Những ngày qua, trang “Luật Khoa tạp chí” do nhóm đệ tử VOICE là Trịnh Hữu Long, Phạm Thị Đoan Trang điều hành khởi xướng việc vận động ký tên vào thư gửi ôngMark Zuckerberg - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Facebook, chất vấn và yêu cầu ông này phải công khai có thực hiện các quy định được nêu trong Luật An ninh mạng Việt Nam hay không, đồng thời xuyên tạc “đạo luật này tương tự với Luật An ninh mạng Trung Quốc, trực tiếp đe doạ tới quyền riêng tư và tự do ngôn luận của người dùng Việt Nam” và viện dẫn các phản đối luật này của tổ chức HRW, Ân xá quốc tế nhằm gây áp lực tới ông chủ Facebook, lu loa Facebook “hợp tác với chính phủ và phản bội người dân Việt Nam”. Điều đáng nói nhất là nhóm Luật Khoa tạp chí này thể hiện tư tưởng cực đoan của một vài cá nhân nhưng lại nhân danh “hơn 50 triệu người sử dụng Việt Nam” nhằm “uy hiếp” ông chủ Facebook phải cân nhắc lợi hại trong việc tuân thủ Luật An ninh mạng của Việt Nam hay không. Trước khi dự luật này được thông qua, trang “Luật Khoa tạp chí” này là một trong số những trang mạng đi đầu đăng tải các bài viết xuyên tạc dự luật An ninh mạng, nói rằng dự luật này “sao chép Luật An ninh mạng của Trung Quốc” nhằm gieo hoang mang trong dân chúng rằng Nhà nước Việt Nam bị “lệ thuộc” vào Trung Quốc ngay trong tư tưởng làm luật và “để giữ lấy chế độ cộng sản, chính quyền bất chấp các giá trị nhân quyền”. Căn cứ là họ chỉ viện dẫn một số điểm tương đồng về chế tài trong dự luật để quy kết, trong khi không hề đếm xỉa đến thực tế dự luật này đã tham khảo rất nhiều quy định, chế tài của các nước đã ban hành văn bản luật về an ninh mạng tương tự và đã áp dụng hiệu quả như Nga, Mỹ, Đức… Nên nhớ, để xây dựng và ban hành một đạo luật, ban soạn thảo với các chuyên gia trong lĩnh vực này được thành lập với quy trình bắt buộc là tham khảo các quan điểm pháp lý, các đạo luật có liên quan của các nước trên thế giới được ban hành về lĩnh vực này ra sao, hiệu quả và hạn chế thực thi thế nào, các điều luật đã áp dụng ở Việt Nam có phù hợp, thực tế cần thay đổi gì… Có thể nói, Luật An ninh mạng đã được “thai nghén” hàng chục năm mới ra được một dự luật để trình Quốc hội và được nhiều cơ quan thẩm định trước khi đại biểu thảo luận. Bản thân dự luật đã được công khai trên báo chí, phương tiện truyền thông cả năm và tạo điều kiện cho giới chuyên gia, người dân quan tâm đóng góp ý kiến xây dựng, phản biện. Việc Luật An ninh mạng có tham khảo một số chế tài từ Luật An ninh mạng Trung Quốc cũng là điều dễ hiểu, bởi thực tế rõ ràng Trung Quốc là một trong số những nước đã triển khai các chế tài này nhiều năm trước, đem lại hiệu quả, đã có tiền lệ, góp phần giữ ổn định xã hội và tạo hành lang pháp lý để các công ty công nghệ, cung cấp dịch vụ mạng trong và ngoài nước chấp hành. Luật đã được thông qua với đại đa số đại biểu Quốc hội tán thành, được nhân dân ủng hộ, kể cả doanh nghiệp trong và ngoài nước chịu ảnh hưởng trực tiếp cũng hiểu và tuân thủ. Chỉ có những kẻ có quan điểm, tư tưởng thù địch lợi dụng việc này để “nhai lại” điệp khúc “dân chủ”, “nhân quyền” khi luật đã được thông qua. Nay, “Luật Khoa tạp chí” bấu víu vào sự phản đối của 2 tổ chức nước ngoài luôn có lập trường thù địch, chống Nhà nước Việt Nam và tiếm danh “hơn 50 triệu người dùng Việt Nam” hòng gây áp lực là đủ để thấy sự lươn lẹo cũng như thủ đoạn đánh lận, gian trá. Còn cái trò ký tên trực tuyến với người dùng ảo, mỗi người thực có thể tự lập hàng trăm tài khoản ảo để ký tên và không thể kiểm soát được người ký có phải là công dân Việt Nam hay từ xứ sở nào đó không gắn bó quyền lợi với dân tộc Việt Nam, một vài kẻ xấu có thể lên mạng giả chữ ký của cả nghìn, cả vạn người. Họ dựng con số ảo kia làm danh nghĩa “đại diện người dùng Facebook Việt Nam” mà hy vọng tạo được “số đông” để gây áp lực với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông nước ngoài để nhằm khiến họ phải cân nhắc thiệt hại. Xem ra những kẻ này đã quen sống ảo, đấu tranh ảo vốn chỉ có tác dụng lòe bịp người thiếu hiểu biết. Trên thực tế, trang “Luật Khoa tạp chí” và các nhóm “dân chủ mạng” Việt Nam đang phát động phong trào tẩy chay Facebook chuyển sang Minds và các mạng xã hội khác để trốn tránh chế tài của Luật An ninh mạng có hiệu lực từ 1-1-2019 tới đây, nhưng xem ra cuộc phát động này chẳng mấy người quan tâm. Hơn nữa, cổ suý điều đó cho thấy số này đang thất thế, bị chính người dùng Facebook tẩy chay khiến họ từ bỏ “vũ khí” lợi hại tiếp cận hàng chục triệu người dân Việt Nam vốn đã quen với Facebook để chuyển sang một “sân chơi hoang vắng” người sử dụng, thiếu thốn tính năng hấp dẫn người dùng và chưa có gì đảm bảo sẽ an toàn… Trò hề tiếm danh dân mạng Việt Nam không phải là lần đầu của đám đệ tử VOICE này, thực tế đây là chiêu bài cũ rích. Trước đây, nhóm Đoan Trang-Nguyễn Anh Tuấn khi đang học và làm công ăn lương ở VOICE năm 2013 đã khởi xướng nhóm “Mạng lưới blogger Việt Nam” và tổ chức chiến dịch ký tên vào “Tuyên bố 258” cũng tiếm danh dân mạng Việt Nam vận động các tổ chức nhân quyền nước ngoài, các đại sứ quán, chính phủ phương Tây gây áp lực buộc Nhà nước Việt Nam xóa bỏ Điều 258 khỏi Bộ luật Hình sự - một điều luật xử lý các hành vi lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm hại lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Khi đó, trên mạng Internet cũng đã hình thành phong trào “Phản bác Tuyên bố 258” do một nhóm sinh viên phát động, cũng sử dụng cách thức lấy chữ ký người sử dụng mạng xã hội ủng hộ Điều 258 BLHS nhằm vạch trần chiêu trò tiếm danh này của chúng. Bài học về sự thất bại của “phong trào Tuyên bố 258”, sự tan rã của nhóm “Mạng lưới blogger Việt Nam” và bị chính đồng bọn phơi bày động cơ và nhận thức sai lầm của những kẻ khởi xướng xem ra chưa khiến họ từ bỏ ảo tưởng và dã tâm chống phá.