Liên quan đến nhận định “vi phạm của CQĐT": Đề nghị ĐBQH cung cấp nguồn số liệu
Tại phiên chất vấn sáng nay, 1-11, các số liệu và nhận định “vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp” do ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu ra đã làm “dậy sóng” nghị trường. Các đại biểu liên tục tranh luận và tranh luận lại để làm rõ nội dung này.
Đề nghị đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cung cấp nguồn số liệu
Trước đó, sáng 31-10, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, ông rất ủng hộ cuộc cách mạng trong lĩnh vực tinh gọn bộ máy Bộ Công an vừa qua, nhưng qua báo cáo thì mới thấy rằng, “vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp”.
Ông viện dẫn các số liệu: Không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho Viện kiểm sát 86%, xử lý tin tố giác quá hạn 99,76%, vi phạm trong tống đạt 100%...
|
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng |
“Tôi thấy đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng. Tôi đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an phải có thái độ hết sức nghiêm khắc đối với anh em trong cơ quan điều tra trong lĩnh vực này” – ĐBQH tỉnh Bến Tre nói.
Chiều cùng ngày, ĐBQH Vương Ngọc Hà (Hà Giang) đã tranh luận với đại biểu Nhưỡng về vấn đề này. “Tôi không đồng tình với cách đánh giá nói rằng sự sai phạm hiện nay là khủng khiếp. Vì điều này tác động tâm lý rất lớn đối với những cán bộ điều tra, cán bộ kiểm sát viên trong quá trình điều tra, làm rõ tội phạm” – bà nêu.
Nữ ĐBQH tỉnh Hà Giang đề nghị đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cung cấp nguồn của số liệu, vì qua đọc Báo cáo số 495 của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm, tại trang 20, đã xác định rất rõ về hiệu quả của công tác này. Đó là đấu tranh làm giảm 2,7% số vụ án hình sự và tỷ lệ điều tra khám phá đạt 81,33% và vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Cũng tại trang 21 đã xác định rất rõ tỷ lệ giải quyết tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị chưa khởi tố, chưa đạt chỉ tiêu đề ra là 87,2%/90%. Điều này được minh chứng rõ hơn ở trang 17 của báo cáo này. Đó là số tin báo tố giác đã giải quyết đạt tỷ lệ 87,2%. Có nghĩa là chưa đạt so với chỉ tiêu đề ra nhưng việc điều tra khám phá tội phạm lại vượt so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
|
ĐBQH Vương Ngọc Hà |
“Tôi rất mong muốn rằng, những nội dung chúng ta đưa ra ở đây vừa mong muốn các các bộ sẽ tiếp tục cải cách hơn nữa, chất lượng công tác điều tra khám phá tội phạm rõ hơn nữa nhưng cũng đồng thời phải là sự động viên với những kết quả đã đạt được, động viên tinh thần của các cán bộ chiến sỹ, bởi vì đây là nhiệm vụ rất đặc biệt và đôi khi còn phải đổ máu” – ĐBQH Vương Ngọc Hà bày tỏ quan điểm.
Sáng nay, 1-11, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An, ĐBQH tỉnh Nghệ An đã tranh luận với thông tin mà đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đưa ra.
Ông cho biết, từ hôm qua đến nay ông “liên tục nhận được điện thoại và tin nhắn của cử tri trong lực lượng Công an của tỉnh Nghệ An cũng như các nơi khác quan tâm đến phát biểu của đại biểu Nhưỡng”.
“Tôi đọc rất kỹ, đã kiểm tra lại và khẳng định tất cả số liệu này không đúng, không chính xác, đề nghị đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phát biểu nói rõ, nếu không cán bộ trong lực lượng Công an rất phân tâm”, ông nói.
Giám đốc Công an Nghệ An cũng thông tin, theo báo cáo của Viện kiểm sát thì số tin báo tố giác tội phạm kiến nghị khởi tố không thụ lý theo quy định của pháp luật là 87 trong số hơn 120.000 tin, số tin báo giải quyết quá hạn là 3.368 trong số hơn 120.000 tin (khoảng 2,8%).
