Lính xe tăng Việt Nam tại Nga: Cứ bắn thoải mái!
Thao trường là yếu tố cực kỳ quan trọng trong nhiệm vụ huấn luyện xe tăng, đặc biệt là kỹ năng sử dụng trang bị và vận dụng các nguyên tắc chiến thuật vào thực hành chiến đấu.
Nhận thức rõ điều đó, trong những năm qua quân đội ta đã xây dựng được một số thao trường cấp quốc gia như TB1, TB2, TB3.
Tại các quân khu và các đơn vị cũng có thao trường song với quy mô nhỏ hơn. Tuy nhiên, nói cho công bằng thì các thao trường này vẫn còn rất nhiều hạn chế, nhất là về diện tích.
Đặc biệt là mức độ nguy hiểm vẫn còn cao vì nhiều nơi còn xen kẽ với khu dân cư hoặc chiều cao “khối chắn” còn thấp…
Trong điều kiện đó, các thao trường huấn luyện của quân đội Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay luôn là niềm mơ ước của những người làm công tác huấn luyện của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những yêu cầu cơ bản đối với một thao trường huấn luyện
Để đảm bảo đáp ứng được nhiệm vụ huấn luyện bộ đội, các thao trường huấn luyện phải đạt được một số yêu cầu sau:
Có diện tích đảm bảo không gian huấn luyện: Nhìn chung, hoạt động huấn luyện quân sự thường liên quan đến trang bị kỹ thuật, trong đó có bắn đạn thật và sử dụng các lượng nổ thật như bom, tên lửa, lựu đạn, thủ pháo v.v… nên rất cần có một diện tích đủ lớn mới có thể triển khai huấn luyện được.
Có địa hình, địa vật phù hợp với nhiệm vụ chủ yếu của đơn vị: Phương châm huấn luyện bộ đội ta là “cơ bản, thiết thực, vững chắc”. Vì vậy, huấn luyện luôn phải bám sát nhiệm vụ chủ yếu của đơn vị. Muốn vậy, thao trường cũng phải phù hợp với đặc điểm đó.
Chẳng hạn: các đơn vị Hải quân thì thao trường phải gắn với biển đảo, các đơn vị biên phòng thì phải gắn với đồi núi v.v…
Áp dụng công nghệ cao vào mô phỏng mục tiêu, đánh giá thành tích: Để hoạt động huấn luyện được sinh động, gắn liền với thực tế chiến đấu rất cần có các thiết bị mô phỏng mục tiêu như máy ẩn hiện bia, xe bia vận động, mục tiêu bay…
Bên cạnh đó, việc đưa các thiết bị công nghệ cao vào đánh giá thành tích như máy báo bia tự động, máy đếm số đạn trúng… cũng giúp rút ngắn thời gian đồng thời khách quan, chính xác hơn.
Có các công trình huấn luyện được xây dựng bền vững, lâu dài: Để đảm bảo áp dụng công nghệ cao vào vận hành các thao trường rất cần có một hạ tầng cơ sở chắc chắn, bền vững như hệ thống điện, các hầm đấu nối điện, các bệ chắn đạn, hầm tránh đạn v.v…
Loại trừ tối đa các yếu tố tiềm ẩn mất an toàn: Với đặc điểm nhiều trường hợp sử dụng đến vũ khí và đạn thật như pháo, cối, tên lửa, đạn, bom, lựu đạn v.v… nên khả năng mất an toàn sẽ là rất lớn nếu không loại bỏ mọi yếu tố tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Ví dụ: Phải đưa hết dân ra khỏi khu vực thao trường; tổ chức canh gác chặt chẽ, thường xuyên; tính toán đầy đủ hiệu lực các vật che chắn; có phương án thu hồi và phá hủy các loại đạn, vật liệu nổ tại các khu vực riêng biệt.
Do nhiệm vụ huấn luyện là nhiệm vụ trung tâm trong thời bình nên đây là nội dung hoạt động thường xuyên, chiếm nhiều thời gian nhất của bộ đội. Chính vì vậy, để tiện cho công tác quản lý người ta phân cấp quản lý thao trường như sau:
Các thao trường cấp quốc gia. Ví dụ TB1, TB2, TB3
Các thao trường cấp quân khu: Là thao trường tổng hợp do các quân khu quản lý (trừ 3 quân khu có TB quốc gia). Có thể thực hành huấn luyện, diễn tập bắn đạn thật cho tất cả các đơn vị trên địa bàn quân khu.
Thao trường của các đơn vị (sư đoàn BB, các trung lữ đoàn quân binh chủng): do các đơn vị trực tiếp quản lý, thường sử dụng huấn luyện cơ bản các môn kỹ thuật chiến đấu, có thể bắn đạn thật bằng súng cỡ nhỏ…
Mặc dù đã có nhiều cố gắng song hệ thống thao trường của Quân đội nhân dận Việt Nam nhìn chung còn nhiều hạn chế, đặc biệt là về diện tích thường không đủ lớn, nhiều nơi còn xen kẽ với dân cư và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ còn ít.
