Kỳ tích 57 tuổi vẫn sinh đôi bé gái, bại liệt vẫn sinh con ở Việt Nam
Người phụ nữ ở tuổi 57 vẫn sinh đôi 2 bé gái Tố Nga, Kim Ngân; người đàn ông bại liệt hàng chục năm ngồi xe lăn vẫn sinh con... đó thực sự là những kỳ tích y học ở Việt Nam...
Hà Nội đang trong đợt mưa bão, nhưng sáng 20-8 vẫn có hàng trăm cặp vợ chồng từ các nơi về dự buổi gặp mặt đặc biệt của những người đã được làm cha mẹ nhờ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, nhân kỷ niệm 4 năm thành lập Khoa Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện (BV) chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.\
Những cặp đôi mang theo những đứa trẻ (rất nhiều bé sinh đôi) trong niềm hạnh phúc rạng ngời trên gương mặt. Trong cuộc gặp đó, có cả những người đã lặng lẽ góp phần “kiến tạo” nên niềm hạnh phúc vô biên ấy:
GS.TS. Đỗ Trọng Hiếu, nguyên Giám đốc Chương trình thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) Bệnh viện Từ Dũ; GS. TS. Trần Thị Phương Mai, Trường Đại học Y khoa Hà Nội; GS.TS. Nguyễn Đình Tảo, Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ phôi (Học viện Quân y); ông James Marshall, Giám đốc khoa học và phát triển (Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Superior ART Thái Lan)…
Trong bối cảnh tỷ lệ vô sinh nam và vô sinh nữ đều chiếm 40%, với các trường hợp vợ chồng bị hiếm muộn rất đa dạng, như GS.TS. Trần Thị Phương Mai cho biết, mới hiểu được niềm vui vô bờ của những cặp vợ chồng hiếm muộn may mắn được điều trị thành công.
Chị Đinh Thị Bích Thủy được làm mẹ lần đầu sau 20 năm chạy chữa. |
Người mẹ lớn tuổi nhất trong cuộc hội ngộ này là chị Đinh Thị Hường, 57 tuổi, ở Hà Nội. Chị kể, sau gần 10 năm xây dựng gia đình mà không có con, chị vẫn không nguôi khát vọng được làm mẹ. Chị chạy chữa đủ loại thuốc đông y, đến một số BV, nhưng không có kết quả. Cuối cùng, chị quyết định gặp các bác sĩ ở BV chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.
Tuy nhiên, trường hợp của chị cũng có không ít khó khăn, do chị bị nhân xơ tử cung, tuổi lại không còn trẻ nữa, nhưng với quyết tâm của vợ chồng chị, các bác sĩ đã giúp chị thỏa nguyện.
Ánh mắt chị lấp lánh hạnh phúc: Tôi không ngờ chỉ một lần TTTON là được, chi phí cũng chỉ vài chục triệu đồng. Các con gái của tôi sinh ra đều khỏe mạnh. Giờ thì 2 cô bé sinh đôi Tố Nga và Kim Ngân đã sắp tròn 3 tuổi.
Nhìn các cô bé tranh giành nhau đồ chơi, tranh nhau ngồi lên lòng bố mẹ, đủ thấy được sự khỏe mạnh, lanh lợi của các “công chúa” đang dát “ánh vàng” lên tổ ấm của gia đình.
Cuộc hội ngộ này còn có trường hợp rất đặc biệt là anh Đỗ Đại Dương-người bị tai nạn năm 19 tuổi, liệt hoàn toàn 2 chân, phải ngồi xe lăn. 36 tuổi anh mới lập gia đình và không có con. Các bác sĩ ở nhiều BV đều cho biết, trường hợp của anh rất khó có con, có thể nói là vô vọng. Nhưng vợ chồng anh không nản chí.
Năm 2012, anh đến gặp các bác sĩ ở BV Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, may mắn, ngay trong lần thực hiện TTTON đầu tiên, vợ chồng anh đã thành công. Và hôm nay, cô con gái 4 tuổi của anh chị tung tăng đến dự cuộc gặp mặt cùng bố mẹ.
Anh Đỗ Đại Dương, bị liệt 2 chân, đã được làm cha sau khi chạy chữa. |
Anh Dương chia sẻ, anh từng không nghĩ mình sẽ được làm bố. Vậy mà nhờ các bác sĩ Khoa Hỗ trợ sinh sản, ước mơ ấy đã thành hiện thực, giúp nhân niềm hạnh phúc gia đình của anh lên gấp nhiều lần.
