"Lá chắn thép" vùng giáp ranh và chuyện thu phục nhân tâm của Trưởng Công an huyện
Vùng đất Kinh Môn - Hải Dương được coi là vùng đất dữ, nằm tiếp giáp với Quảng Ninh, Hải Phòng. Trung tá Phạm Chí Hiếu nói: "Nơi đây có nhiều tuyến đường bộ, đường thủy qua lại thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội. Song đây cũng là những điểm có ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình an ninh trật tự (ANTT) của huyện...
Gọi điện cho chúng tôi, Trung tá Phạm Chí Hiếu, Trưởng Công an huyện Kinh Môn, Hải Dương hồ hởi cho biết, đơn vị anh vừa phá liên tiếp nhiều vụ buôn bán ma túy liên tỉnh với số lượng đặc biệt lớn. Với chúng tôi, những phóng viên theo dõi địa bàn thì đó là một thông tin rất vui.
Gì chứ địa bàn giáp ranh này thì có rất nhiều chuyện để viết, bởi địa bàn tiếp giáp với Đông Triều, Quảng Ninh, nơi diễn ra các hoạt động than thổ phỉ, mỏ quặng khá phức tạp, nhiều tay anh chị chọn làm nơi kiếm ăn, mà điển hình là trùm giang hồ Luận "sẻ" đã bị bắt cách đây không lâu.
Liên tiếp phá nhiều vụ án ma tuý lớn
Đường dây ma tuý này được Công an huyện Kinh Môn phát hiện từ nửa năm nay. Các đối tượng có dấu hiệu vận chuyển ma túy đá từ biên giới về tiêu thụ tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương… Chúng không dùng một phương tiện cố định khi vận chuyển ma tuý mà thường xuyên thuê ô-tô khác nhau, di chuyển liên tục để tránh bị phát hiện.
Thông tin trinh sát nắm được, các đối tượng sử dụng vũ khí nóng, sẵn sàng "mở đường máu" nếu bị Công an quây bắt và không ngại ngần "xử" đồng bọn khi xảy ra mâu thuẫn tiền bạc hoặc phát hiện có kẻ phản bội.
"Để bắt quả tang là việc cực khó khăn. Vì kẻ cầm đầu không bao giờ lộ diện, chúng chỉ bỏ tiền thuê người vận chuyển là những gã nghiện hút, đời không còn gì để mất. Chúng cũng thường xuyên thay đổi giờ giấc, địa điểm giao hàng nên anh em càng quyết tâm phải phá án bằng được" - Trung tá Phạm Chí Hiếu cho biết.
|
Trung tá Phạm Chí Hiếu - Trưởng Công an huyện Kinh Môn, Hải Dương. |
Ngày 7/9, ba mũi trinh sát thuộc Công an huyện Kinh Môn chia ba chốt, với nhiệm vụ bắt quả tang các đối tượng đang vận chuyển ma tuý. Mũi thứ nhất có mặt ở Lạng Sơn, trực tiếp nắm tình hình, cung cấp những thông tin quan trọng để các mũi khác kịp thời triển khai phương án đối phó. Mũi thứ hai bám theo đối tượng vận chuyển và mũi thứ ba phục tại địa điểm dự kiến chúng sẽ tổ chức giao hàng.
Khi chiếc xe khách vừa dừng lại, có một hành khách trên xe tỏ thái độ hốt hoảng, bối rối khi bị tổ công tác áp sát. Thoạt tiên, gã định ném đi chiếc ba lô mang theo nhưng hành động của gã quá chậm so với sự chủ động từ trước của các trinh sát. Kẻ vận chuyển ma tuý thuê khai tên là Đàm Văn Nít, SN 1986, quê ở xã Thanh Long, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn, bị bắt quả tang khi đang mang theo 3kg ma túy đá đựng trong ba lô.
Trung tá Phạm Chí Hiếu trầm ngâm: "Đối tượng Nít nghiện ma tuý, nếu chuyến này trót lọt, anh ta sẽ được trả công 10 triệu đồng. Những con nghiện như Nít không thể kiếm đủ tiền để thỏa mãn cơn nghiện nên không còn cách nào khác là phải đi xách thuê ma tuý. Bị bắt vào trại, Nít khóc rất nhiều vì ân hận".