“Còn nếu 100% không gửi các quyết định cho Viện kiểm sát, thì tôi nghĩ Viện Kiểm sát giám sát sẽ thế nào với hoạt động của cơ quan điều tra? Đây là những thông tin “dậy sóng”, tại nghị trường này đề nghị ĐBQH nói rõ cho cử tri, nhân dân cả nước hiều rõ”, ông nói.
|
ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu |
Giơ biển Q15 tranh luận lại, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cầm cuốn tài liệu có bìa màu vàng lên và cho rằng đã phải “ngồi tính toán chi li từng số %”. Ông cho biết, ông đã dựa vào phụ lục báo cáo đóng dấu mật và ở đây là so sánh tổng hợp số vi phạm pháp luật trong công tác tư pháp của các cơ quan tư pháp, so sánh giữa các cơ quan Kiểm sát, Toà án, Công an, thi hành án, giám định, công chứng…
“Nếu đại biểu muốn biết tôi sẽ tính toán và chuyển lại cho đại biểu. Tôi phát biểu ở đây không có định kiến nào và trên cơ sở các số liệu chính thức, không có số liệu ngoài luồng” – ông khẳng định.
Đại biểu có sự nhầm lẫn trong tính toán
Sau giờ nghỉ giải lao, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu tiếp tục giơ biển xin tranh luận lại để làm rõ vấn đề ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nêu. “Giờ giải lao tôi đã gặp đại biểu Lưu Bình Nhưỡng hỏi lại số liệu này, và tôi lên Cổng thông tin điện tử Quốc hội chụp lại bài phát biểu thì báo cáo Quốc hội, con số mà đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đưa ra thì không hề có trong phụ lục”.
Theo ông, đại biểu đưa ra theo tính toán của mình nhưng phương pháp của đại biểu là trong hơn 120.000 đơn mà cơ quan tố tụng đã thụ lý thì có 87 đơn chưa thụ lý, trong 87 đơn đó có 82 đơn Công an chưa thụ lý. Đại biểu lấy 82 chia cho 87 bằng 94%. Tiếp theo, xử lý tin quá hạn 3.368 thì lực lượng Công an có 3.360, đại biểu lấy 3.360 chia cho 3.368 bằng 99,7%.
|
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng giơ biển tranh luận lại |
“Tôi thấy rằng cách tính toán này có việc sau: Toàn bộ số liệu không phải là số liệu công bố chính thức của Viện Kiểm sát. Thứ hai là có sự nhầm lẫn trong bội số. Đại biểu phải lấy con số 87 này chia cho hơn 120 nghìn đơn thì mới ra tỷ lệ giải quyết sai như thế nào. So sánh trong 4 cơ quan thì Công an sai nhiều nhất, nhưng trong bài phát biểu không nói thế này, mà nói sai phạm kinh khủng, rất nghiêm trọng, đề nghị Bộ trưởng xử lý. Như thế này người ta hiểu sai mất rồi, tối thấy rất đáng tiếc” – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An phân tích.
Ông đề nghị ĐBQH và cử tri phải hiểu lại vấn đề này, nếu không cử tri cả nước lại thấy Công an sai phạm nhiều quá.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng lại giơ biển tranh luận nhưng chủ toạ phiên họp không đồng ý, bởi nguyên tắc là mỗi ĐBQH chỉ được tranh luận không quá hai lần.
|
ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng giơ biển tranh luận |
ĐBQH Q03 Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cũng định tranh luận tiếp với đại biểu Nhưỡng, nhưng do Chủ tịch Quốc hội đã nói vậy nên ông sẽ có tranh luận riêng với đại biểu.
Tuy nhiên theo ông, việc tranh luận tại hội trường này không chỉ là tranh luận giữa các đại biểu với các thành viên Chính phủ được chất vấn mà còn là vấn đề giữa Quốc hội và cử tri, đề nghị những vấn đề mà Chủ tịch Quốc hội giao cho các trưởng ngành trả lời thì ngoài ý kiến trả lời cần gửi thêm thông tin, cũng là thực hiện quyền giám sát của đại biểu.
“Riêng ý kiến của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị các cơ quan có liên quan như Uỷ ban Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao có thông tin chính thức về vấn đề này” – ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng nêu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, đây là vấn đề quá cụ thể, đề nghị các đại biểu không tranh luận tại hội trường để mất thời gian. “Ngày thứ hai không khí tranh luận rất sôi nổi, trao đi đổi lại để tìm ra sự đúng đắn, chân lý của vấn đề” – bà đánh giá.
CATP Hà Tĩnh