Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Nghệ An: Lặng thầm góp chiến công
Mỗi vụ án được khám phá, mỗi hành vi phạm tội bị vạch trần là hành trình ghi dấu chiến công của những chiến sỹ Công an trên các mặt trận “nóng bỏng” như hình sự, kinh tế, ma túy… Thế nhưng, góp phần làm nên chiến công đó, ít ai biết tới dấu ấn thầm lặng của những người lính Kỹ thuật hình sự (KTHS). Tuy không phải là lực lượng đấu tranh trực diện với tội phạm, lại ít được xướng tên, vinh danh nhưng với trình độ nghiệp vụ tinh thông và cái tâm với nghề, họ đã “bắt” những sự vật tưởng chừng như vô tri trở thành bằng chứng “sống”, góp phần định hướng cho cơ quan điều tra trong quá trình khám phá các vụ án.
CBCS Phòng KTHS Công an tỉnh phân tích kết quả giám định ma túy |
Lần theo dấu vết…
Trong khoa học hình sự, hiện trường vụ án được xem như chân dung vụ án. Bởi vậy, 100% các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc có tính chất phức tạp đều phải tổ chức khám nghiệm hiện trường (KNHT). Cùng với lực lượng “đứng mũi chịu sào”, chịu trách nhiệm điều tra như Hình sự, Kinh tế, Ma túy, “cánh” lính KTHS là những người có mặt sớm nhất tại địa điểm xảy ra vụ việc. Tại đây, số dấu vết đủ yếu tố giám định, các vi vết và cả những dấu vết ẩn sẽ được thu thập, khai thác triệt để nhằm phục vụ công tác truy tìm danh tính thủ phạm.
Có nhiều vụ việc, hiện trường gần như không lưu lại dấu vết nào của hung thủ, mà theo cách gọi của cánh lính hình sự là “án mờ”. Lúc này, hành trình lần tìm chứng cứ của các anh lại khó khăn, vất vả gấp bội. Gian nan của CBCS KTHS nói chung, CBCS Đội KNHT nói riêng không chỉ có vậy. Lên đường “đánh án” bất kể ngày đêm, lễ, Tết, luôn “đến trước, về sau”, thậm chí cắm bản và “ăn núi, ngủ rừng” đã trở thành lẽ thường với họ. Thế nhưng, khó khăn khi được chuyển hóa thành quyết tâm thì sẽ được đền đáp xứng đáng. Việc khám phá nhanh nhiều vụ án, vụ cháy nổ nghiêm trọng trên địa bàn thời gian qua, trong đó công lớn thuộc về lực lượng KTHS là minh chứng sống động cho điều đó.
… “Giải mã” vụ án
Để một vụ án được khám phá thành công, đúng quy trình tố tụng, đảm bảo chính xác và không xảy ra oan sai, cùng với KNHT, công tác giám định các vật chứng, tang vật đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Đơn cử như với các vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên hoàn (nhiều loại phương tiện va chạm trực tiếp với nhau), các giám định viên phải tiến hành xác định dấu vết va chạm đầu tiên, các dấu vết va chạm tiếp theo trên các phương tiện, từ đó đưa ra căn cứ khoa học giúp cơ quan chức năng giải quyết kịp thời, khách quan, chính xác vụ việc. Sẽ là phiến diện khi nói rằng, giám định viên KTHS là những người quanh năm “mưa không tới mặt, nắng không đến đầu”, chỉ quẩn quanh với giấy tờ, ống nghiệm, máy móc… Bởi ngoài phần “tĩnh”, công việc của họ còn rất “động”.
Trên thực tế, giám định viên về ma túy có lúc còn kiêm chức danh trinh sát trong các vụ đánh án ma túy, giám định viên cháy nổ phải tỉ mẩn truy tìm dấu vết trong cái nóng hầm hập của đám cháy chưa được dập tắt, giám định viên sinh học lại tất tả có mặt tại hiện trường các vụ án mạng. Về lĩnh vực giám định cháy, nổ, với các giám định viên, điểm xuất phát cháy chính là “chìa khóa vàng” trong điều tra vụ việc.
Theo đó, họ phải khai thác đồng thời cả 2 hệ thống dấu vết tại hiện trường: Đặc trưng của cháy (vết cháy dang dở, hóa than, tàn tro, vết rạn nứt…) và không đặc trưng (dấu vết của nhân tố trực tiếp gây ra cháy), có thể là con người hoặc các sự cố bất thường như chập điện, hàng hóa tự bốc cháy…, qua đó xác định rõ nguyên nhân và tính chất vụ việc.
