phạm; giải quyết đúng các vấn đề liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

3. Tập trung đầu tư mua sắm trang bị, kỹ thuật, phương tiện tàu, thuyền, công cụ hỗ trợ để đảm bảo cho lực lượng Kiểm ngư đủ sức thực thi nhiệm vụ, thường xuyên cùng ngư dân ra khơi, bám biển và hỗ trợ, bảo vệ ngư dân yên tâm sản xuất, đánh bắt hải sản. Sự có mặt của lực lượng Kiểm ngư trên biển là rất quan trọng, nhằm khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên các vùng biển, đảo.

4. Đẩy mạnh hợp tác, giao lưu mở rộng hợp tác quốc tế về thủy sản; tăng cường phát huy hiệu quả đường dây nóng với Trung Quốc, Phi-líp-pin. Tiếp tục đàm phán thiết lập đường dây nóng với các nước còn lại trong khu vực để tăng cường hợp tác, hiểu biết, sự tin cậy vì một Biển Đông hòa bình, hữu nghị. Phối hợp chặt chẽ với nhau để giải quyết những bất đồng, bảo hộ công dân khi xảy ra các vụ việc liên quan đến biên giới, lãnh thổ, ngư trường... nhằm hướng tới xây dựng ngư trường hòa bình, thân thiện, hữu nghị, cùng có lợi.

5. Để chủ động đối phó với mọi diễn biến có thể xảy ra, đề nghị Nhà nước, các bộ, ban, ngành liên quan có giải pháp phù hợp cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Thủ tướng Chính phủ sớm triển khai và đưa vào khai thác, sử dụng các trạm kiểm ngư, kết hợp với trung tâm nghề cá lớn trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Có giải pháp dài hạn phát triển lực lượng Kiểm ngư đủ về số lượng, có chất lượng cao, phương tiện hiện đại, đồng bộ về cơ chế, chính sách; trong đó, đặc biệt coi trọng lực lượng làm nhiệm vụ ở các vùng biển đặc thù. Riêng đối với khu vực quần đảo Trường Sa, cùng với việc hoàn thiện, xây dựng phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia, cần đầu tư xây dựng các trung tâm nghề cá tạo thuận lợi về dịch vụ hậu cần nghề cá, đảm bảo cho ngư dân yên tâm bám biển dài ngày, đánh bắt thủy sản có giá trị thương phẩm cao.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, cùng với sự quan tâm về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước, tin tưởng rằng lực lượng Kiểm ngư sẽ hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trần Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (nguồn: Tạp chí QPTD)

CATP Hà Tĩnh