Cứ bắn thoải mái
Trong khi đó, do điều kiện lãnh thổ mênh mông nên các thao trường huấn luyện của quân đội Liên Xô trước đây cũng như quân đội Nga hiện nay đều rất rộng lớn, hoành tráng.
Các thao trường cấp quốc gia thường có diện tích rộng hàng nghìn km2, có thể bắn thử tên lửa đất đối đất tầm gần, đất đối không các loại, pháo tầm xa… thậm chí còn cho phép thử các vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Các thao trường (thường gọi là Trung tâm huấn luyện – tiếng Nga: учебный центр) cấp quân khu cũng có diện tích hàng trăm km2.
Ngay cả tại quân khu Thủ đô Mas-xcơ-va là nơi đất chật người đông, mật độ dân cư cao so với toàn quốc song Trung tâm huấn luyện của họ cũng có diện tích khoảng vài trăm km2 và chỉ cách thành phố khoảng 60 km.
Trung tâm này ngoài việc bảo đảm huấn luyện cho các đơn vị thuộc quyền còn có nhiệm vụ bảo đảm huấn luyện cho các Học viện, nhà trường và các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng đóng trên địa bàn quân khu, trong đó có Kurxư Vư xtrel.
Để đảm bảo huấn luyện sát thực tế chiến đấu trong trung tâm này có đủ mọi loại địa hình, đồi núi có, sông hồ có, bình nguyên có… Trung tâm được phân ra thành nhiều phân khu chức năng.
Có các phân khu huấn luyện kỹ thuật cơ bản như bắn súng bộ binh, bắn pháo súng trên xe tăng, lái xe tăng, bắn và lái trên xe chiến đấu của bộ binh v.v… Có các phân khu để tập chiến thuật các cấp. Có phân khu chuyên để diễn tập thực binh có hoặc không bắn đạn thật đến cấp sư đoàn…
Không chỉ có chiều sâu lớn, tại đây khi huấn luyện thực hành bắn pháo xe tăng đều sử dụng một loại đạn sản xuất dành riêng cho huấn luyện. Đó là loại đạn có ngòi hẹn giờ tương tự như đạn pháo cao xạ. Đầu đạn sẽ tự nổ khi bay được 4-5 km.
Với loại đạn như vậy, khi xe hành tiến bắn nếu có lỡ “cướp cò” khi góc bắn của pháo đạt tầm bắn xa nhất (khoảng 30 km) thì cũng vẫn đảm bảo an toàn.
Chính vì vậy, khi tập bắn ở đây các giáo viên thường tuyên bố: “Các cậu cứ bắn thoải mái!”.
Ngoài việc có đủ diện tích và không gian phục vụ cho huấn luyện, với trình độ khoa học kỹ thuật quân sự ở trình độ cao của thế giới các thao trường huấn luyện của Liên Xô trước đây và Nga hiện nay cũng được trang bị khá nhiều trang thiết bị hiện đại nhằm đảm bảo huấn luyện sát thực tế hơn, đồng thời để đánh giá kết quả huấn luyện cũng khách quan, chính xác hơn.
Diễn tập có bắn đạn thật – Hình thức huấn luyện gần với thực tế chiến đấu nhất và yêu cầu cơ bản của nó
Diễn tập là hình thức huấn luyện cao nhất nhằm rèn luyện cho người chỉ huy, cơ quan, đơn vị, các ngành về chuẩn bị và thực hành tác chiến, chuẩn bị và thực hành động viên, sử dụng trang bị, vũ khí, bảo đảm hoạt động tác chiến…
Căn cứ vào quy mô, mục đích, phương pháp tiến hành hoặc thành phần tham gia mà người ta phân ra nhiều loại hình diễn tập khác nhau.
Trong đó, diễn tập thực binh có bắn đạn thật được coi là hình thức diễn tập sát với thực tế chiến đấu nhất, có tác dụng bổ ích, thiết thực nhất nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu cho bộ đội.
Tuy nhiên, đây cũng là loại hình diễn tập mà công tác chuẩn bị cũng như tổ chức phức tạp nhất, khó khăn nhất, đòi hỏi sự cố gắng lớn của các thành phần tham gia.
Đặc biệt, do trong quá trình diễn tập có bắn đạn thật nên công tác tổ chức càng phức tạp hơn mới có thể đảm bảo an toàn về người và trang bị. Ngoài ra, nó cũng đòi hỏi rất cao về quy mô và diện tích của thao trường.
Với diện tích “khủng” và sự đa dạng của địa hình, các “Trung tâm huấn luyện” cấp quân khu của quân đội Liên Xô trước đây và quân đội Nga hiện nay có thể đảm bảo tổ chức diễn tập thực binh có bắn đạn thật đến cấp sư đoàn được tăng cường binh khí kỹ thuật trong các hình thức chiến đấu.
Đối với cấp quân đoàn trở lên sẽ tổ chức ở các thao trường cấp quốc gia.
Căn cứ vào nhiệm vụ chủ yếu của các đơn vị cùng với những điểm mạnh yếu phát hiện được trong quá trình huấn luyện hàng năm mà người ta xác định đề mục diễn tập cho từng đơn vị.
