Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Lực lượng CAND đóng góp quan trọng, tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng

Sáng ngày 30/12, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã dự và chỉ đạo Hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng theo chức năng của lực lượng CAND từ năm 2013 đến nay.

Tham dự hội nghị có đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũngchủ trì hội nghị.

Dự hội nghị còn có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đồng Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; các đồng chí trong Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương, cán bộ cốt cán trong CAND...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng với các đồng chí lãnh đạo, đại biểu dự hội nghị.

Bộ trưởng Tô Lâm đã phát biểu khai mạc hội nghị và quán triệt kết luận chỉ đạo quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, diễn ra tại Hà Nội ngày 12/12/2020; đồng thời đề nghị các cán bộ lãnh đạo, cốt cán trong lực lượng CAND quán triệt sâu sắc nội dung chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; khẳng định đây là “kim chỉ nam” cho công tác phòng, chống tham nhũng của lực lượng CAND thời gian tới.

Khởi tố mới 1.856 vụ với 4.072 bị can phạm tội về tham nhũng

Báo cáo tóm tắt tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng theo chức năng của lực lượng CAND từ năm 2013 đến nay do Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày cho biết: Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí Bộ Công an do đồng chí Bộ trưởng Tô Lâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo, được thành lập từ năm 2007, giai đoạn 2013 đến nay tiếp tục được củng cố, kiện toàn.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các thành viên được mở rộng là tất cả Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Công an. Ở Công an 63 địa phương cũng thành lập Ban Chỉ đạo cấp tương ứng, thống nhất quy chế hoạt động chặt chẽ từ Trung ương tới địa phương, qua đó gắn trách nhiệm của Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, và Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương đối với công tác chỉ đạo, triển khai, thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, tổng kết, sơ kết công tác công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong CAND.

Từ năm 2013 đến nay, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã ban hành 186 văn bản liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng trong CAND. Bộ Công an đã tích cực tham gia xây dựng và hoàn thiện thể chế góp phần phòng ngừa tham nhũng; đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chức năng tham mưu ban hành 131 văn bản; trực tiếp ban hành 1.642 văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác có liên quan đến phòng, chống tham nhũng.

 Công an các cấp đã có 745 kiến nghị đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng, cùng hàng nghìn kiến nghị khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực góp phần phòng ngừa tham nhũng…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Cũng trong giai đoạn này, lực lượng CAND đã tiếp nhận 1.074 tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố về tội phạm tham nhũng (đã xử lý 100% các nguồn tin, trong đó kết luận, giải quyết 863 đơn theo chức năng, nhiệm vụ, khởi tố 292 vụ án, 409 bị can).

 Cơ quan điều tra các cấp trong CAND đã khởi tố mới 1.856 vụ với 4.072 bị can phạm tội về tham nhũng, thu hồi gần 19.500 tỷ đồng và trên 290.000 m2 đất. Đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 1.718 vụ, 4.768 bị can. Trong đó đã điều tra 120/133 vụ, chiếm tỷ lệ 91% các vụ án lớn thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Nhiều vụ án thu hồi 100% tài sản, xử lý được tội danh "rửa tiền"

Nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước được xử lý dứt điểm, nghiêm minh, đúng pháp luật với quan điểm "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ", dù bất kể đó là ai, không còn tình trạng xử lý thiếu kiên quyết, kéo dài, “chìm xuồng”; việc mở rộng điều tra các vụ án được thực hiện triệt để hơn, đi sâu làm rõ bản chất chiếm đoạt, vụ lợi của các đối tượng. Điển hình như một số vụ án xảy ra tại ngân hàng ACB và các ngân hàng Đại Tín, Dầu Khí, Đông Á, Phương Nam, Sacombank đã được điều tra, làm rõ, mở rộng, ngăn chặn các ý đồ “lợi ích nhóm” một cách kịp thời; vụ Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng và đồng phạm tham ô tài sản cũng là những vụ án tồn đọng từ trước đã được giải quyết dứt điểm, giúp việc truy tố, xét xử vụ án thành công trong giai đoạn này.

Công tác thu hồi tài sản hiệu quả, triệt để hơn rất nhiều, tỷ lệ thu hồi tài sản năm sau cao hơn năm trước, nhất là 3 năm trở lại đây. Nhiều vụ án thu hồi được 100% tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát như vụ án xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone, vụ án Hứa Thị Phấn... Nhiều tài sản bị tẩu tán, chuyển nhượng, che giấu, thậm chí cả tài sản đã bị chuyển ra nước ngoài cũng đã được phát hiện, truy nguyên ngay từ giai đoạn điều tra ban đầu (như vụ Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch Ngân hàng BIDV, Cơ quan CSĐT Bộ Công an phối hợp với các cơ quan chức năng đã kịp thời phong tỏa để thu hồi hơn 10 triệu USD bị tẩu tán ra nước ngoài).

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Chiến công hạng Nhất tặng Bộ Công an.

