Công ty Quốc Ái bị phạt nặng như nêu trên vì thu gom, bảo quản, kinh doanh thủy sản có chứa tạp chất đưa vào tôm nguyên liệu, được quy định tại điểm d, khoản 5, Điều 16 Nghị định 178/2013/NĐ-CP (ngày 14-11-2013) của Chính phủ.
Về mức xử phạt như nêu trên, tỉnh Cà Mau đã xem xét đến yếu tố lao động làm thuê tại công ty Quốc ái nên có phần “nới tay”. Nếu “làm căng” hơn, công ty Quốc Ái có thể bị rút giấy phép hoạt động sản xuất, kinh doanh (có thời hạn).
Trước đó vào tối 29-8, sau khi nhận được tin tố giác có dấu hiệu bất thường, Đoàn liên ngành 664 tỉnh Cà Mau đã kiểm tra hoạt động tại công ty Quốc Ái. Tại kho đông lạnh chứa tôm thành phẩm của Công ty Quốc Ái, lực lượng làm nhiệm vụ nghi ngờ 47 kiện tôm sú đông lạnh (đông nguyên con, đã đóng bao bì) có chứa tạp chất nên tiến hành bốc mẫu. Sau khi kiểm tra, Đoàn liên ngành kết luận toàn bộ lô hàng (hơn 370 kg tôm sú) có chứa tạp chất.
Cán bộ Đoàn liên ngành 664 Cà Mau kiểm tra tôm thành phẩm tại công ty Quốc Ái.
Trước đó vào tối 21-8, Đoàn liên ngành 360 thuộc Cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (Cục nông lâm) cũng kiểm tra đột xuất tại Công ty Quốc Ái. Tại xưởng sản xuất của Công ty, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện một lượng lớn tôm sú có chức tạp chất, nhiều thùng tạp chất cùng nhiều dụng cụ, thiết bị bơm tạp chất vào tôm. Tuy nhiên cho đến nay, vụ việc trên vẫn chưa bị Đoàn liên ngành 360 xử lý. Một trong những nguyên nhân chậm trễ là do Đoàn liên ngành 360 không thực hiện lưu mẫu theo quy định.
Thời gian qua, mặc dù cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau “tuyên chiến” mạnh mẽ, nhằm từng bước loại bỏ vấn nạn tôm tạp chất nhưng tình trạng trên vẫn còn xảy ra rảy rác vài nơi. Một trong những nguyên nhân khiến việc tồn tại tôm tạp chất là do một vài doanh nghiệp “bắt tay” với thương lái để trục lợi, điển hình như trường hợp tại công ty Quốc Ái. Việc làm trên không chỉ ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm chân chính tại Cà Mau, mà về lâu về dài còn phương hại nặng đến nông hộ sống bằng nghề nuôi tôm tại địa phương.