Lợi dụng nỗi đau người khác để chiếm đoạt tiền từ thiện
Thời gian gần đây, tại Hà Tĩnh, một số tài khoản facebook, zalo đăng tải hình ảnh thương tâm của các bệnh nhân kèm theo những câu chuyện đau lòng để kêu gọi quyên góp từ thiện. Tuy nhiên, không ít trong số này là giả mạo để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Cách đây ít ngày, những hình ảnh băng bó vết thương kèm theo thông tin cá nhân, bệnh lý được cho là của bệnh nhân Nguyễn Như Ngọc (1 tuổi, xã Đức Hương, huyện Vũ Quang), điều trị bỏng tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh được một tài khoản facebook đưa lên mạng để kêu gọi từ thiện.
Theo thông tin trên facebook, bé Nguyễn Như Ngọc bị bỏng 18%, trong đó, 12% độ sâu 3 – 4 ở đầu, mặt, cổ... Phần mặt của bé bị ngã vào bếp lửa nên tình trạng vô cùng nguy hiểm bởi ảnh hưởng trực tiếp đến mắt và đường hô hấp.
“Nỗi đau đớn về thể xác khiến bé không một phút ngừng khóc. Cứ mỗi lần con gái khóc thét, người cha trẻ lại không cầm được nước mắt, thương con thiếu thốn tình mẹ lại bị tai họa này. Hôm nay, người cha nghèo lại tiếp tục chạy vạy khắp nơi để có tiền chữa trị cho con. Ca phẫu thuật ghép da cho con nhưng không đủ tiền và giờ không biết mượn ai hết !” - facebook này viết.
Trước những hình ảnh và thông tin được chia sẻ, không ít người đã để lại những comment bày tỏ sự cảm thương, đau xót; chia sẻ trên facebook cá nhân để lan tỏa và chắc rằng không ít người đã phát tâm giúp đỡ cha con bé Ngọc vượt qua khó khăn thông qua số tài khoản của một người tên Nguyễn Đình Cường được ghi ở cuối bài đăng.
Khi biết được thông tin của bé Ngọc, chị Nguyễn Phương C. (TP Hà Tĩnh) rất nhanh chóng muốn được hỗ trợ bé với suất quà giá trị. Khi lấy số điện thoại có trong bài đăng để gọi cho bố bé, chị C. chỉ nghĩ đơn giản là hỏi để đến bệnh viện trao quà tận tay. Tuy nhiên, cũng nhờ cuộc gọi này, chị C. cảm thấy có điều không ổn khi đầu giây bên kia chỉ ậm ừ và tắt máy. Nhiều ngày sau đó, chị C. cố gắng gọi vào số máy này nhưng cũng đều không liên lạc được.
Để xác minh thông tin, chị C. đã gọi điện đến chính quyền xã Đức Hương, huyện Vũ Quang. Tuy nhiên, ông Lê Văn Lợi – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đức Hương cho biết: “Trên địa bàn xã không có trường hợp nào như vậy”.
Cũng cách đây không lâu, anh Nguyễn Mạnh Cầm – bố của bé Nguyễn Lê Hoàng Nguyên (TP Hà Tĩnh) đã vô cùng bức xúc khi hình ảnh, bệnh tình của con bị một “ông bố quốc dân” nào đó đăng tải, kêu gọi quyên góp từ thiện.
“Tất cả thông tin đăng tải đều đúng sự thật về hoàn cảnh, bệnh tình của con và số điện thoại của tôi, duy chỉ có thông tin về số tài khoản là của một người nào đó tôi không quen biết” – anh Cầm cho hay.
Đó chỉ là hai trong số rất nhiều những trường hợp lợi dụng lòng trắc ẩn của cộng đồng trước những hoàn cảnh khó khăn để lừa đảo quyên góp từ thiện hòng chiếm đoạt tài sản. Những kẻ dựng lên những câu chuyện giả mạo này chẳng những đã chiếm đoạt được tài sản của những người tốt bụng mà còn gây bức xúc, làm mất niềm tin của xã hội, mất đi cơ hội được giúp đỡ của những người có hoàn cảnh đáng thương thực sự.
Khi tiếp nhận thông tin các hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ trên mạng xã hội, mỗi mạnh thường quân nên hình thành thói quen thẩm định, xác minh thông tin cả người kêu gọi lẫn nhân vật cần được giúp đỡ để lòng tốt của mình không bị đặt sai chỗ; tấm lòng và tiền bạc của mình không bị “sập bẫy” lừa đảo mà đến được với những hoàn cảnh khó khăn thực sự.
Theo Báo Hà Tĩnh