Kỷ niệm 86 năm ngày Xô viết nghệ tĩnh 12/9 (1930-2016): Tự hào vùng quê Xô viết
Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 là cuộc tập dượt đầu tiên cho khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945. Là vùng quê có truyền thống cách mạng, năm 1930, 1931, nhân dân các địa phương huyện Thạch Hà dưới lá cờ quy tụ của Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết liệt đấu tranh, cùng với nhân dân Nghệ Tĩnh nói chung giáng một đòn mạnh mẽ vào hệ thống thống trị của thực dân Pháp và tay sai.
Xô viết ngày ấy
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tháng 3/1930, chi bộ đầu tiên tại Thạch Hà được thành lập ở Phù Việt. Tiếp đó, các thôn, xã trong huyện lần lượt thành lập chi bộ như: Đồng Bàn (Thạch Liên), Cổ Kênh (Thạch Kênh), Việt Xuyên... Cùng với chi bộ, các tổ chức nông hội cũng được thành lập ở nhiều nơi. Thời kỳ này, công tác tuyên truyền, giác ngộ quần chúng được đẩy mạnh, tập trung là tuyên truyền bằng rải truyền đơn, treo cờ đỏ. Vào ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930, hàng nghìn lá đơn tuyên truyền đã xuất hiện ở Phù Việt, Đan Chế, Đồng Bàn.
Tinh thần đấu tranh của người Thạch Hà được chuyển tải trong màn nghệ thuật kỷ niệm 1010 năm thành lập huyện. Ảnh tư liệu
Sau ngày 1/5, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, phong trào đấu tranh của Thạch Hà phát triển mạnh, đỉnh điểm là ngày 8/9/1930, nông dân 13 xã, thôn trong huyện đã cùng nông dân Can Lộc, Cẩm Xuyên với khoảng 1.000 người biểu tình kéo vào tỉnh ly Hà Tĩnh. Đến tháng 12/1930, toàn huyện đã có 35 cuộc biểu tình của nông dân ở Chi Phan, Đan Chế (ngày 14/9), Hữu Phương (5/10), Kim Đôi (26/10)... Cùng với việc phát động nhân dân đấu tranh, Huyện ủy lâm thời rất coi trọng công tác xây dựng Đảng, các tổ chức quần chúng. Tính đến tháng 10/1930, toàn huyện có 27 chi bộ với 183 đảng viên, 26 ban chấp hành nông hội, 14 ban chấp hành phụ nữ, 7 ban chấp hành thanh niên, 13 đội tự vệ, 2 đội thiếu nhi (Phù Việt, Vĩnh Luật).
Những tháng cuối năm 1930, các cuộc đấu tranh của nông dân Thạch Hà diễn ra liên tiếp, trong đó, cuộc biểu tình ngày 1/12/1930, lính khố xanh đã xả súng làm 3 người chết, 7 người bị thương. Ngày 12/12/1930, Huyện ủy tổ chức lễ truy điệu tại xã Việt Xuyên với hơn 2.000 quần chúng đến dự, tạo thành cuộc thị uy. Giữa năm 1931, nhiều cuộc mít tinh thu hút hàng nghìn người diễn ra ở Đồng Lưu, Cổ Kênh, Vĩnh Lưu.
Trước sự phát triển của phong trào quần chúng, địch đã tăng cường khủng bố, trấn áp. Chúng thiết lập đồn binh ở các thôn xã. Tại Phù Việt, chúng thành lập đồn binh bắt bớ, đốt 270 nóc nhà trong ngày 10/12/1930. Năm 1931, sau khi dập tắt phong trào cách mạng ở Nghệ An, địch đã tăng cường đàn áp, bắt bớ. Tháng 11/1931, cán bộ Huyện ủy lần lượt bị bắt, tài liệu lọt vào tay giặc, phong trào cách mạng ở Thạch Hà bước sang giai đoạn mới.
Diện mạo hôm nay
Phát huy truyền thống hơn nghìn năm và tinh thần Xô viết, huyện Thạch Hà đã đạt được những thành tựu to lớn về mọi mặt trong giai đoạn mới. Kinh tế tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng, từ 14 triệu đồng năm 2010 lên 28,3 triệu đồng năm 2015. Công tác quy hoạch được thực hiện nghiêm túc và đi đúng hướng; đã hình thành các vùng kinh tế trà sơn, đồng bằng, ven biển với những đặc thù khác nhau. Trên địa bàn, các tuyến đường nối TP Hà Tĩnh với các xã bãi ngang, trà sơn, đường nối thị trấn Thạch Hà với các xã phía Tây của huyện, đường Thạch Khê đi Vũng Áng… đang tạo ra mạng lưới kết nối các vùng, thúc đẩy sự phát triển.
Thạch Hà hôm nay
Đến nay, toàn huyện có 5 xã về đích nông thôn mới, phấn đấu năm 2016 có 4 xã; đến 2020, trên 70% xã về đích. Theo báo cáo của UBND huyện, trong năm 2016, đã xây dựng mới 124 mô hình có doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên (20 mô hình lớn, 10 mô hình vừa, 94 mô hình quy mô nhỏ); thành lập mới 37 tổ hợp tác, 27 hợp tác xã, 11 doanh nghiệp. Phong trào toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới được duy trì thường xuyên, liên tục, đã tổ chức 27 đợt ra quân, huy động gần 150.000 lượt ngày công tham gia. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục tiếp tục thu được nhiều kết quả. Công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị có nhiều đổi mới, thể hiện rõ quyết tâm chính trị, sự thống nhất của cấp ủy.
Trao đổi với phóng viên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Văn Thắng cho hay: “Từ truyền thống nghìn năm và tinh thần Xô viết, BTV Huyện ủy nhận thức rằng, phải đặt Thạch Hà trong xu thế phát triển, nếu không bắt nhịp cùng xu thế thì có lỗi với lịch sử, với nhân dân. Điều đáng nói ở Thạch Hà là tình hình chính trị cơ bản ổn định, niềm tin của người dân vào Đảng được củng cố. Người dân đoàn kết, biết phát huy tinh thần cách mạng để thực hiện mục tiêu KT-XH, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới, tạo thành các đợt thi đua sôi nổi. Thời gian tới, huyện tập trung phát huy lợi thế các vùng, tạo nên sự đa dạng trong phát triển, chỉnh trang thị trấn Thạch Hà, tận dụng tốt địa bàn phụ cận thành phố, đồng thời, chú trọng đảm bảo an sinh xã hội, nhất là các xã chịu tác động bởi sự cố môi trường biển”.
CATP Hà Tĩnh