Kính cha, yêu nước - điều mong mỏi của cộng đồng giáo dân (bài 2): Đừng làm giảm đức tin về những người đứng đầu giáo xứ!
Từ hành vi ngang ngược trong văn hóa giao thông đến o ép giáo dân nhường đất, linh mục Nguyễn Xuân Tính, quản xứ Khe Sắn (xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã thể hiện rõ hành vi coi thường pháp luật và cộng đồng dân cư. Không những thế, vị linh mục này còn có nhiều hành động cực đoan nhằm kích động, gây mất đoàn kết lương giáo.
Giáo xứ Khe Sắn - nơi linh mục Nguyễn Xuân Tính quản xứ. Ảnh: Facebook Paul Ha Tinh
Việc lấn chiếm trái phép đất sản xuất của người dân để xây công trình tôn giáo là không phù hợp với đường hướng “phúc âm” của giáo hội và là hành vi nguy hiểm cho đoàn kết khối xóm, cũng như sự tôn nghiêm của luật pháp.
Thông tin từ những con chiên trong xứ còn cho hay, thay vì truyền giảng lời Chúa, linh mục Nguyễn Xuân Tính cũng thường xuyên rao giảng tuyên truyền cực đoan, chống đối với nội dung xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước, kích động giáo dân chia rẽ mối đoàn kết lương giáo.
Không những thế, trên Facebook cá nhân, linh mục Nguyễn Xuân Tính thường xuyên có những bài viết, hình ảnh nói xấu Đảng, Nhà nước liên quan đến các vấn đề trong và ngoài nước như chống tham nhũng, ô nhiễm biển miền Trung, Luật An ninh mạng, dự thảo Luật Đặc khu… gây bức xúc trong chính người dân công giáo.
Giáo luật vốn dĩ nghiêm cấm linh mục và giáo dân bất tuân chính quyền. Đức Jesu từng nói “Của Caesar, trả về Caesar...”. Vậy thì cái gì của chính quyền thì phải trả cho chính quyền, cái gì của người dân thì phải là của người dân. Cũng như vậy, đất đai là tài sản chung của nhân dân, do Nhà nước quản lý chứ không phải là tài sản của linh mục.
Vậy hà cớ gì linh mục Nguyễn Xuân Tính không sống tốt đời, đẹp đạo, không tôn trọng, đồng hành cùng chính quyền và nhân dân xây dựng tình đoàn kết, tương thân, tương ái, làm cho cuộc sống của giáo dân cũng như lương dân ngày càng tốt hơn, được đáp ứng nhiều hơn về nhu cầu vật chất cũng như tinh thần…
Tin rằng, sẽ có một đức tin lành mạnh, nếu như không đi theo vết xe đổ của Đặng Hữu Nam, Nguyễn Đình Thục…
Linh mục Nguyễn Xuân Tính dẫn dắt giáo xứ Khe Sắn cầu nguyện cho giáo xứ Song Ngọc (xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Lưu, Nghệ An) với cáo buộc nhà cầm quyền đàn áp dân và cha quản xứ. Ảnh: Facebook Paul Ha Tinh
Đã có vị một chức sắc chia sẻ rằng: “Không thể phủ nhận rằng, không ít linh mục Việt Nam có lối đối xử quan liêu, coi giáo dân như thần dân của nhà độc tài… Không những với con chiên, nhiều linh mục còn có thái độ hống hách với cả người bên lương… Diễn đàn Lời Chúa là diễn đàn tình thương nhưng rất nhiều cha lợi dụng để nạt nộ, hăm dọa, khiển trách giáo dân”.
Từ khi linh mục Nguyễn Xuân Tính về xứ Khe Sắn, người đứng đầu xứ này đã cấm bà con giáo dân treo ảnh Bác Hồ, cờ búa liềm trong nhà; o ép các đảng viên gốc giáo và những giáo dân làm việc cho chính quyền phải xin nghỉ, ép phụ nữ tháo vòng tránh thai, không cho con em giáo dân tham dự một số hoạt động của xã như: hội thi văn nghệ, họp thôn xóm; ký tên vào bản “kiến nghị sửa đổi Hiến pháp năm 1992” do nhóm 72 người tự xưng là nhóm luật sư, luật gia, trí thức văn nghệ sỹ… trong cả nước đòi xóa bỏ Điều 4 – Hiến pháp năm 1992; tổ chức sinh hoạt tôn giáo trái phép tại xã Sơn Kim 1, xã Sơn Kim 2, xã Sơn Hồng… gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Trong khi linh mục Nguyễn Xuân Tính lấn chiếm đất thì tại giáo xứ Nghĩa Yên, linh mục Nguyễn Thái Từ - quản xứ Nghĩa Yên (Đức Yên, Đức Thọ) lại hiến 1.250 m2 đất nhà xứ để mở đường. Trong ảnh là một trong những con đường ở thôn Đại Thành (cạnh nhà thờ xứ) được mở rộng nhờ nhà xứ hiến đất và công đóng góp của linh mục.
Nhìn lại trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước, cộng đồng các tôn giáo ở Việt Nam nói chung và ở Hà Tĩnh nói riêng luôn đồng hành cùng dân tộc, hòa chung niềm vui và nỗi đau của dân tộc trong những thời khắc lịch sử, góp phần phát triển và làm rạng rỡ nền văn hóa Việt Nam. Tôn trọng và phát huy những giá trị nhân văn của tôn giáo, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Đây là cơ sở để các tôn giáo ở nước ta hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.
Sống tốt đời, đẹp đạo, phúc âm giữa lòng dân tộc là điều mong mỏi, nguyện vọng chính đáng của mỗi giáo dân chân chính. Tuy nhiên, một bộ phận lại bị chính linh mục dùng giáo lý, thần quyền để o ép, kích động và xúi giục. Đã có không ít câu chuyện về những giáo dân trở thành “quân cờ” của những vị linh mục làm những điều ngược lại điều răn của Chúa; dùng thân giáo, ngôn giáo buộc các tin đồ có nhiều hành vi vi phạm pháp luật.
Thiết nghĩ, là linh mục, hơn ai hết họ hiểu rõ điều răn kính Chúa và yêu nước, họ không nên hành xử như vậy, vì qua đó họ chỉ làm tổn hại hình ảnh cộng đồng Công giáo mà thôi, làm giảm đức tin về những người đứng đầu giáo xứ trong cộng đồng giáo dân. Mỗi người công giáo trước hết là một người dân vậy thì họ phải có trách nhiệm với đất nước với cộng đồng nơi mình sinh sống và phải tuân thủ pháp luật!
CATP Hà Tĩnh