Trước đây, công tác  điều tra, xử lý các vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế chưa điều tra, xử lý được hành vi “rửa tiền” thì trong  giai đoạn này CQĐT đã phát hiện, điều tra và khởi tố 4 vụ án về tội danh “rửa tiền” (vụ án Trần Văn Liêm, Giang Kim Đạt và đồng phạm; vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và đồng phạm; vụ án Nhật Cường; vụ án tại Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba), kết quả đó góp phần bảo vệ thành quả của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, bảo vệ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế...

Năm 2020, bên cạnh việc duy trì tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng lớn thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, lực lượng Công an còn làm tốt công tác nắm tình hình, xác định khâu đột phá, phát hiện một số vụ việc để cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa trong cả một lĩnh vực (điển hình là vụ CDC Hà Nội và vụ nâng khống giá thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai).

Dưới sự điều hành của Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, các đại biểu đã thảo luận, bổ sung, làm cụ thể thêm những vấn đề và nêu thêm những kinh nghiệm quý, cách làm hay trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, từ đó đề xuất, kiến nghị, nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới...

Lực lượng CAND đóng góp quan trọng, tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh, đánh giá cao Bộ Công an đã sớm quán triệt, triển khai chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực trong giai đoạn tới, cũng như thể hiện quyết tâm chính trị cao của toàn lực lượng CAND trong công tác phòng, chống tham nhũng. 

"Đây là lực lượng đầu tiên tổ chức quán triệt chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Quân công hạng Nhất tặng Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Cơ bản thống nhất với báo cáo tổng kết của Bộ Công an, các báo cáo điển hình tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, 5 năm qua, đặc biệt là trong năm 2020 nước ta có thành công toàn diện về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại; trong công cuộc chống dịch COVID-19 dưới sự tham gia của người dân, của hệ thống chính trị, lực lượng Y tế, Công an, Quân đội, chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh, được thế giới đánh giá cao.

Thủ tướng nhắc lại kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại hội nghị, đánh giá năm 2020 thành công hơn năm 2019 và được xem là năm thành công nhất trong 5 năm vừa qua, đạt được kết quả, thành tích đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng trong việc nêu cao lòng yêu nước, tình đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng và những quan điểm, quyết sách chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác này, Thủ tướng cũng biểu dương, đánh giá cao những đóng góp quan trọng, tích cực của lực lượng CAND vào thành quả chung công cuộc phòng, chống tham nhũng của cả hệ thống chính trị từ năm 2013 đến nay, bởi vì lực lượng CAND là lực lượng nòng cốt, chủ công trong đấu tranh, điều tra các vụ án tham nhũng.

Hoàn thiện thể chế nhằm phòng ngừa tham nhũng

Để đảm bảo phòng, chống tham nhũng hiệu quả, căn cơ, lâu dài, Thủ tướng đề nghị Bộ Công an cần phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ, các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm phòng ngừa tham nhũng; tập trung tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách nhằm khắc phục những sơ hở, bất cập. Thực hiện tốt hơn nữa các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, bảo đảm "không thể tham nhũng", nhất là quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập, thu hồi tài sản tham nhũng; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của từng người có chức vụ, quyền hạn.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh Cảnh sát cơ động

Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan điều tra trong CAND; tăng cường cán bộ có năng lực, trình độ, kinh nghiệm, đặc biệt phải thực sự trong sạch, liêm khiết làm nhiệm vụ phòng chống tham nhũng. 

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, điều tra án tham nhũng theo chức năng, thẩm quyền của cơ quan điều tra các cấp trong CAND đúng quy trình, đúng quy định pháp luật; xử lý nghiêm minh đối với các đối tượng phạm tội đảm bảo khách quan, thận trọng, thấu đáo trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật, "không có vùng cấm", đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội, trọng chứng hơn trọng cung, không bỏ lọt tội phạm nhưng không được làm oan người vô tội.

Thủ tướng lưu ý, trong điều tra, truy tố, xét xử cần xem xét cụ thể bối cảnh, môi trường và thiệt hại cụ thể để xem xét, xử lý đúng pháp luật, nhân văn, có lý, có tình. Mục tiêu quan trọng nhất của chúng ta là ổn định xã hội để phát triển kinh tế-xã hội, vì vậy trong điều tra xử lý không hình sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính để doanh nghiệp và người dân yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh, nhưng không được bỏ lọt tội phạm, không tạo cơ sở cho tham nhũng, tiêu cực.

Xử lý nghiêm cán bộ bao che, tiếp tay cho tham nhũng

"Làm sao người dân, doanh nghiệp tin tưởng vào công lý, chân lý. Kinh tế  phát triển, người dân, doanh nghiệp yên tâm làm ăn, đúng pháp luật, giải quyết nhiều việc làm, xã hội bình yên là niềm vui của tất cả chúng ta", Thủ tướng nêu rõ. Thủ tướng đề nghị cần tạo điều kiện cho các chủ thể sai phạm khai nhận tốt và khắc phục hậu quả thiệt hại tốt, có chính sách hình sự phù hợp. Chúng ta đảm bảo yêu cầu "chống" quyết liệt nhưng đồng thời cũng phải "xây" mới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng Cục An ninh điều tra; Trung tướng Nguyễn Đình Thuận, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế và Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ.

