Lo an ninh, Chính phủ Mỹ “tẩy chay” phần mềm Nga Kaspersky
Việc Chính phủ Mỹ ngừng sử dụng phần mềm chống virus của Kaspersky Lab có thể dẫn tới sự trả đũa từ Tổng thống Nga Vladimir Putin...
[caption id="" align="aligncenter" width="500"] Một nhân viên Kaspersky Lab tại trụ sở công ty ở Moscow, Nga, tháng 7/2013 - Ảnh: Reuters.[/caption]
Chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày 13/9 yêu cầu các cơ quan Chính phủ Mỹ loại bỏ các sản phẩm của Kaspersky khỏi hệ thống mạng của mình, lo ngại rằng công ty an ninh mạng có trụ sở tại Moscow này có thể chịu ảnh hưởng của điện Kremlin và việc dùng phần mềm chống virus Kaspersky có thể gây phương hại đến an ninh quốc gia Mỹ.
Hãng tin Reuters cho hay, quyết định trên là một sự đáp trả mạnh mẽ đối với những gì mà các cơ quan tình báo Mỹ cho là mối đe dọa an ninh quốc gia từ Nga trong không gian mạng. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 đã bị phủ bóng bởi những cáo buộc cho rằng Moscow dùng các cuộc tấn công mạng nhằm xê dịch kết quả bỏ phiếu.
Một tuyên bố của Kaspersky Lab đã phủ nhận những cáo buộc của Washington, nói rằng các nhà phê bình đã diễn giải sai lệch về luật chia sẻ dữ liệu của Nga vốn chỉ áp dụng cho các dịch vụ truyền thông. “Không hề có bằng chứng xác thực nào được công bố bởi bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào, bởi những cáo buộc này chỉ dựa trên những thông tin sai lệch và đánh giá thiếu chính xác”, tuyên bố có đoạn viết.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) đã ra một chỉ thị yêu cầu các cơ quan liên bang nhận diện các sản phẩm Kaspersky trong hệ thống thông tin của mình trong vòng 30 ngày và bắt đầu dừng sử dụng các sản phẩm đó trong vòng 90 ngày.
Lệnh này chỉ áp dụng đối với các cơ quan dân sự trong Chính phủ Mỹ và không bao gồm Lầu Năm Góc. Tuy nhiên, giới tình báo Mỹ năm nay cho biết Kaspersky nhìn chung đã không còn được phép sử dụng trong hệ thống mạng quân sự nước này.
Trong tuyên bố đi kèm chỉ thị, DHS bày tỏ “lo ngại về mối quan hệ giữa một số lãnh đạo nhất định của Kaspersky với các cơ quan tình báo và Chính phủ Nga, và những quy định của luật Nga cho phép các cơ quan tình báo đề nghị hoặc yêu cầu sự giúp đỡ từ Kaspersky để xâm nhập vào các cuộc liên lạc đi qua hệ thống mạng của Nga”.
Tuyên bố viết tiếp: “Chính phủ Nga, dù tự hành động hoặc có sự cộng tác của Kaspersky, có thể lợi dụng sự tiếp cận mà các sản phẩm Kaspersky cung cấp để gây phương hại cho hệ thống thông tin liên bang. Điều này đặt ra nguy cơ đối với an ninh quốc gia Mỹ”.
Không chỉ gặp khó khăn với Chính phủ Mỹ, Kaspersky cũng đang đối mặt với sự nghi ngờ từ các doanh nghiệp Mỹ. Tuần trước, hãng bán lẻ hàng điện tử số 1 của Mỹ Best Buy tuyên bố dừng bán và sử dụng các sản phẩm an ninh Kaspersky tại các cửa hiệu và trên website.
Ông Rob Joyce, điều phối viên an ninh mạng Nhà Trắng, ngày 13/9 nói rằng chính quyền Trump đã đưa ra một “quyết định dựa trên rủi ro” khi yêu cầu dừng sử dụng các sản phẩm Kaspersky trong các cơ quan liên bang. Khi được hỏi liệu có bằng chứng cho thấy Kaspersky đã cung cấp thông tin tình báo cho Chính phủ Nga, ông Joyce đáp: “Khi đánh giá công nghệ của họ, chúng tôi nhận thấy đây là một rủi ro mà chúng tôi không thể chấp nhận”.
Một số chuyên gia an ninh mạng đã cảnh báo rằng việc Chính phủ Mỹ “tẩy chay” Kaspersky Lab có thể dẫn tới sự trả đũa từ Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Joyce nói Washington đã tính đến khả năng đó, nhưng vẫn cần phải ra quyết định cứng rắn để bảo vệ hệ thống của Chính phủ.
Ảnh hưởng tài chính của vụ việc này đối với Kaspersky Lab có thể là không đáng kể. Đây là một trong những công ty phần mềm chống virus lớn nhất thế giới, ra đời vào năm 1997 và hiện có hơn 400 triệu khách hàng trên toàn cầu.
Theo cơ sở dữ liệu hợp đồng liên bang Mỹ mà Reuters xem được, Chính phủ nước này mỗi năm chỉ chi vài trăm nghìn USD để mua sản phẩm của Kaspersky. Tuy nhiên, Kaspersky còn bán sản phẩm cho các nhà thầu liên bang và các công ty phần mềm bên thứ ba tích hợp sản phẩm Kaspersky vào sản phẩm của họ, bởi vệ công nghệ của Kaspersky có thể được sử dụng rộng rãi trong các cơ quan Chính phủ Mỹ hơn so với những gì thể hiện trên cơ sở dữ liệu hợp đồng.
Quyết định của chính quyền Trump được đưa ra giữa lúc Thượng viện Mỹ dự định bỏ phiếu trong tuần này về một dự luật chi tiêu quốc phòng bao gồm nội dung cấm sử dụng các sản phẩm của Kaspersky Lab trong các cơ quan Chính phủ Mỹ.
Thượng nghị sỹ Dân chủ Jeanne Shaheen hoan nghênh quyết định trên của chính quyền Trump. “Mối quan hệ chặt chẽ giữa Kaspersky Lab và điện Kremin là đáng báo động và đã được ghi chép đầy đủ trong các tài liệu”, bà Shaheen nói và bày tỏ hy vọng Quốc hội Mỹ sớm thông qua dự luật trên để củng cố quyết định của Chính phủ.
CATP Hà Tĩnh