Lợi dụng bất ổn ở Hồng Kông để xuyên tạc, kích động chống phá Việt Nam
Lợi dụng vào tình hình bất ổn ở ở Hồng Kông, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động đã có những suy diễn, xuyên tạc tình hình dân chủ ở Việt Nam...
Thời gian qua, cuộc biểu tình chống chính phủ ở Hồng Kông diễn ra hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Lợi dụng vào tình hình chính trị bất ổn ở đặc khu này, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động đã có những suy diễn, xuyên tạc tình hình dân chủ ở Việt Nam, kích động, cổ suý, tập hợp lực lượng, gia tăng chống phá hòng gây mất ổn định chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội trong nước.
Biểu tình ở Hồng Kông gây hậu quả nghiêm trọng
Biểu tình tại Hồng Kông khởi nguồn từphong trào chống dự luật dẫn độ - giọt nước tràn ly làm bùng phát hoàng loạt cuộc biểu tình kéo dài liên tiếp sang tháng thứ sáu. Mặc dù dự luật này đã được chính quyền Hồng Kông chính thức hủy bỏ để trấn an tình hình, tuy nhiên cuộc biểu tình chuyển sang vấn đề đấu tranh dân chủ và diễn biến hết sức phức tạp, gây ra tình hình bất ổn, xã hội hỗn loạn, nhiều lĩnh vực có thời điểm tê liệt, kinh tế bị suy giảm nghiêm trọng.
Trong tuần qua, Hồng Kông chìm trong biểu tình và đụng độ bạo lực. Nhiều trường đại học tê liệt, đã phải kết thúc học kỳ sớm. Sinh viên thuộc chương trình trao đổi với nước ngoài hối hả về nước. Ngành giáo dục cũng hủy các lớp học ở tất cả các trường trên toàn thành phố vài ngày qua. Trước đó, Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam cho biết, loại trừ bất kỳ phương án nhượng bộ nào với người biểu tình trong bối cảnh bạo lực leo thang. Bà này tuyên bố: “Đã nhiều lần nói rằng bạo lực không mang lại giải pháp, mà chỉ gây ra nhiều bạo lực hơn, việc nhượng bộ chỉ vì bạo lực đang leo thang sẽ khiến tình hình tồi tệ hơn. Mặt khác, chúng ta nên xem xét mọi biện pháp nhằm chấm dứt bạo lực”. Tình trạng đổ máu, thậm chí chết người đã xảy ra. Trong bối cảnh đó, chính quyền thể hiện các quán điểm cứng rắn, trong khi các cuộc biểu tình, bạo lực ngày càng gia tăng làm cho tình hình càng trở nên phức tạp.
Theo thông tin trên tờ South China Morning Post, Hồng Kông tiếp tục rơi vào suy thoái khi nền kinh tế suy giảm 3,2% trong quý III so với quý trước. Cục Thống kê Hồng Kông cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sơ bộ đã giảm 2,9% trong quý thứ ba, đây là suy thoái tồi tệ nhất trong một thập kỷ qua. Trên chuyên trang kinh tế của Bloomerrg, chuyên gia kinh tế Eric Lam và Enda Curran đánh giá: Các cuộc biểu tình kéo dài sẽ làm cho nền kinh tế Hồng Kông tăng trưởng âm trong năm 2019, thị trường việc làm bắt đầu suy yếu khi suy thoái kinh tế ngày càng sâu sắc, tình trạng bất ổn đã làm gián đoạn nghiêm trọng, có giai đoạn làm tê liệt đối với ngành dịch vụ, bán lẻ. Phân tích tình hình Hồng Kông thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng rất khó dự đoán các cuộc biểu tình sẽ còn kéo dài đến bao giờ và có kết quả đến đâu, chính quyền sẽ có giải pháp gì tiếp theo, nhưng rõ ràng tác động của nó đến đặc khu từng là trung tâm tài chính, dịch vụ hàng đầu châu Á và thế giới là hết sức bất ổn.
Mượn cớ suy diễn, xuyên tạc tình hình
Lợi dụng tình hình bất ổn ở Hồng Kông, thời gian qua, thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, bất mãn, phản động mượn cớ, liên hệ để suy diễn xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền Việt Nam.
Trên các đài BBC, RFA, VOA, các trang hải ngoại đăng tải nhiều bài viết liên hệ vấn đề Hồng Kông, các phần tử cơ hội chính trị, đối tượng núp bóng “xã hội dân sự”, “dân chủ”, “nhân quyền” trong và ngoài nước xuyên tạc rằng “chế độ độc tài toàn trị ở Việt Nam thì hoàn toàn không tự do, dân chủ”. Họ hô hào, tình hình ở Hồng Kông sẽ lan tỏa, rồi đưa ra những đánh giá có tính kích động như “càng đàn áp thì khao khát dân chủ càng lớn, mưu cầu tự do càng cao”, “tự do hay là chết”, “quyết tử cho tự do dân chủ”! Họ xuyên tạc nhà cầm quyền Việt Nam “không coi người dân ra gì”, rồi cáo buộc “chỉ nghĩ đến quyền lợi của đảng phái của họ mà thôi”. Vì vậy, trước những vấn đề xã hội, họ kích động người dân “noi gương Hồng Kông”, cần xuống đường biểu tình “đòi tự do, dân chủ, chống toàn trị”! Họ phân tích sự “im lặng” của giới trẻ Việt Nam rồi châm chọc, kích bác rằng, các bạn trẻ Việt Nam “phải mạnh dạn, không có gì lo sợ khi chính quyền đàn áp lúc tham gia các cuộc biểu tình” và rằng, nếu chúng ta không lên tiếng phản đối thì chúng ta không còn là chúng ta nữa, chúng ta sống nhưng chúng ta không có một cái quyền gì cả!