Một trong những đề mục diễn tập tạo được ấn tượng sâu sắc nhất về sức mạnh của hiệp đồng quân binh chủng và có tác dụng rèn luyện bộ đội cao nhất là: “Sư đoàn bộ binh cơ giới được tăng cường binh khí kỹ thuật tiến công vượt sông bằng sức mạnh”.
Mục tiêu giả định mà sư đoàn phải đánh chiếm là dải phòng ngự của đối phương được xây dựng kiên cố và ngăn cách bởi một vật cản tự nhiên là một con sông rộng hàng trăm mét.
Có thể nói đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn đòi hỏi sự hiệp đồng chặt chẽ đến từng chi tiết của các lực lượng tham gia tiến công mới có thể hoàn thành được.
Mở đầu cuộc diễn tập là màn hỏa lực chuẩn bị dội xuống mục tiêu và các lực lượng nằm trong chiều sâu phòng ngự của đối phương được tiến hành bởi lực lượng không quân cường kích và tên lửa chiến thuật.
Cùng lúc đó là các loại pháo phản lực và pháo trực tiếp nã đạn vào đầu cầu vượt sông. Những chớp lửa liên tục nháng lên cùng với những tiếng nổ đinh tai nhức óc vang xa hàng chục km cũng nghe thấy, khói bui bay mù mịt đất trời…
Trong khi đó, các lực lượng tham gia tiến công cơ động ùn ùn tiếp cận bờ sông. Đầu tiên là phân đội trinh sát cơ giới đi trên những chiếc xe thiết giáp bơi nước ĐM-2. Họ thận trọng quan sát tình hình rồi xuống xe xác định các bến vượt, bến lội và đánh dấu từng vị trí bằng các ký hiệu riêng.
Ít phút sau là các xe tăng bơi nước PT-76 và xe chiến đấu bộ binh BMP. Họ vừa đến là lao ngay xuống sông vừa bơi vừa bắn vào các mục tiêu trên bờ.
Tiếp đó, một đoàn hàng chục xe tải lớn của lực lượng công binh chở theo các thùng phao ào tới triển khai lắp đặt bộ cầu phao PMP tại bến vượt. Cạnh đó, lực lượng xe tăng hạng nặng tiếp cận bờ sông đang lắp đặt thiết bị lội ngầm.
Quân địch chống cự ác liệt, liên tục cho máy bay phản lực và trực thăng vũ trang xuất kích ngăn chặn. Lực lượng pháo phòng không tự hành ZSU23-4 vừa cơ động đến nơi đã nhanh chóng tổ chức trận địa bảo vệ các lực lượng tiến công khỏi sự đánh phá của không quân địch.
Sau chừng 15- 20 phút, các xe tăng bơi nước và xe chiến đấu bộ binh đã tiếp cận được bờ bên kia sông. Bộ binh lập tức rời xe nhanh chóng tảo thanh trận địa và đánh chiếm đầu cầu, tạo điều kiện cho các lực lượng khác vượt sông.
Lúc này, các xe tăng hạng nặng bắt đầu vượt sông bằng lội ngầm. Chỉ ít phút sau những chiếc xe tăng đã sang đến bờ bên kia, chúng nhanh chóng cắt bỏ thiết bị lội ngầm và ngay lập tức dẫn dắt bộ binh tiến công địch.
Hỏa lực pháo binh, tên lửa cũng chuyển làn vào sâu bên trong chiều sâu phòng ngự của địch. Lúc này, cầu phao cũng được triển khai xong, các thành phần còn lại của sư đoàn nối đuôi nhau qua cầu dưới làn đạn bảo vệ dày đặc của các khẩu đội pháo phòng không.
Đối phương chưa kịp hồi phục sau màn hỏa lực chuẩn bị đã bị tiến công áp đảo bởi xe tăng và bộ binh cơ giới nên nhanh chóng tan rã. Trận đánh kết thúc khi lực lượng xe tăng và bộ binh cơ giới làm chủ hoàn toàn mục tiêu, đồng thời chuyển sang tổ chức phòng ngự giữ vững trận địa.
Với những cuộc diễn tập như vậy đòi hỏi một sự chính xác đến cao độ trong hành động từ người chỉ huy, các cơ quan đến từng binh sĩ tham gia diễn tập.
Ngược lại, các cuộc diễn tập như vậy cũng là một cơ hội rèn luyện để mọi thành phần tham gia trưởng thành lên rất nhiều về mọi mặt, đảm bảo cho họ đủ khả năng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình khi tình huống chiến đấu thật xảy ra.
Tuy nhiên, yêu cầu về một thao trường để có thể thực hiện được đầy đủ các nội dung diễn tập như trên là cực kỳ cao.
Với sự quan tâm của Nhà nước, với sự phát triển của khoa học- công nghệ hy vọng trong một tương lai không xa hệ thống thao trường- trung tâm huấn luyện của Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ ngày càng hoàn thiện và hiện đại hơn.
Qua đó, đáp ứng tốt yêu cầu nâng cao chất lượng huấn luyện bộ đội, góp phần đắc lực nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội, cùng toàn dân bảo vệ vững chắc nền độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Nguồn : Soha.vn
CATP Hà Tĩnh