Kinh hãi với nghề mua bán "thần chết"
Có lẽ không nơi nào vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh nhiều như ở Quảng Trị. Vì mưu sinh, hàng chục năm nay, có không ít người dân, hộ gia đình chuyên làm nghề rà tìm, buôn bán phế liệu chiến tranh. Thậm chí không ít người còn mưu sinh bằng cái nghề mà mới nghe qua đã lạnh toát sống lưng: Nghề cưa bom!
Nghề cưa bom đã khiến nhiều người mất mạng mỗi năm. Nhưng cái nghề đầy hiểm nguy, chết chóc có một không hai trên thế giới ấy hiện vẫn còn tồn tại ở vùng đất còn lắm khó khăn này…
Trở lại Tân Hiệp, ngôi làng nằm ở vùng gò đồi xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Hỏi chuyện sinh sống, làm ăn, bà con nơi đây đều hết hào hứng. Nhất là phần lớn người dân, hộ gia đình trước đây làm nghề rà tìm phế liệu chiến tranh, nay đã thay đổi nghề, bám đất đai, đồng ruộng để sản xuất, phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, làng có hơn 240 hộ dân với trên 1.100 nhân khẩu nhưng diện tích đất sản xuất nông nghiệp chỉ có 17,6ha, lâm nghiệp chưa tới 20ha. Do đó, hiện tại vẫn còn không ít người dân, hộ gia đình đeo bám nghề cũ.
"Từ bỏ hẳn nghề này thì rất khó. Bởi lẽ, từ lâu nó đã trở thành thói quen trong lao động, sinh tồn của bà con ở đây. Trong khi điều kiện để chuyển đổi nghề vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn không giải quyết, đảm bảo được cuộc sống của bà con trước mắt và lâu dài", ông Đào Văn Tư, một người dân làng Tân Hiệp bộc bạch.
|
Người dân sau khi cưa, tháo gỡ các kim loại như đồng, nhôm và thuốc nổ để bán, họ đem vỏ những quả bom này bán cho cơ sở thu mua phế liệu chiến tranh. |
Ông Tư bảo với tôi: "Chú muốn rõ hơn cuộc sống của người dân mưu sinh bằng cái nghề rà tìm phế liệu chiến tranh đầy hiểm nguy, chết chóc đó thì chú ở lại đây đến khuya nay tui dẫn chú đi thì chú biết!". Mới tờ mờ sáng mà ở chân một quả đồi giáp ranh giữa Cam Tuyền và xã miền núi Linh Thượng, huyện Gio Linh (cách làng Tân Hiệp gần 2 giờ đi bộ), đã có hàng chục người dân tay máy, tay cuốc, đi thành một hàng ngang.
Tôi để ý, họ đều bịt kín mặt, đầu đội mũ tai bèo rộng vành và đeo tai nghe bên trong. Tay trái cầm máy, tay phải cầm cuốc. Máy được cấu tạo bao gồm phần bệ và thân. Bệ máy hình tròn như nắp xoong cỡ lớn. Thân máy gắn vào giữa và bên trên bệ máy, dài khoảng 1,2m. Giữa tai nghe và máy được nối với nhau bằng một sợi dây điện. Người làm nghề bằng cách thông qua tai nghe để nhận biết, phân tích các loại tín hiệu thu nhận được từ mặt đất.
Họ đi chậm rãi với chiếc máy huơ đều sang hai bên. Thỉnh thoảng họ dừng lại, cặm cụi đào bới, tìm kiếm, lấy lên từ trong đất khi thì mảnh sắt bám đầy đất màu vàng ố hoặc đỏ thẫm vì gỉ sét, lúc thì mảnh nhôm đã mủn mục hết lớp bên ngoài, khi khác thì cục đồng nhỏ bằng ngón chân cái…
Tôi hỏi một chị tầm tuổi trung niên: "Làm sao nhận biết các phế liệu trong đất?". "Máy thường xuyên phát ra tiếng kêu và tiếng kêu đó bị nhiễu khi gặp phải các phế liệu. Các phế liệu khác nhau thì âm thanh bị nhiễu cũng khác nhau. Gặp đồng thì âm thanh trầm hẳn lại, nhôm thì nhẹ hơn, sắt thì thoảng qua người mới làm nghề khó nhận biết".
Cảm thấy tôi không hình dung ra được, đoạn chị dừng lại, lấy từ trong chiếc bao gai mang sẵn bên mình ra 3 thứ vật liệu cụ thể, gồm đồng, nhôm, sắt. Rồi chị vui vẻ đưa máy cho tôi, bảo tôi rà vào 3 thứ vật liệu ấy để biết.