Lực lượng KTHS phối hợp khám nghiệm hiện trường một vụ cháy trên địa bàn |
Giám định hàm lượng ma túy cũng là một trong những lĩnh vực mang nhiều dấu ấn của lực lượng KTHS Công an tỉnh nhà. Ngày 13/1/2016, Viện Khoa học hình sự có Công văn số 39/C54-P1 đồng ý phân cấp giám định hàm lượng chất ma túy cho Phòng KTHS Công an Nghệ An. Từ đó đến nay, công tác này đã hỗ trợ tích cực cho cơ quan tố tụng trong việc đưa ra căn cứ xét xử tội phạm ma túy đảm bảo “đúng tội”.
Đơn cử như vụ việc có dấu hiệu tàng trữ trái phép chất ma túy (33 viên hồng phiến có trọng lượng 3,145 gam) của lưu học sinh người Lào Souvanthone. Với hành vi trên, căn cứ Khoản 1, Điều 194, Bộ luật Hình sự, Viện KSND tỉnh đề nghị mức án từ 6 - 9 tháng tù cho Souvanthone. Tuy nhiên, quá trình giám định hàm lượng ma túy, lực lượng KTHS Công an tỉnh đưa ra kết luận: Trong 33 viên hồng phiến chỉ chứa 0,4 gam ma túy tinh chất. Đây là căn cứ mang tính quyết định để HĐXX đi đến tuyên bố: Với trọng lượng ma túy tinh chất trên, bị cáo chưa phải chịu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính.
Trên thực tế, với những loại ma túy “truyền thống”, những giám định viên lành nghề có thể nhận biết bằng mắt thường, mà theo cách gọi của họ, đó là “cảm quan nghề nghiệp”. Thế nhưng, gặp những loại ma túy mới, việc xác định rõ thành phần, hàm lượng, định lượng không chỉ yêu cầu nghiệp vụ tinh thông mà còn cần đến sự tỉ mẩn, kiên trì. Cũng từ những mẫu tiền chất và các tang vật liên quan thu giữ tại hiện trường và trong thành phẩm, trong nhiều trường hợp, cơ quan giám định còn có khả năng “tái hiện” quy trình, phương pháp chế xuất những loại ma túy này; qua đó góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh với tội phạm liên quan đến “cái chết trắng”.
Với bất cứ mẫu giám định nào, cán bộ giám định cũng phải tuân theo quy trình nghiêm ngặt để tránh sai sót kỹ thuật. Bởi kết quả giám định chính là bằng chứng buộc tội hoặc gỡ tội. Cũng như KNHT, giám định viên KTHS phải thường xuyên làm việc trong môi trường độc hại, trong khi điều kiện bảo hộ còn nhiều hạn chế. Bởi thế, ngoài cái tâm với nghề, “cánh” giám định còn phải thật sự yêu nghề thì mới giải mã dấu vết, bắt những hình ảnh, âm thanh, dữ liệu phải “nói lên sự thật”.
Xuất phát từ đặc thù công việc, quá trình KNHT và giám định luôn được các CBCS Phòng KTHS Công an tỉnh thực hiện đúng quy trình, quy định của ngành và của pháp luật. Do đó, các kết luận khám nghiệm, giám định của đơn vị luôn đảm bảo chuẩn xác, khách quan, phục vụ hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn.
Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiến hành KNHT 315 vụ, tăng 70 vụ so với cùng kỳ năm 2015; tổ chức giám định 2.093 vụ việc, chủ yếu là giám định ma túy (1.185 vụ), giám định pháp y (312 vụ)... với 12.852 yêu cầu, trên 9 lĩnh vực giám định, tăng 385 vụ, 7.661 yêu cầu so với cùng kỳ năm 2015.
Với sự nỗ lực và quyết tâm cao, trong năm, tập thể đơn vị 3 lần được UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh tặng Bằng khen, Giấy khen; 9 cá nhân được Tổng cục Cảnh sát, UBND tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh tặng Bằng khen, Giấy khen và nhiều lần biểu dương, khen thưởng.
Chặng đường gần 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng KTHS Công an tỉnh nhà đã trải qua nhiều khó khăn, thử thách, giờ đây yêu cầu công việc càng cao hơn khi tình hình tội phạm lợi dụng công nghệ cao, với nhiều thủ đoạn tinh vi để thực hiện hành vi phạm tội đang đặt ra nhiều thách thức cho công tác KTHS. Thế nhưng, tin tưởng rằng, khi khó khăn hóa thành quyết tâm, hành động, những người lính trên mặt trận không kém phần nóng bỏng này vẫn luôn “bền gan, vững chí”, lập thêm nhiều chiến công mà tập thể đơn vị đã và đang dày công gây dựng.
Hồng Hạnh/ Theo Báo Công an Nghệ An
CATP Hà Tĩnh