Kiên quyết xử lí những cán bộ “hành” dân, “hành” doanh nghiệp
Cải cách hành chính, thực thi nghiêm công vụ; phát triển kinh tế tư nhân; nông nghiệp công nghệ cao; bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao năng suất, chất lượng lao động; chính sách người có công với cách mạng; thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội; công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện các chính sách đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo...là những vấn đề các ĐBQH quan tâm
Tiếp tục thảo luận về tình hình phát triển kinh tế xã hội, sáng 26-5, các đại biểu phát biểu về các vấn đề: Cải cách hành chính, thực thi nghiêm công vụ; phát triển kinh tế tư nhân; nông nghiệp công nghệ cao; bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao năng suất, chất lượng lao động; chính sách người có công với cách mạng; thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội; công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện các chính sách đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo...
Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, 3 yếu tố nền tảng tạo sinh khí cho năm 2018 và các năm tiếp theo chính là: trách nhiệm của Chính phủ, kết quả tăng trưởng kinh tế và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị.
|
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng |
Đại biểu tán thành việc Chính phủ đề ra và duy trì phương châm 10 chữ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo và hiệu quả”, trong đó đặt kỷ cương lên hàng đầu. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, điều này hoàn toàn phù hợp, vì hành pháp “gánh” quyền lực mạnh, đa nhiệm, đa năng, nếu không có nền kỷ cương, kỷ luật chặt chẽ trong chỉ đạo, điều hành thì sẽ rơi vào tình trạng sai một ly đi một dặm..., đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện phương châm hành động và luôn kiểm soát bộ máy hành chính bằng "10 chữ vàng" khuôn phép đã đề ra, đồng thời đề nghị Thủ tướng quan tâm hơn đến công tác chỉ đạo, rà soát việc thực hiện các kết luận, ý kiến chỉ đạo với các bộ, ngành, địa phương.
Đại biểu bày tỏ ủng hộ cao việc Thủ tướng sử dụng thẩm quyền nhân dân và Quốc hội giao là đứng đầu hệ thống cơ quan hành pháp, triển khai luật pháp, kiên quyết xử lý cán bộ theo thẩm quyền.
Trước hết có thể tạm đình chỉ công việc những cán bộ, lãnh đạo “hành” dân, “hành” doanh nghiệp, thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, tham nhũng, lãng phí, nhất là trong: thu – chi ngân sách, sử dụng vốn ODA, xử lý cát tặc, lâm tặc, xử lý sai phạm trong công tác cán bộ, đặc biệt là nạn bằng giả, thăng tiến thần tốc, bổ nhiệm, nâng đỡ không trong sáng, các dự án nghìn tỷ đắp chiếu... "Nhân dân và cử tri rất mong chờ có sự chuyển biến nhanh chóng trong vấn đề này".
Về phòng, chống tham nhũng, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho biết, cử tri lo ngại tình trạng tham nhũng xảy ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, gây thiệt hại tiền của của Nhà nước và nhân dân. Thời gian qua, việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện sự kiên quyết của Đảng, sự điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, chưa bị đẩy lùi, kết quả chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc xử lý một số đối tượng chưa đủ sức răn đe, thu hồi tài sản đạt rất thấp.
“Cử tri đã so sánh người lao động nông thôn một nắng hai sương, góp nhặt vài nghìn đồng, vài chục nghìn đồng, có khi mất trắng do thiên tai dịch bệnh; những gia đình chính sách, cách mạng, hộ nghèo, hộ khó khăn…; lương cán bộ ở cơ sở một tháng chỉ 1,3 triệu đồng, dù thấp vẫn vui vẻ hăng hái góp công cùng Nhà nước xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới nhưng các đại án tham nhũng nghìn tỷ, các dự án thua lỗ nghìn tỷ là sự đối lập rất lớn, rất chua xót”, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nói và đề nghị cần hoàn thiện thể chế và nhanh chóng thông qua Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi vào Kỳ họp thứ 6, sớm đưa vào thực thi.
Theo đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa Vũng Tàu), thời gian qua còn tồn tại một hiện tượng làm nhức nhối trái tim và lương tri của nhiều người đó là vấn nạn bạo hành trẻ em trong các cơ sở nuôi dạy trẻ mầm non. Các vụ bạo hành trẻ em ở mức độ nghiêm trọng, liên tục xảy ra trong thời gian gần đây đã, đang khiến dư luận lo ngại. Đây cũng là tiếng chuông cảnh báo cho ngành chức năng để có những thay đổi tích cực. Đã đến lúc cần chung tay triệt nạn bạo hành trẻ em.
Về nguyên nhân, đại biểu cho rằng, phía gia đình có sự buông lỏng hoặc có phương pháp sai lầm trong quan tâm, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Việc ban hành chính sách nhiều nhưng việc giải quyết vi phạm chưa tương xứng. Việc tuyên truyền chưa sâu rộng. Công tác thanh, kiểm tra vi phạm chưa kịp thời, quyết liệt.
Bàn về vấn nạn bạo lực học đường, đại biểu Dương Minh Tuấn cho biết, trung bình trong một năm học có khoảng 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở trong, ngoài nhà trường; tức là khoảng 5 vụ/ngày. Điều đáng lưu ý là thái độ hờ hững, vô tâm của các học sinh chứng kiến, ghi hình cổ súy thay vì can ngăn.
Theo đại biểu, bạo lực học đường và bạo hành trẻ em đã, đang diễn ra phức tạp cả về tính chất, quy mô, hình thức, gây bức xúc trong dư luận và trở thành nỗi lo lắng, ám ảnh của nhiều gia đình, nhà trường, xã hội. Cơ quan chức năng cần có cái nhìn mạnh mẽ hơn, xác thực hơn để từ đó có “liều thuốc” đặc trị trước mắt cũng như bài toán lâu dài ngăn ngừa. Đồng thời, tăng cường sự tương tác giữa gia đình và nhà trường, giữa nhà trường và các lực lượng chức năng để không xảy ra những hậu quả khôn lường.
|
Đại biểu Nguyễn Như Sơ |
Về phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng điểm nhấn quan trọng của năm 2017 là Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 10 xác định tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Chính phủ cũng có các Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 35 về cải thiện môi trường kinh doanh…
Tuy nhiện hiện nay, kinh tế tư nhân vẫn tiếp tục gánh nặng về chi phí thủ tục cùng với mô hình nhỏ lẻ, năng lực quản trị yếu thì căn bệnh kinh niên khó có thể chữa. Đại biểu kiến nghị cần cải cách mạnh mẽ về hành chính, điều kiện kinh doanh, đặc biệt là các giấy phép
“con cháu”, quản lý nghiêm túc và giám sát, phát hiện sai xử lý vi phạm; đầu tư kết cấu hạ tầng, chú ý phát triển hệ thống giao thông, mạng, xây dựng những trung tâm, thành phố đáng sống, khu kinh tế có mức độ tự chủ cao, giảm chi phí logictis nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; tạo môi trường kinh doanh thật sự bình đẳng, “đoạn tuyệt” hoàn toàn sự phân biệt đối xử với kinh tế tư nhân, đẩy mạnh cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước; tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân với lãi suất thấp theo kênh hỗ trợ vốn, hỗ trợ quản trị đào tạo, nâng cao trình độ công nghệ.
Theo Báo Công an nhân dân
CATP Hà Tĩnh