Thủ tướng đề nghị đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, chú trọng công tác điều tra, mở rộng vụ án, kết luận, đề xuất xử lý triệt để, nghiêm minh, đề nghị truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Trong điều tra xử lý, đối với những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội, nhất là đối tượng làm ăn phi pháp, sản xuất hàng giả, hàng gian như thuốc chữa bệnh, trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng... có sự tiếp tay, bao che của cán bộ tham nhũng thì cần xử lý nghiêm để răn đe, giáo dục chung nhằm xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, minh bạch, công bằng; đồng thời bảo vệ những người dân lương thiện, những doanh nghiệp chân chính, tạo lòng tin cho toàn xã hội.

Chủ động làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhất là quy chế phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước trong phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng; phối hợp chặt chẽ với các ngành khối nội chính, nhất là Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao các cấp trong việc điều tra, truy tối, xét xử tội tham nhũng. Đặc biệt làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng trong nội bộ, góp phần làm trong sạch đội ngũ...

Xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Công an các đơn vị, địa phương phải đồng thời làm tốt hai nhiệm vụ: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngoài xã hội theo chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an và phòng ngừa đấu tranh chống tham nhũng ngay trong nội bộ.

 "Đây là hai nhiệm vụ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó trước hết lực lượng Công an phải thực sự trong sạch, có bản lĩnh, ý chí chiến đấu, không thể bị mua chuộc" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng Thanh tra Bộ Công an.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng Thiếu tướng Nguyễn Đức Hiển, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.

Bộ trưởng yêu cầu Thủ trưởng Công an các cấp đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm, phát huy trí tuệ tập thể trong việc tự kiểm tra, phát hiện và xử lý tham nhũng, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, tiêu cực, các hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng; can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng.

Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ, Văn phòng Cơ quan CSĐT, Cục CSĐT tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu, Cục An ninh điều tra, Giám đốc Công an các đơn vị, địa phương có giải pháp cụ thể tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực Cơ quan điều tra chuyên trách có chức năng phát hiện, điều tra, phá án tham nhũng trong CAND, bố trí cán bộ theo đúng tiêu chí 4 cấp Công an.

Đối với công tác điều tra án tham nhũng, Bộ trưởng Tô Lâm lưu ý các Cơ quan điều tra trong CAND phải tuân thủ tuyệt đối sự lãnh đạo của Đảng, nhất là sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; tiếp tục quán triệt quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", dù bất kể người đó là ai. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26 của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Ban Bí thư về sự lãnh đạo của Đảng trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ, đảng viên.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu kết luận hội nghị.

Nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản án tham nhũng, có biện pháp ngăn ngừa đối với đối tượng phạm tội tham nhũng có bỏ trốn, tẩu tán tài sản ra nước ngoài; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản trong phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm tham nhũng, tạo chuyển biến mạnh hơn đối với công tác phát hiện, điều tra tham nhũng tại các địa phương, không để xảy ra tình trạng "trên nóng, dưới lạnh". Qua công tác điều tra, phát hiện kiến nghị khắc phục những sơ hở, thiếu sót, không để tội phạm lợi dụng, đồng thời chọn đúng khâu đột phá để điều tra, xử lý góp phần răn đe, cảnh tỉnh. "Xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực để không phải xử lý nhiều cán bộ, đảng viên. Đây là mục tiêu rất nhân văn của công tác điều tra" - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Duy trì khí thế mạnh mẽ phòng, chống tham nhũng

Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các cơ quan tham mưu: Thanh tra, Kiểm tra, Văn phòng Bộ, Cục CSĐT tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu, Văn phòng Cơ quan CSĐT, Cơ quan ANĐT... phối hợp chặt chẽ trong công tác tham mưu, nâng cao hiệu quả công tác của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, lãng phí Bộ Công an, tránh chồng chéo, chia cắt.

Các cơ quan báo chí, truyền thông trong CAND tiếp tục bám sát nhiệm vụ chính trị, tăng cường tuyên truyền về những thành tích, kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng; biểu dương, khích lệ, động viên những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, góp phần duy trì khí thế mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng của toàn lực lượng.

Bộ trưởng đề nghị tiếp tục xây dựng về thể chế, xác định đây là một trong 3 khâu đột phá để huy động toàn bộ hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật, trong đó có phòng, chống tham nhũng. Chăm lo, củng cố đời sống cho nhân dân, đặc biệt ở những vùng khó khăn, tạo những vành đai, thế trận an ninh nhân dân vững chắc để nhân dân tin tưởng, một lòng một dạ đi theo Đảng. 

Đẩy mạnh cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, phòng chống dịch COVID-19, bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026...

Tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Chiến công hạng Nhất tặng Bộ Công an; trao Huân chương Quân công hạng Nhất tặng Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tham nhũng; trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng Cục An ninh điều tra; Trung tướng Nguyễn Đình Thuận, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế và Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ. 

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh Cảnh sát cơ động; trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng Thanh tra Bộ Công an và Thiếu tướng Nguyễn Đức Hiển, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.

Báo CAND online