Cũng trong những ngày vừa qua, các phần tử phản động hải ngoại lưu vong của “phong trào giới trẻ thế giới vì nhân quyền” thông báo, kêu gọi giới trẻ tham gia Đại hội lần thứ 2 vào tháng 4-2020 tại Nhật Bản. Các đối tượng cầm đầu của tổ chức này âm mưu tập trung đầu tư, tạo điều kiện cho giới trẻ Việt Nam, đặc biệt là ở trong nước “thấu hiểu các nguyên tắc dân chủ, nhân quyền, tự do”, qua đó hướng dẫn cái gọi là “vượt thoát các ngục tù tư tưởng” do Đảng Cộng sản Việt Nam uốn nắn từ tuổi thơ qua hệ thống giáo dục “thui chột, một chiều”, tạo ý thức thế hệ trẻ về tình trạng dân chủ, nhân quyền Việt Nam. Theo thông báo, trong đại hội này có sự tham gia, hướng dẫn phương thức hành động của các diễn giả là những cá nhân đứng đầu phong trào biểu tình ở Hồng Kông để truyền bá kinh nghiệm, cách thức tổ chức biểu tình. Từ đó, họ thảo luận, tìm ra cách thức hành động, liên kết thành lập mạng lưới liên minh các đối tượng hoạt động trong nước và quốc tế núp bóng vấn đề “dân chủ, nhân quyền” để chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Những đối tượng “lựa gió bẻ măng”, lợi dụng vấn đề Hồng Kông để suy diễn, xuyên tạc tình hình Việt Nam đều là những phần tử có bề dày thành tích bất hảo chống đối trong nước, phối hợp với các phần tử phản động lưu vong, các hội đoàn chống cộng, trong đó có nhiều đối tượng có những hoạt động mà họ cho là “yêu nước”, thực chất là các phần tử, từng bị xử lý tội “hoạt động chống phá chính quyền nhân dân” theo pháp luật Việt Nam và nhiều đối tượng là phần tử của các tổ chức phản động, tổ chức khủng bố Việt Tân.
Thủ đoạn diễn biến, chống phá nhà nước Việt Nam
Về vấn đề dân chủ, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân; cán bộ, công chức phải hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân... Có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện trên thực tế quyền làm chủ trực tiếp. Phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm công dân, kỷ luật, kỷ cương xã hội; phê phán và nghiêm trị những hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân... Cụ thể hóa tư tưởng tiến bộ này cũng như những giá trị phổ quát về dân chủ, nhân quyền trên thế giới, vấn đề dân chủ, quyền con người được thể chế hóa, nội địa hóa trong hệ thống pháp luật hiện hành và thực hiện trong thực tiễn đời sống xã hội Việt Nam. Ngay trong văn bản có giá trị pháp lý cao nhất là Hiến pháp quy định: “Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (Điều 14 – Hiến pháp 2013).
Trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước đã nhận thức ngày càng sâu sắc hơn tầm quan trọng và vai trò của xây dựng và phát huy dân chủ XHCN, khẳng định dân chủ là bản chất của chế độ, thể chế chính trị ở Việt Nam, dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới. Đánh giá thực tiễn tình hình nhân quyền ở Việt Nam, ngay tại Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III vừa qua, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã đồng thuận, quyết định thông qua kết quả Báo cáo UPR chu kỳ III của Việt Nam. Đại diện các nước và nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ đã hoan nghênh nỗ lực bảo đảm quyền con người ở Việt Nam; ghi nhận những thành tựu của Việt Nam trong cải cách tư pháp, hoàn thiện pháp luật về quyền con người, nỗ lực không ngừng nâng cao đời sống cho người dân, bảo đảm an ninh xã hội, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.
Cơ sở pháp lý và thực tiễn sinh động đó là minh chứng phản bác luận điệu quy kết Việt Nam không có dân chủ, nhân quyền của các thế lực thù địch, phản động. Họ cố tình suy diễn vấn đề Hồng Kông để xuyên tạc, hòng tạo ra nhận thức sai lệch thực tiễn vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Thủ đoạn của họ là làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước; kích động, lôi kéo, tập hợp lực lượng, tổ chức biểu tình trái pháp luật gây mất ổn định chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội, chống phá cách mạng Việt Nam, thúc đẩy “xã hội dân sự”, dân chủ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập theo kiểu phương Tây, tiến tới lật đổ Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là thủ đoạn nguy hiểm cần nhận diện, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu diễn biến hòa bình, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường hòa bình, ổn định, phát triển của đất nước.
CATP Hà Tĩnh