Ban đầu, tôi khó nhận biết được sự khác biệt của tiếng máy, bởi nó thường xuyên như chú dế kêu rền bên tai. Song một lúc sau, tôi cũng lờ mờ cảm nhận được. Đối với đồng, âm thanh của máy như bị hút chặt vào, trầm xuống, nhôm thì hút nhưng nhẹ hơn. Tương tự, sắt nhẹ hơn nhôm.
|
Điểm thu mua phế liệu chiến tranh của hộ gia đình ông Nguyễn Phúc. |
"Có khi nào chị rà trúng bom, mìn chưa nổ không?". "Nhiều lần lắm!", chị trả lời tôi và cho biết: "Trúng mìn thì xui vì không gỡ được nó. Hơn nữa, đồng, nhôm, sắt từ nó cũng không nhiều. Nhưng trúng bom thì may vì không gỡ được vẫn có thể bán nguyên quả cho các lái buôn"…
Mặt trời lên khỏi đỉnh núi phía xa xa chừng một chiếc đòn gánh. Ông Tư hối thúc tôi trở về để ông còn ra đồng làm ruộng. Tôi theo chân ông, mang theo những cảm giác vui buồn của những người làm nghề rà tìm phế liệu chiến tranh. Cuộc sống của họ nương nhờ vào chiếc máy rà. Mỗi ngày họ kiếm được vài trăm nghìn, lúc may một triệu đến vài triệu. Nhưng cũng không ít lần nhát cuốc vừa bổ xuống, tiếng nổ chát chúa đã vang lên, xé tan mặt đất và bầu trời yên tĩnh. Tiếng la hét, gào khóc thảm thiết.
Ông Tư trầm ngâm bảo với tôi: "Ở Tân Hiệp, mỗi nạn nhân bom mìn là một vết thẹo của làng, không bao giờ lành lặn lại được. Nhưng vì điều kiện cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn như đã nói ở trên nên bà con ở đây vẫn cứ phải đeo bám với cái nghề nguy hiểm này"…
Ngày 27/9/2017, TAND tỉnh Quảng Trị mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng. Đứng trước vành móng ngựa là 5 nông dân thuộc nhiều lứa tuổi: Lê Văn Hùng (45 tuổi), Hoàng Bảy (47 tuổi), Lê Văn Tý (39 tuổi), Lê Quốc Phước (38 tuổi), Đoàn Văn Vang (39 tuổi), đều trú xã Gio Châu, huyện Gio Linh, Quảng Trị.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 1/5/2017, năm nông dân này trong lúc đi rà tìm phế liệu chiến tranh đã phát hiện một quả bom có đường kính 35cm, dài 1,25m. Cả 5 người chờ cho đến lúc trời tối thì vận chuyển quả bom này đi bán. Tuy nhiên, khi tới thị trấn Bến Quan, Vĩnh Linh thì nhóm người này bị Công an phát hiện bắt quả tang. Khi được chủ tọa phiên tòa hỏi có biết hành vi nêu trên là vi phạm pháp luật không, cả 5 bị cáo đều lí nhí cổ họng: "Dạ, các bị cáo đều biết nhưng vì cuộc sống nên mới làm liều".
Những năm qua, Quảng Trị xảy ra không ít vụ án vận chuyển, mua bán trái phép vật liệu nổ, cụ thể là sắt, đồng, nhôm và thuốc nổ được tháo lấy từ bom, mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh. Ông Võ Ngọc Mậu, Chánh tòa Hình sự TAND tỉnh Quảng Trị chia sẻ: "Chúng tôi xét xử khá nhiều vụ án liên quan đến bom, mìn, phế liệu chiến tranh với các hành vi vận chuyển, mua bán trái phép. Khi nghe các bị cáo kể lại hành vi của họ, chúng tôi đều cảm giác lạnh toát sống lưng.
Đơn cử, vụ án với 7 bị cáo, gồm: Thái Bá Tứ (33 tuổi), Nguyễn Văn Trị (42 tuổi), Phan Thanh Tú (29 tuổi), Nguyễn Ngọc Tân (39 tuổi), Nguyễn Văn Vẫn (30 tuổi), Phan Thanh Tuấn (31 tuổi), đều trú huyện Gio Linh, Quảng Trị và Lê Văn Bảo (33 tuổi), trú huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Các đối tượng này đã vận chuyển cùng lúc 3 quả bom "khủng" còn nguyên ngòi nổ ra khỏi xã biển Trung Giang để bán. Trong khi việc vận chuyển đều bằng sức người và xe cộ không chuyên dụng, nguy cơ va đập phát nổ bất cứ lúc nào là rất cao".
|
Người mua tiến hành lựa, loại bỏ các vật liệu còn có thể gây nổ. |
Đại tá Nguyễn Huỳnh Đường, Trưởng phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Trị day dứt trước thực trạng mưu sinh bằng nghề rà tìm, mua bán trái phép phế liệu chiến tranh và nghề cưa bom nghe đến kinh hãi: "Công tác tuyên truyền, giáo dục phòng tránh bom mìn luôn được địa phương chú trọng nhưng hàng ngày việc rà tìm, mua bán rồi cả việc cưa bom vẫn xảy ra".
