Luận điệu sai lệch về tác chiến không gian mạng
Vừa qua, sau khi Chính phủ công bố thành lập Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng (TCKGM) – một đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng, lập tức “những máy gõ phím” lại rêu rao quan điểm chỉ trích Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
Các thế lực chống đối cho rằng, việc lập thêm bộ máy TCKGM là chỉ dấu cho thấy Nhà nước đang tìm cách “áp đặt kiểm soát” trên không gian mạng, là sự “độc tài”, “toàn trị”, từ đó kêu gọi những “nhà dân chủ” lên tiếng đả phá, chỉ trích. Những luận điệu này thực chất là sự tiếp diễn xu hướng đòi “tự do, dân chủ trên internet”, đòi không gian mạng là thế giới không giới hạn, chống lại các thể chế quản lý, kiểm soát internet của chính quyền. Luận điệu này từng được đẩy lên cao khi Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng soạn thảo dự án Luật An ninh mạng và khi Quốc hội thảo luận dự án này (tại kỳ họp thứ 4 vừa qua). Phản ứng tức thì là các đối tượng vốn có hành vi chửi bới, bôi nhọ chế độ trên không gian mạng, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân, trong đó có những người mang danh luật sư, nhà văn, nhà báo, chức sắc trong tôn giáo… Họ chính là các “hạt giống” được các thế lực thù địch lợi dụng, nhắm làm quân cờ để kích động phá rối từ bên trong – một thủ đoạn của chiến lược “diễn biến hoà bình”. Cổ suý cho tư tưởng này là các facebook, blogger, số này tỏ ra là những “tri thức”, viết bài tán dương và có những bình luận phản ứng dưới các bài viết… Ở đây, cần thấy rằng, hầu hết các bài viết phê phán việc Nhà nước thành lập, củng cố bộ phận chuyên trách về an ninh mạng (thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) đã có cách hiểu sai lệch. Họ mặc nhiên coi những dư luận viên là quân số thuộc các đơn vị chức năng này, coi các đơn vị tác chiến không gian mạng chỉ nhằm “soi” các bài viết trên facebook, blog, you tobe… để khoanh vùng, xử lý. Điều này khiến không ít “anh hùng bàn phím” vốn suốt ngày nhòm ngó khắp 63 tỉnh, thành để bới móc chuyện tiêu cực, mục đích để nói xấu chế độ, chửi bới chính quyền. Từ đó, họ tỏ ra bức xúc với lực lượng TCKGM. Hiểu như trên là rất thiển cận. Thực chất, không gian mạng có phạm vi rất rộng. Không gian mạng đã trở thành một bộ phận cấu thành và đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng xã hội thông tin và kinh tế tri thức. Do vậy, phát triển và làm chủ không gian mạng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các nước trên thế giới. Bên cạnh những lợi ích to lớn mà không gian mạng đem lại, các nước trên thế giới cũng phải đối mặt với các nguy cơ như chiến tranh mạng, gián điệp mạng, tấn công mạng, tội phạm mạng và nhiều vấn đề phức tạp mới. Đối phó với các nguy hại từ mạng internet không phải là việc riêng của Việt Nam mà của bất cứ quốc gia nào. Các diễn đàn quốc tế gần đây, lãnh đạo các nước cũng đã bày tỏ quan ngại và phối hợp hành động, đưa ra những giải pháp hữu hiệu. Gần đây, Mỹ cũng đã có kế hoạch nâng cấp đơn vị chuyên trách về an ninh mạng là “Bộ Tư lệnh tác chiến mạng” (được thành lập năm 2010). Theo đó, Bộ Tư lệnh tác chiến mạng Mỹ sẽ trở thành một bộ tư lệnh tương đương với các phân nhánh tác chiến của Quân đội Mỹ như Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) hoặc Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM). Về mặt nghiệp vụ, Bộ Tư lệnh tác chiến mạng sẽ tách khỏi Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) - cơ quan tình báo chịu trách nhiệm thu thập tín hiệu điện tử... Thời gian qua, các vụ tấn công mạng, xâm phạm hoặc đe doạ an ninh nước Mỹ ngày càng gia tăng về mức độ và số vụ, trở thành mối quan tâm hàng đầu của Nhà Trắng. Đối với Việt Nam, thời gian qua, các thế lực thù địch, tội phạm mạng gia tăng hoạt động tấn công mạng nhằm thu thập thông tin, bí mật Nhà nước, bí mật nội bộ, chiếm quyền điều khiển, phá hoại hệ thống mạng thông tin; sử dụng Internet, nhất là các trang mạng xã hội với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhằm gây chia rẽ nội bộ, xâm phạm lợi ích, an ninh quốc gia. Hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ trên không gian mạng của các thế lực thù địch diễn ra với quy mô, cường độ ngày càng lớn, có trọng tâm, trọng điểm. Chúng sử dụng các trang mạng, blog liên tục đăng tải các bài viết có nội dung xấu, độc hại, tổ chức các chiến dịch công kích, bôi nhọ nhằm hạ uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước... Những hoạt động đó đã tác động tiêu cực tới tư tưởng, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ, làm suy giảm lòng tin vào chế độ và vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Thời gian tới, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ tạo ra thời cơ mới cho Việt Nam nhanh chóng đón bắt cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cùng với đó, sự phát triển của các dịch vụ, nhất là mạng xã hội và xu hướng chuyển dịch hoạt động các mặt của đời sống xã hội lên không gian mạng đang đặt ra những thách thức gay gắt. Với xu hướng kết hợp giữa hệ thống ảo và thực, Internet kết nối vạn vật và các hệ thống, hoạt động tấn công mạng của các thế lực thù địch, tội phạm mạng sẽ ngày càng gia tăng. Trong bài viết gần đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, bối cảnh mới đặt ra yêu cầu cấp bách phải tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể từ Trung ương đến địa phương về tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Phải gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống” trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tạo sức đề kháng trước những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, kích động, phá hoại của các thế lực thù địch và phần tử xấu. Tập trung xây dựng, ban hành Chiến lược An ninh mạng quốc gia, Luật An ninh mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo chiến lược này, cần quy định rõ các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn, an ninh mạng và quy trình thẩm định phương án, biện pháp bảo vệ an toàn, an ninh mạng đối với các hệ thống thông tin quan trọng, mà đặc biệt là hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin liên quan đến hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định phương án, biện pháp bảo vệ an toàn, an ninh mạng trước khi triển khai. Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia phải thường xuyên được kiểm tra, đánh giá dưới góc độ an toàn, an ninh mạng từ giai đoạn thiết kế, xây dựng đến khâu vận hành… Việc thành lập Bộ Tư lệnh TCKGM là sự cụ thể hoá chiến lược An ninh mạng quốc gia. Cùng với Bộ Tư lệnh TCKGM thuộc Bộ Quốc phòng thì đơn vị chuyên trách về an ninh mạng thuộc Bộ Công an cũng đã được củng cố, tăng cường. Cùng với đó là sự tăng cường quản lý nhà nước về mạng thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Tư lệnh TCKGM sau khi được thành lập sẽ đóng vai trò nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc trên KGM; phối hợp với lực lượng của Bộ Công an tham gia bảo đảm an ninh, an toàn không gian mạng quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao và “diễn biến hoà bình”, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trên cả đất liền, trên không, trên biển và không gian mạng.
CATP Hà Tĩnh