Kiên quyết không hy sinh môi trường để tăng trưởng kinh tế
Sáng 24/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Cùng dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam. Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn và Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các đại biểu tập trung vào những điểm quan trọng như: đánh giá thực chất tình trạng ô nhiễm môi trường; hạn chế, yếu kém trong quản lý Nhà nước dẫn đến ô nhiễm môi trường; làm rõ trách nhiệm của hệ thống cơ quan quản lý ngành TN&MT, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”; phân tích cụ thể những khó khăn về kinh phí, khoa học công nghệ... Trên cơ sở đó, các ngành, địa phương đề xuất, bàn bạc những giải pháp, quan điểm xử lý khả thi, quyết liệt, trên tinh thần tuân thủ pháp luật và bảo đảm cuộc sống cho nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Kiên quyết không đánh đổi môi trường vì lợi ích trước mắt, không hy sinh môi trường để tăng trưởng kinh tế!”
Sau phát biểu của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trình bày báo cáo hiện trạng môi trường nói chung trên toàn quốc. Theo đó, môi trường đất, nước, không khí nước ta nhìn chung còn khá tốt. Tuy nhiên, nguồn nước mặt ở một số nơi bị ô nhiễm, nhất là trong các khu đô thị, xung quanh các khu công nghiệp, làng nghề. Chất lượng nước biển bị ô nhiễm cục bộ tại một số khu vực như vùng nước biển ven bờ từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế do sự cố môi trường. Tại các điểm, nút giao thông, các công trường, khu vực xây dựng, ô nhiễm không khí có dấu hiệu gia tăng, nhất là trong các đô thị lớn. Suy thoái do xâm nhập mặn, xói mòn, hoang mạc hóa xảy ra ở một số nơi, vùng ven biển. Một số khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu chưa được xử lý, gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất...
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn và Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh
Báo cáo cũng phân tích những áp lực từ phát triển kinh tế - xã hội trong nước, theo dòng thương mại quốc tế và tác động xuyên biên giới đến môi trường nước ta.
Hội nghị dành phần lớn thời gian để nghe báo cáo của các địa phương về công tác BVMT. Các địa phương đã mạnh dạn nêu rõ thực trạng tình hình; tồn tại, thách thức và nguyên nhân; dự báo và giải pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước về BVMT trong thời gian tới. Trong đó, đề xuất một số giải pháp về tăng cường xã hội hóa công tác BVMT, xử lý ô nhiễm môi trường; sớm có cơ chế về nhân lực, nguồn lực phục vụ công tác BVMT ở các cấp; hoàn thiện các văn bản pháp luật, hướng dẫn ban hành kiểm soát chất lượng không khí, ban hành văn bản hướng dẫn việc cấp phép cho các đơn vị thu gom rác thải; tăng cường công tác tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân tham gia BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: VGP
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Bên cạnh kết quả đạt được, công tác BVMT vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp không chấp hành nghiêm túc, đầy đủ các yêu cầu về BVMT; công tác quản lý, giám sát thiếu hiệu lực; trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong ban hành chính sách còn nhiều bất cập; chính quyền địa phương chưa phát huy đúng vai trò, còn trông chờ vào Trung ương…
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị, nhân dân để thực hiện các biện pháp BVMT, vì đây là vấn đề sống còn của đất nước, nhân dân. Đặc biệt, cần xây dựng các kế hoạch ngắn hạn, ngay lập tức về BVMT; không thu hút đầu tư bằng mọi giá, không cho phép đầu tư các dự án tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các bộ ngành, địa phương; làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể vi phạm; tăng cường công tác xã hội hóa trong BVMT; đề xuất cơ chế xử lý, thu gom rác thải…
Đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ TN&MT tiếp thu những góp ý về chất lượng môi trường, công tác BVMT để báo cáo Quốc hội; Bộ TN&MT tiếp thu các ý kiến về quan điểm và giải pháp để đưa vào chỉ thị trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành (dự kiến đầu tuần sau sẽ ban hành chỉ thị); các địa phương quán triệt nghiêm túc Nghị quyết 24/NQ-TW để chủ động xây dựng đề án môi trường ở địa phương; các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ TN&MT, Bộ Công an phân công kế hoạch thanh tra, kiểm tra những vấn đề liên quan…
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn: Đề nghị các đơn vị, địa phương liên quan tiếp thu nghiêm túc kết luận của Thủ tướng Chính phủ, nghiên cứu sâu những cách làm của các địa phương; rà soát lại kết quả thực hiện Nghị quyết 24/NQ-TW để tham mưu cho Ban cán sự Đảng, Tỉnh ủy; các địa phương thực hiện quy hoạch xử lý chất thải rắn để tổ chức việc thu gom và xử lý; tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của Formosa; chủ động trong việc xử lý các vấn đề sau sự cố môi trường… |
CATP Hà Tĩnh