Đại tá Đường kể lại một câu chuyện nghe rợn tóc gáy. Hồ Văn Dược (30 tuổi), ở bản Cù Bai, xã biên giới Hướng Lập, huyện rẻo cao Hướng Hóa, Quảng Trị đi rà tìm phế liệu chiến tranh thì phát hiện một quả bom lớn chưa phát nổ với đường kính 30cm, dài 1,2m nằm bên bờ suối. Dược bán quả bom này cho Hồ Văn Song (24 tuổi) và Hồ Văn Giang (25 tuổi), ở cùng bản với giá 1,5 triệu đồng. Cả hai sau khi trả trước cho Dược 500 nghìn đồng đã tiến hành cưa quả bom kể trên ngay bên bờ suối.
Khi hỏi Song và Giang có biết quả bom sẽ phát nổ bất cứ lúc nào không? Cả hai đều trả lời rằng: "Bọn cháu biết nhưng vì cần tiền nên liều mạng. Cưa tới 7 giờ đồng hồ thì quả bom mới đứt ra làm 2. Cũng có lúc sợ đến toát mồ hôi nhưng lại nghĩ đến số tiền không nhỏ nên lại cưa".
Sau khi cưa xong, các đối tượng lấy thuốc bom cho vào 2 bao tải, cất giấu rồi liên lạc với Hoàng Văn Hiếu (20 tuổi), ở bản Mới, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình để bán…
Ở vùng đất khí hậu quá khắc nghiệt, với nắng thì như đổ lửa trên đầu, mưa thì dầm dề thối đất; rồi cả mấy tháng hè gió Lào phầm phập thổi, cuộc sống của người nông dân nơi đây vì thế gặp không ít khó khăn. Họ phải mưu sinh bằng đủ thứ nghề, bên cạnh việc rà tìm, cưa bom đạn để bán thuốc nổ, không ít hộ dân còn xây dựng hẳn những ki-ốt để thu mua, buôn bán phế liệu chiến tranh.
Theo lời giới thiệu của các nhân viên rà phá bom mìn thuộc tổ chức MAG tại Quảng Trị, tôi đến các xã biên giới huyện rẻo cao Hướng Hóa và không khó để phát hiện ra các điểm thu mua kể trên mà người dân còn gọi là điểm thu mua "thần chết", bởi sự nguy hiểm tiềm ẩn, khó lường của nó.
Kinh hãi hơn, những điểm thu mua này thường được xây dựng sát với nhà ở hoặc bỏ lộ thiên ngay trên sân nhà mình. Khi hỏi các phế liệu còn có thể phát nổ, gây nguy hiểm, ông Nguyễn Phúc, ở xã Tân Hợp làm nghề này đã 20 năm, nói một cách rất chủ quan: "Có chi mà nổ chú. Bọn tui khi mua lựa ra hết những cái còn có thể nổ để đem vứt hoặc tháo gỡ lấy đồng, nhôm rồi. Còn lại đó toàn là sắt vụn không thôi".
Các tổ chức rà phá bom mìn tại Quảng Trị như MAG, RENEW cho biết, sau khi tìm hiểu thực tế, biết được chủ các điểm thu mua phế liệu thường vứt bỏ các vật liệu nổ bừa bãi ngoài đồng ruộng, dưới các lòng sông, họ đã hỗ trợ các điểm này những chiếc thùng an toàn, nhằm khi phát hiện vật liệu nổ thì bỏ vào, chờ các đội rà phá bom, mìn đến mang đi xử lý nổ.
Tuy nhiên, đó chỉ là những vật liệu nổ nhỏ hoặc bom, mìn có rất ít đồng, nhôm trong đó. Còn lại các loại bom lớn, người dân đều không báo mà tự ý mang đi bán hoặc thậm chí tiến hành cưa, tháo gỡ để lấy các loại kim loại và thuốc bom đem bán do được giá cao.
Theo thống kê của các tổ chức rà phá bom mìn, từ sau giải phóng đến nay, Quảng Trị đã xảy ra hàng nghìn vụ tai nạn do bom, mìn, vật liệu nổ sót lại, làm hơn 8.500 người thương vong, trong đó có không ít vụ do người dân rà tìm phế liệu chiến tranh, cuốc trúng bom, mìn phát nổ; cưa bom, mìn để bán các vật liệu của nó. Điều đáng nói, con số ấy vẫn chưa dừng lại mà thậm chí dày thêm lên qua từng ngày.
Chính quyền, ban, ngành chức năng, các đoàn thể địa phương và đặc biệt là các tổ chức phi chính phủ giúp Quảng Trị rà phá bom, mìn làm sạch đất đai, đã tổ chức thông tin, tuyên truyền cho người dân về nguy cơ bom, mìn, vật liệu chưa phát nổ hàng trăm đợt mỗi năm. Song không ít người dân, phần vì chưa ý thức hết được sự nguy hiểm của bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại trong lòng đất, phần vì cuộc sống mưu sinh đã bất chấp nguy hiểm tính mạng của mình.
Phan Thanh Bình/ Theo Báo CAND
CATP Hà Tĩnh