Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

“Làng nổi” hết “treo niêu”!

Bốn bề nước bao phủ quanh năm, thiên tai thường xuyên tàn phá, nhưng thôn Hồng Lam, xã Xuân Giang (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) lại có sức sống dẻo dai đến phi thường. Người dân yêu lao động quanh năm chân lấm tay bùn, mùa nào nghề nấy mưu sinh không ngưng nghỉ. Nhịp sống ngày mới đều đặn được cất lên bằng không khí làm việc hối hả, khẩn trương trên khắp các cánh đồng, ruộng vườn, bến bãi…

“Ốc đảo” Hồng Lam nằm khiêm nhường giữa dòng sông Lam, quanh năm nước phủ, được bao bọc bởi những rặng tre, bãi bần, cây đước, ruộng cói và những cánh đồng đất đai phì nhiêu. Là một cù lao luôn phải đương đầu với sóng gió, mưa bão nên Hồng Lam còn mang cả dư âm của những mất mát, khổ cực trong quá khứ lẫn hơi thở của một sức sống quật khởi để thoát khỏi cái đói, cảnh nghèo và vươn tới cuộc sống ấm no.

Từ bao đời, người dân nơi đây vẫn luôn gắn bó thủy chung với ruộng đồng, sông nước. Dẫu vậy, từ xưa, đây vẫn là vùng quê nghèo, chịu nhiều bất hạnh do thiên tai gây ra. Trong ký ức của nhiều người, cách đây chưa lâu, làng này còn nghèo lắm bởi mỗi gia đình có tới năm bảy miệng ăn nhưng chỉ trông chờ vào từng mớ tôm, con cá, lương thực cả làng phải ăn đong vì đất không thể trồng lúa, sản xuất chỉ dựa vào mấy sào ruộng khoán được mất do trời. Đã thế, mùa mưa bão, cả làng phải “treo niêu”, tìm đủ mọi cách ứng phó.

Họ vẫn nhớ như in các trận lũ lịch sử đã từng tàn phá qua làng, khiến nhiều gia đình trắng tay phải bỏ xứ mưu sinh. Thế nhưng, với sức sống quật khởi, 182 hộ với 570 khẩu còn bám trụ lại với Hồng Lam hôm nay đã biến sự khắc nghiệt của thiên tai, khó khăn về vị trí địa lý thành động lực để vươn lên. Những người nông dân chất phác đã lấy tình yêu lao động, sự cần cù để chèo chống...

lang noi het treo nieu

Chăn nuôi không ngừng gia tăng thu nhập cho người dân "ốc đảo"

Để tránh thiệt hại do thiên tai gây ra, cứ đến vụ mùa thì người dân nơi đây đều phải quyết làm xong mới nghỉ. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, hiện nay, toàn bộ diện tích sản xuất của thôn đều được canh tác hết, không khoảnh nào bị bỏ hoang. Vào những ngày mùa, bà con sẵn sàng rọi đèn pin để nhổ lạc, cắt và chẻ cây cói đến tận 10h đêm, nhưng mới 3h sáng, họ đã ra đồng. Năm này qua năm khác, từ tháng giêng đến tháng 4, tất cả già trẻ, trai gái đều có mặt trên cánh đồng lạc rộng 100 ha. Từ tháng 5 đến tháng 8, cả làng tập trung chăm sóc 45 ha ruộng cói. Thời gian còn lại thì chăn thả trâu bò, thả lưới, quăng chài, đánh cá, đăng rươi, đắp đê ngăn lũ, cải tạo vườn tược.

Những năm gần đây, trong thôn đã có những hộ đạt 3,5-4 tấn lạc/vụ, còn lại hầu như nhà nào cũng trên 1 tấn. Ngoại trừ những hộ già cả, còn lại đều chăn nuôi trâu, bò, trong đó có những hộ nuôi đến hơn 20 con, đưa tổng đàn trâu, bò lên gần 600 con. Ngoài những mớ tôm, con cá hàng ngày thì vào mùa rươi, có năm cả thôn trúng đậm “lộc trời” cả tỷ đồng. Dẫu đang còn vất vả nhưng thu nhập bình quân đầu người năm nay của người dân đã đạt gần 30 triệu đồng, hộ nghèo chỉ còn chục hộ, đời sống văn hóa, tinh thần đã được cải thiện rõ rệt...

lang noi het treo nieu

Đàn trâu qua sông trở về nhà sau một ngày ăn no, tăm mát

Bỏ dở buổi thu hoạch cói, Trưởng thôn Nguyễn Thế Lục dẫn chúng tôi đi khắp làng để “khoe” những tín hiệu vui, sự thay da đổi thịt của một làng quê sông nước. Những tuyến đường bê tông ngang dọc chạy quanh xóm, những nếp nhà khang trang, cánh đồng cói tươi tốt, lạc đầy bồ, trâu bò đầy chuồng, gà vịt khắp vườn...

Qua cánh đồng cói xanh mướt, Trưởng thôn Lục hồ hởi: “Cói là loài cây được thiên nhiên ban tặng riêng cho vùng này và trong mấy năm gần đây chưa có năm nào được cả mùa lẫn giá như năm nay. Theo ước tính, mỗi sào cói có thể thu hoạch từ 4,5-5 tạ và hiện nay bà con đang ngày đêm gấp rút thu hoạch để tránh lũ, còn việc tiêu thụ thì tư thương Thanh Hóa sẽ tìm đến tận nhà mua, có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu. Mỗi tạ cói có thể cho thu nhập 700 ngàn đồng, đủ để người dân trang trải cuộc sống thường ngày cho những tháng mưa lũ và dôi dư tích lũy; cá biệt, có những hộ làm giàu từ loại cây này như hộ anh Hồ Văn Tuế, Ngô Kim Huyên, Đinh Trí Tuệ...”.

Chia tay “ốc đảo” khi nắng chiều gần tắt, đàn trâu, bò về nhà đi chật đường quê và những người nông dân cần cù đang miệt mài lao động trên đồng ruộng, chúng tôi như vui lây với không khí lao động hăng say và tinh thần vươn lên vì một ngày mai ấm no, tươi sáng hơn của người dân nơi đây...

Trọng Tín/ Theo Báo Hà Tĩnh

CATP Hà Tĩnh