Trước đó, vào cuối tháng 8/2016, Công an huyện Kinh Môn cũng đã triệt phá thành công vụ buôn bán, sản xuất ma túy tổng hợp và tàng trữ súng quân dụng. Từ việc bắt quả tang hành vi vận chuyển trái phép chất ma tuý của Bùi Đình Trung, Công an đã tìm ra một kẻ chuyên điều chế ma tuý. Đó là Trần Ngọc Quỳnh, SN 1980, quê ở Kinh Môn.
Quỳnh sinh sống ở Tây Nguyên, làm nghề lái xe tải đường dài. Dù trình độ văn hoá có hạn, nhưng Quỳnh đã tự lên mạng tìm hiểu cách điều chế ma tuý tổng hợp và khi thành công, anh ta đã giao cho Trung mang đi tiêu thụ. Thường xuyên mang theo bên người khẩu súng quân dụng để phòng thân, Quỳnh tỏ ra rất tự tin với "nghề tay trái" của mình.
Khi khám xét nhà Quỳnh, cơ quan Công an thu được một khẩu súng ngắn, ba viên đạn, một số ma túy tổng hợp dạng bột và nhiều dụng cụ điều chế tổng hợp. Công thức điều chế ma tuý của Quỳnh rất đơn giản, chỉ gồm một số loại thuốc Tây dễ mua như thuốc cảm, thuốc ho...
Số tân dược này, Quỳnh xay nát rồi trộn với methadone, ma túy đá và ketamin. Sau đó, Quỳnh cho vào dụng cụ nén thành viên và mang đi sấy khô để bán cho khách.
Chuyện thu phục nhân tâm
Vùng đất Kinh Môn được coi là vùng đất dữ, nằm tiếp giáp với Quảng Ninh, Hải Phòng. Trung tá Phạm Chí Hiếu nói: "Nơi đây có nhiều tuyến đường bộ, đường thủy qua lại thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội. Song đây cũng là những điểm có ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình an ninh trật tự (ANTT) của huyện.
Đi đôi với sự phát triển kinh tế là sự hình thành các cụm công nghiệp đã kéo theo những hệ lụy về môi trường, về lao động cư trú trong đó có người nước ngoài, việc thông thương, đi lại… tạo những áp lực lớn trong công tác quản lý người nước ngoài. Sự gia tăng đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng đã làm nảy sinh những vấn đề phức tạp về thu hồi đất, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp liên quan gây mất an ninh nông thôn, an ninh kinh tế.
Tình hình của các loại tội phạm diễn biến phức tạp, nếu không có biện pháp quản lý sát sao sẽ rất khó kiểm soát được địa bàn".
Dù quản lý một địa bàn được đánh giá là "nóng", nhưng với bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ sắc bén, các thế hệ lãnh đạo Công an huyện Kinh Môn đã thể hiện được bản lĩnh của người chiến sĩ Công an khi đương đầu với các loại tội phạm nguy hiểm. Nhận nhiệm vụ Trưởng Công an huyện từ tháng 6-2015, thừa hưởng truyền thống từ lãnh đạo tiền nhiệm, lại trưởng thành từ lính hình sự, nên chất "thép" trong con người anh luôn có cơ hội phát huy.
Do làm tốt công tác quản lý địa bàn, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội, trong năm 2015, phạm pháp hình sự giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2014, tỷ lệ điều tra khám phá án đạt cao; riêng án đặc biệt nghiêm trọng đạt 100%.
Tốt nghiệp Đại học Cảnh sát nhân dân, chàng trai quê xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương - Phạm Chí Hiếu chính thức bước vào công tác trong ngành Công an từ tháng 7-2000. Đến nay anh đã kinh qua nhiều nhiệm vụ và hiện được tín nhiệm giao giữ trọng trách là người đứng đầu Công an huyện.
|
Trung tá Phạm Chí Hiếu (giữa). |
Niềm say mê, tâm huyết với nghề cộng với những tố chất, sự nhạy bén, linh hoạt trong công việc đã giúp anh cùng đồng đội điều tra, khám phá nhiều vụ án hình sự phức tạp, triệt phá nhiều băng nhóm, tổ chức nguy hiểm...