Khi kể lại hành trình gần 20 năm chạy chữa vô sinh và rồi được làm mẹ, chị Đinh Thị Bích Thủy (Hà Nội) không nén được tiếng nấc nghẹn ngào trước hạnh phúc quá lớn. Vợ chồng chị đã chạy chữa trong nhiều năm, nhưng đều thất bại. Tuyệt vọng đến mức chị định nhờ người mang thai hộ. Năm 2012, vợ chồng chị đến gặp BS. Thu Hiền ở BV Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, nhưng cũng chỉ hy vọng mong manh.
Lần đầu thực hiện TTTON lại không thành công, chị càng không dám hy vọng. Thế rồi, thực hiện lần 2 và bác sĩ khẳng định chị có thai. Sung sướng đến mức, dù có thai tháng thứ 3 mà chị vẫn không tin, thậm chí mang bầu 5-6 tháng chị vẫn nhiều lần bàng hoàng hỏi chồng có thực vợ chồng chị có con hay không.
Niềm vui sau gần 20 năm chờ đợi cuối cùng đã đến vào ngày 11-2-2015 khi chị sinh con đầu lòng. Hạnh phúc muộn màng nhưng trọn vẹn khiến ngay sau đó vợ chồng chị quyết định có thêm bé thứ 2 và hiện cháu đã được hơn 9 tháng tuổi.
Vợ chồng chị Mai Nga lấy nhau cũng 7 năm chưa có con, chạy chữa nhiều nơi vẫn không có kết quả. Cách đây 3 năm, chị đến BV chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội và được thực hiện TTTON thành công. Vì chị mang đa thai (3 thai), bác sĩ khuyên chị nên bỏ một thai để đảm bảo đứa trẻ phát triển khỏe mạnh nhưng chị nhất quyết giữ lại cả 3.
“May mắn, cả 3 cháu trai đều chào đời và phát triển khỏe mạnh, là niềm hạnh phúc rất lớn của vợ chồng tôi”, chị Mai Nga bày tỏ trong niềm hạnh phúc dạt dào.
Cũng mang theo 2 bé sinh đôi Minh Phương và Minh Trang đến cuộc gặp, chị Bùi Thị Hạnh (Từ Liêm, Hà Nội) cởi mở chia sẻ: Gần 10 năm lấy chồng mà không có con, chị đã đi chữa trị nhiều nơi nhưng vẫn không có kết quả. Năm 2012, chị tìm đến BV chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Thật may mắn khi ngay lần đầu TTTON của chị đã thành công. Chị Hạnh còn cho biết, năm nay các bé đã 4 tuổi nên vợ chồng chị dự định sẽ sinh con thêm lần nữa.
Có tận mắt chứng kiến khao khát có con đến cháy bỏng của những người hiếm muộn mới hiểu được việc họ trở thành cha mẹ có ý nghĩa đến nhường nào với cuộc đời họ. Cũng mới hiểu được vai trò cực kỳ to lớn của các bác sĩ hỗ trợ sinh sản. Với tỉ lệ vô sinh cao như hiện nay, các biện pháp hỗ trợ sinh sản thực sự là cứu cánh cho hạnh phúc nhiều gia đình.
Chỉ 4 năm qua, BV chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã đón hàng chục nghìn lượt bệnh nhân và đã có hàng nghìn cặp vợ chồng được thực hiện TTTON. Nhờ phác đồ điều trị và can thiệp y khoa hiện đại, tỉ lệ TTTON thành công ở đây tương đương các trung tâm TTTON lớn trong nước và quốc tế.
Không chỉ TTTON với tinh trùng người đã mất, BV này còn TTTON cho bệnh nhân nam liệt nửa người, TTTON cho bệnh nhân nữ có bất thường tử cung (tử cung đôi), TTTON từ tinh trùng của bệnh nhân nam ung thư tinh hoàn vv…
Hy vọng, BV tiếp tục là nơi mang đến niềm hạnh phúc cho những cặp vợ chồng hiếm muộn, để sau mỗi năm, sẽ có thêm nhiều em bé chào đời…
CATP Hà Tĩnh