Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đi vào đời sống người dân Hà Tĩnh
Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực đang tác động vào đời sống của người dân Hà Tĩnh, nhất là ở thời điểm diễn ra nhiều hoạt động tổng kết, đón chào năm mới và Tết Nguyên đán Canh Tý.
Anh Nguyễn Tiến Hoàng (xã Đức Lĩnh - Vũ Quang): Bản lĩnh của thanh niên ngày nay không thể hiện bằng chén rượu!
Nhiều người vẫn có suy nghĩ đàn ông tửu lượng mạnh mới là người bản lĩnh, tôi thì không quan niệm như vậy. Tôi là người không uống được nhiều rượu, cũng không ít lần phải nghe những câu nài ép, thậm chí là khích bác, mỉa mai của người khác khi từ chối lời mời của họ. Tôi nghĩ, đàn ông chỉ cần biết uống chút rượu để giao lưu, còn dùng rượu để thể hiện bản thân, để khẳng định “bản lĩnh” thì hoàn toàn sai lầm. Trong thực tế, đã có quá nhiều vụ tai nạn, mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau, thậm chí là giết nhau mà nguyên nhân từ những cuộc nhậu.
Từ ngày 1/1/2020, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực. Trong đó, Điều 5 quy định: Cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia. Tôi nghĩ, việc thực hiện điều luật này sẽ khó, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán tới đây. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn ủng hộ việc thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia. Nhiều người sẽ thấy được tác hại của việc ép nhau uống rượu, bia, nhận thức rõ về những điều luật mới và điều chỉnh hành vi của mình.
Trung tá Bùi Đức Thuận - Phó Trưởng Công an TP Hà Tĩnh: Tăng cường tuyên truyền, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Thành phố Hà Tĩnh là địa bàn trung tâm, nơi tập trung đông các dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí nên số lượng người tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu bia lớn. Năm 2019, Công an thành phố đã xử lý 1.052 trường hợp vi phạm điều khiển phương tiện mà trong hơi thở hoặc máu có nồng độ cồn. Thời gian qua, lực lượng chức năng đã vào cuộc tích cực để hạn chế tình trạng này và khi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp tăng cường.
Theo đó, chúng tôi sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền như: Phối hợp các cơ quan, trường học nói chuyện chuyên đề; đăng phát tin bài trên các phương tiện truyền thông; phát tờ rơi, dán đề can cho tài xế taxi, xe tải; tổ chức cho chủ các nhà hàng, khách sạn ký cam kết… Đặc biệt, đơn vị sẽ huy động 100% quân số kiểm soát các tuyến đường chính vào giờ cao điểm, ngày lễ tết và kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Ông Trương Quang Hoa - Trưởng thôn Phúc Hải (xã Cẩm Nhượng - Cẩm Xuyên): Muốn xây dựng thôn xóm văn minh trước hết phải hạn chế được người dân uống rượu, bia
Từ trước đến nay, thôn chúng tôi vẫn luôn đi đầu trong thực hiện nếp sống văn hóa, xây dựng làng xóm văn minh. Bà con luôn nêu cao ý thức chấp hành pháp luật, tình trạng uống rượu, bia say dẫn đến mất kiểm soát trong lời nói, việc làm hầu như không xảy ra.
Tuy nhiên, khi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực thì cán bộ thôn chúng tôi càng phải tuyên truyền, quán triệt bà con hiểu rõ và thực hiện nghiêm. Chúng tôi cũng đang lên kế hoạch lồng ghép tuyên truyền, phổ biến luật cho bà con trong các cuộc sinh hoạt tại thôn. Đặc biệt là dịp tết đang đến gần, nhiều gia đình sẽ tổ chức liên hoan, cán bộ thôn xóm, đoàn thể sẽ đến từng nhà để nhắc nhở bà con hạn chế bia, rượu, nhất là những hành động ép nhau, khích bác nhau để uống, đảm bảo an ninh trật tự, vui tết đón xuân an lành.
Anh Phạm Tử Long - Giám đốc Công ty CP Nội thất F.Home Hà Tĩnh: Đổi mới hình thức liên hoan cuối năm, hạn chế rượu, bia
Công ty chúng tôi có gần 20 nhân viên. Tiệc liên hoan cuối năm là hoạt động thường niên và nói thật là chẳng bao giờ thiếu rượu cả. Năm nay, chúng tôi tổ chức tiệc tất niên ngay trước khi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực nên cũng có những thay đổi trong hình thức tổ chức. Tôi muốn mang đến cho anh chị em trong công ty một bữa tiệc ấm cúng, đủ vui mà không ai phải “bí tỉ”.
Nhằm tránh những hành động ép nhau uống rượu, công ty đã đặt tiệc tại một nhà hàng nhỏ, có dùng rượu nhưng là rượu vang nhẹ để mọi người cụng ly chúc nhau. Thay vì chúc nhau, ép nhau uống rượu như những bữa tiệc vẫn thường thấy, chúng tôi bố trí thêm giàn loa máy thi hát karaoke, tổ chức chương trình bốc thăm trúng thưởng để tạo không khí vui vẻ, hào hứng cho mọi người.
Tôi nghĩ, tổ chức theo cách thức như thế sẽ hạn chế được bia, rượu mà vẫn đảm bảo ý nghĩa của một bữa tiệc tất niên.
Nghị định mới tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn. Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm ở mức cao nhất (mức 3), phạt tiền từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22- 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Đối với người điều khiển xe mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 22-24 tháng. Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400-600 ngàn đồng.
Minh Khánh
Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/xa-hoi/luat-phong-chong-tac-hai-cua-ruou-bia-di-vao-doi-song-nguoi-dan-ha-tinh/184924.htmCATP Hà Tĩnh