Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Luật An ninh mạng có làm khó DN nước ngoài kinh doanh Internet tại Việt Nam?

Về vấn đề các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông Internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện máy chủ quản lý dữ liệu người dùng Việt Nam trên lãnh thổ nước ta quy định tại khoản 4 Điều 34 của dự án Luật.

Sáng 23-11, bên hành lang Quốc hội, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) xung quanh các vấn đề về Luật An ninh mạng.   Phóng viên: Dự án Luật An ninh mạng đã được Ban soạn thảo chuẩn bị chu đáo, giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý. Qua thảo luận,  còn nhiều ý kiến băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của Luật An ninh mạng còn trùng với Luật An toàn thông tin mạng không? Ý kiến ông về vấn đề này như thế nào? Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu: Môi trường mạng cũng như môi trường xã hội. Trong xã hội có rất nhiều luật điều chỉnh, trong khi đó ở môi trường mạng mới có Luật An toàn thông tin mạng, Luật Công nghệ thông tin và một vài ba luật nữa liên quan là theo tôi quá ít ỏi.  Tôi thử đặt câu hỏi vì sao trong môi trường xã hội chúng ta đã có Bộ luật Hình sự để đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm rồi mà chúng ta lại phải xây dựng thêm luật chuyên ngành như Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Phòng, chống mua bán người.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu. 
Điều đó cũng giải thích vì sao đã có Luật An toàn thông tin mạng rồi mà vẫn phải xây dựng Luật An ninh mạng, vì phạm vi điều chỉnh của các luật đó hoàn toàn khác nhau. Cụ thể, Luật Hình sự quy định tất cả những hành vi nào là hành vi phạm tội, còn Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Phòng, chống ma túy quy định những biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chuyên sâu hơn với các loại tội phạm mà nhà nước thấy nguy hiểm hơn cần ưu tiên phòng, chống. Tương tự như vậy, Luật An toàn thông tin mạng, bảo vệ sự an toàn thông tin trên 3 thuộc tính chung nhất, đó là tính nguyên vẹn của thông tin, tính bảo mật thông tin và tính khả dụng của thông tin. Còn Luật An ninh mạng tập trung chống lại các thông tin độc hại, xâm phạm đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trên môi trường mạng.  Đây là điểm khác biệt cơ bản của hai dự án luật này và tôi nghĩ rằng nếu sau này chúng ta có thêm những luật chuyên sâu trên môi trường mạng thì tôi cho đó là bình thường. Thực tế nhiều nước trên thế giới như ở Mỹ, Trung Quốc, Anh, Úc, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc đã có Luật An ninh mạng mà Ban soạn thảo đã tham khảo khi xây dựng luật này. Phóng viênTheo ông, nếu Luật An ninh mạng được thông qua thì nhà nước và người sử dụng mạng Internet được lợi gì? Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu: để tìm hiểu sâu, tôi đã đọc các tài liệu, tham vấn các ý kiến của các đồng chí có trách nhiệm trong Ban soạn thảo, đồng thời chăm chú theo dõi các ý kiến chất vấn, trả lời chất vấn của đồng chí Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.  Tôi nhận thấy, môi trường an ninh mạng không khác gì môi trường xã hội. Trong môi trường xã hội có gì thì ở môi trường mạng có vấn đề đó, tốt cũng nhiều và xấu cũng lắm. Vấn đề xấu trong môi trường mạng tấn công vào bộ não con người, nơi nguy hiểm nhất của con người, bởi đó là nơi quyết định hành động của mọi cá nhân, nó tác động làm băng hoại tư tưởng, làm sai lệch nhận thức và tất yếu sẽ sinh ra những hành vi sai trái, điều nghịch lý ở đây là hành vi tấn công nguy hiểm như vậy mà người bị tấn công vẫn phải trả tiền cho nhà mạng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thu lợi nhuận rất cao, trong khi đó cơ quan quản lý nhà nước của chúng ta lại không quản lý được thu nhập, làm thất thoát một lượng tiền lớn của nhà nước. Chính vì vậy, nếu Luật An ninh mạng được thông qua, thì nhiệm vụ của nhà nước phải quản lý loại trừ bớt các thông tin độc hại cho người dùng và phải chống thất thu thuế của nhà nước. Luật An ninh mạng được xây dựng trên cơ sở góp phần thêm vào việc thực hiện hai nhiệm vụ đó. Phóng viên: Một số ý kiến lo ngại rằng một số doanh nghiệp nước ngoài như Facebook, Google…khi cung cấp dịch vụ viễn thông Internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ trên lãnh thổ nước ta sẽ tạo ra rào cản thương mại, cản trở nhu cầu kinh doanh, cản trở người tiêu dùng. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào? Qua nghiên cứu thực tế và Dự án Luật, ông thấy quan điểm trên đúng hay sai? Vì sao? Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu: Về vấn đề các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông Internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện máy chủ quản lý dữ liệu người dùng Việt Nam trên lãnh thổ nước ta quy định tại khoản 4 Điều 34 của dự án luật.  Tôi thấy việc cung cấp dịch vụ Internet do các doanh nghiệp kinh doanh thu lợi nhuận mà đã kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam thì phải bình đẳng như các doanh nghiệp khác. Ta chỉ yêu cầu đặt máy chủ quản lý người dùng Việt Nam chứ không phải đặt toàn bộ máy chủ dữ liệu, vì máy chủ dữ liệu cung cấp cho nhiều quốc gia chứ không riêng gì cho một nước cụ thể.  Yêu cầu này đã được 14 nước trên thế giới như Mỹ, Nga, Úc, Canada, Columbia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonexia, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, v.v.. đã yêu cầu các nhà mạng thực hiện nhiệm vụ này. Yêu cầu này vì sao các nước đó làm được, Việt Nam lại không làm được? Mặt khác, nghiên cứu điểm b Điều 29.2 Hiệp định TPP quy định về ngoại lệ an ninh nêu rõ "không có quy định nào của hiệp định này ngăn cản một bên áp dụng những biện pháp cần thiết để thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến giữ gìn và khôi phục hòa bình, an ninh quốc tế hay bảo vệ lợi ích an ninh thiết yếu của quốc gia.  Với những lý do đó nên tôi đồng ý với ý kiến của Ban soạn thảo và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã báo cáo trước Quốc hội.
Phương Thuỷ (Thực hiện)/ Theo Báo CAND

CATP Hà Tĩnh