Làm sao để tránh sập bẫy đa cấp và tín dụng "đen"
Từ hàng loạt vụ vỡ nợ, lừa đảo chiếm đoạt tiền thông qua các hình thức “tín dụng đen”, “mua bán hàng đa cấp”, “liên kết vốn kinh doanh”... đã cho thấy nhiều bất cập trong công tác phòng ngừa và xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp, quản lý tiền tệ thuộc sở hữu cá nhân...
Theo Sở Công thương Kon Tum, qua kiểm tra hoạt động kinh doanh đa cấp trên địa bàn cho thấy có 20 doanh nghiệp được Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp gửi thông báo hoạt động và đã có gần 2.000 người ở địa phương tham gia hoạt động mua bán này với số tiền gần 27 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động mua bán hàng đa cấp trên địa bàn không có văn phòng đại diện, không có chi nhánh nên cũng không có người đại diện chịu trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp về hoạt động mua bán hàng tại địa phương.
Hình thức kinh doanh chủ yếu của các doanh nghiệp là mua bán thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp và được hưởng “hoa hồng” (phần trăm), tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác mà không cần địa chỉ kinh doanh cố định...
Trong khi đó, trên địa bàn Gia Lai có tới 30 công ty hoạt động bán hàng đa cấp và cũng đã xuất hiện những trường hợp núp bóng kinh doanh để huy động vốn lừa đảo.
Tuy nhiên, mọi hoạt động kiểm tra giám sát kinh doanh của cơ quan Quản lý thị trường chỉ dừng lại ở việc phát hiện các sản phẩm hàng hóa buôn bán có đúng quy định hay không và xử lý hành chính là chủ yếu, còn việc điều tra xử lý về hành vi lừa đảo phải có sự vào cuộc một cách quyết liệt của cơ quan Công an.
|
Một trong số những nạn nhân bị lừa khi tham gia mua hàng đa cấp. |
Chính vì vậy mà khi phát hiện hành vi phạm tội của các đối tượng thì hậu quả thường gây thiệt hại lớn, nhiều bị hại không thể lấy lại được tiền đã góp vào cho các đối tượng lừa đảo.
Phó Giám đốc Sở Công thương Gia Lai Nguyễn Tấn Thành cho rằng, thủ đoạn của các công ty bán hàng đa cấp hoạt động biến tướng, bất chính với chiêu bài thổi phồng công năng, hiệu quả sản phẩm hàng hóa, sử dụng người thân, dòng họ để lôi kéo phát triển mạng lưới bằng các hình thức khuyến mãi, trả thưởng, trích phần trăm.
Một số đơn vị bán hàng đa cấp thông qua hội nghị, hội thảo, tư vấn chữa bệnh thay vì giới thiệu sản phẩm hàng hóa họ đã lồng vào việc tuyên truyền cách làm giàu nhanh chóng với những lời hứa giả dối để lừa người tham gia...
Trong khi đó, việc quản lý nhà nước không thể theo dõi giám sát toàn bộ hoạt động của các công ty kinh doanh đa cấp nên khó phát hiện và xử lý sai phạm một cách kịp thời.
Còn các hoạt động huy động vốn theo kiểu “tín dụng đen” trả lãi cao thông qua các hình thức nhận ký gửi hàng hóa, hoặc nhận vay tiền, hùn vốn kinh doanh... hiện cũng đang bị các đối tượng lừa đảo lách luật thông qua hoạt động tranh chấp dân sự là chủ yếu.
Theo các luật sư, nhiều vụ việc xảy ra khi doanh nghiệp, các cá nhân huy động vốn tự ý thông báo vỡ nợ, mất khả năng trả nợ giả tạo để cấn tài sản với giá cao trục lợi hoặc kéo dài thời gian không trả nợ nhằm chiếm đoạt tiền mà pháp luật hình sự không thể xử lý được.
Thực tế, nhiều vụ vỡ nợ dưới các hình thức ký gửi hàng hóa hoặc vay mượn tiền phần lớn người bị hại đều không có hợp đồng giao nhận hàng cụ thể, không có quy định bảo quản, xử lý hàng gửi, tiền gửi, không có ngày hứa hẹn trả hàng, tiền... nên khiến người bị hại đã tự nguyện trao quyền rất lớn về định đoạt tài sản, tiền gửi của họ cho phía đối tượng nhận gửi, huy động vốn mà pháp luật hình sự không điều chỉnh. Đây cũng chính là kẽ hở pháp luật được các đối tượng chiếm dụng vốn tận dụng triệt để nhằm không trả nợ...
Vấn nạn “tín dụng đen” hay huy động vốn trả lãi suất cao, bán hàng đa cấp biến tướng ngày càng biến thái, tạo vỏ bọc bằng nhiều hình thức tinh vi nhằm đánh lừa người tham gia để chiếm đoạt tiền và gây nên những hậu quả đau lòng, gây nhiều bất an cho xã hội.
Vì vậy, các cơ quan chức năng địa phương kiến nghị cần thiết phải sửa đổi bổ sung Nghị định số 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và Thông tư số 24/2014/TT-BCT của Bộ Công thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định 42 theo hướng bổ sung chế tài nhằm quản lý chặt chẽ hơn đối với các doanh nghiệp và người tham gia kinh doanh đa cấp; tăng cường trách nhiệm quản lý cho địa phương để thực hiện chức năng quản lý, xử phạt vi phạm một cách kịp thời, hiệu quả.
Mặt khác, cần có quy định pháp luật chặt chẽ trong việc huy động góp vốn đối với các tổ chức, cá nhân, không để tình trạng lừa đảo chiếm dụng vốn tiếp tục xảy ra tràn lan như hiện nay.
Đại tá Phan Anh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Gia Lai cho biết, căn cứ quy định của pháp luật và từ kinh nghiệm công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm kinh tế trong thời gian qua, rút ra một số dấu hiệu để người dân nhận biết kinh doanh đa cấp biến tướng, lừa đảo như: Doanh nghiệp không có Giấy chứng nhận đăng ký bán hàng đa cấp do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cấp và được Sở Công thương thông báo cho hoạt động; doanh nghiệp kinh doanh không được yêu cầu người tham gia phải đặt cọc, ký quỹ hoặc mua một số lượng sản phẩm nhất định hay phải trả tiền (mua các gói đầu tư) để được tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp;
doanh nghiệp không có cam kết mua lại hàng hóa trong thời gian luật định (30 ngày) và không mua lại với số tiền tối thiểu là bằng 90% giá sản phẩm ở thời điểm bán. Hàng hóa đó chất lượng kém hoặc không có giá trị sử dụng hoặc giá quá cao so với sản phẩm tương đương đang bán trên thị trường...
Các đối tượng lừa đảo cũng thường phớt lờ hoặc che giấu việc sử dụng tiền của bạn như thế nào để đạt lợi nhuận cao, che giấu dưới chiêu bài "đầu tư bất động sản" hoặc đó là "bí mật kinh doanh"...
Thực chất, cái gọi là lợi nhuận ấy chính là thủ thuật lấy tiền người đến sau trả cho người đến trước vì không có ngành kinh doanh hợp pháp nào có lợi nhuận cao như họ vẽ ra.
CATP Hà Tĩnh