"Nếu không phải truy bắt tội phạm mà động viên gia đình họ đưa con em ra trình diện trước pháp luật là phương án tối ưu chúng tôi thường áp dụng. Vận động được một đối tượng ra đầu thú, tức là anh em trinh sát không phải tốn công sức, thời gian. Bởi thế, chúng tôi đặc biệt chú trọng phương thức này trong quá trình bắt giữ tội phạm" - Trung tá Phạm Chí Hiếu chia sẻ.
Cách đây không lâu, do mâu thuẫn trong việc nợ nần tiền bạc, Nguyễn Văn Tân đã cãi vã với anh Bùi Văn Mạnh (45 tuổi) và anh Nguyễn Văn Huyên (41 tuổi) cùng ở thôn Nghĩa Vũ, xã An Sinh, huyện Kinh Môn.
Vì bênh cậu, Hoàng Văn Tỉnh (25 tuổi, trú tại thôn Hiệp Hạ, xã Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn) đã dùng dao chém anh Mạnh và anh Huyên khiến anh Huyên tử vong, còn anh Mạnh thì bị thương nặng. Sau khi gây án, Tỉnh đã bỏ trốn.
Khi trực tiếp đến nhà vận động đối tượng ra đầu thú, anh Hiếu nắm được thông tin, hai dòng họ (của hai bên) đang ngấm ngầm nuôi ý định trả thù nhau. Nếu không vận động, giáo dục, thuyết phục thì rất dễ nảy sinh tình huống xấu. Và cuối cùng, bằng sự chân thành phân tích thấu tình đạt lý, Trung tá Hiếu đã thuyết phục được gia đình đưa đối tượng đến cơ quan Công an đầu thú, khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, chấm dứt được hoàn toàn mâu thuẫn âm ỉ giữa hai bên gia đình đối tượng và nạn nhân.
"Nếu điều tra án mà chỉ dùng các bài học lý thuyết thì mới chỉ đạt 50 phần trăm" - Trung tá Phạm Chí Hiếu nói. Thực tế có những vụ án xảy ra, nếu cán bộ điều tra không tỉ mỉ, đi đến tận cùng gốc rễ vấn đề thì chưa chắc đã nắm được bản chất của vụ việc.
Đôi khi, bản lĩnh nghề nghiệp và sự linh cảm đặc biệt giúp anh phá án thành công. Đó là một vụ tai nạn giao thông xảy ra cách đây 5 năm, trên địa bàn huyện Cẩm Giàng. Hai đối tượng ngồi trên chiếc xe ô-tô gây tai nạn không ai chịu nhận là người cầm lái. Chiếc xe của họ đã đâm vào một cán bộ Công an gây tử vong.
Suốt 3 ngày đấu tranh với hai đối tượng, một là ông Tiến sĩ ngành Luật, hai là một sinh viên vừa tốt nghiệp trường Luật (họ là thầy trò, nhưng cả hai đổ vấy cho nhau), đều là những kẻ nhiều chữ, thật không đơn giản chút nào. Cuối cùng, Phạm Chí Hiếu đã khiến kẻ trực tiếp cầm lái phải tâm phục khẩu phục, đó chính là ông thầy Tiến sĩ, còn cậu thanh niên vừa ra trường kia vô can.
Hỏi anh có bí quyết gì khiến ông thầy dạy luật phải cúi đầu thừa nhận, Trung tá Phạm Chí Hiếu chia sẻ: "Đôi khi phải dùng nhân tâm thuyết phục họ. Tôi đã không hỏi gì về vụ án, tôi chỉ trò chuyện với ông Tiến sĩ về các câu chuyện nhân văn, về tình đời, tình người. Dù có là một giang hồ cộm cán hay một ông giáo sư tiến sĩ, kiến thức đầy mình thì họ cũng khó có thể dối trá khi buộc phải trực diện với chính lương tâm mình".
CATP Hà Tĩnh