Lực lượng CAND sẵn sàng nguồn nhân lực tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc
Đó là phát biểu khẳng định của Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai “Đề án Công an nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc” (Đề án 05) tại buổi cuộc họp Ban Chỉ đạo và thông qua Kế hoạch triển khai Đề án giai đoạn 2020 – 2025 và những năm tiếp theo diễn ra sáng 30/6, tại Hà Nội.
Trong giai đoạn 2014 - 2020, lực lượng CAND đã triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 05 và đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, bối cảnh tình hình thế giới hiện nay liên quan đến hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (HĐGGHB LHQ) đã có nhiều biến động so với thời điểm mà Bộ Công an xây dựng đề án.
Môi trường an ninh toàn cầu diễn biến ngày càng phức tạp, làm tăng tính chất và quy mô của những thách thức mà HĐGGHB LHQ phải đối mặt. Điều này đặt ra các yêu cầu mới đối với lực lượng CAND trước khi tham gia các hoạt động.
Thứ trưởng Bùi Văn Nam phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. |
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, thay mặt Ban Chỉ đạo và lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Bùi Văn Nam ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà lực lượng CAND đã đạt được trong thời gian qua.
Thứ trưởng Bùi Văn Nam khẳng định, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ là hoạt động đối ngoại, là nhiệm vụ quan trọng của lực lượng CAND Việt Nam trong thời kỳ mới, góp phần hiện thực hóa nhất quán đường lối đối ngoại hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; đóng góp thiết thực cho hòa bình và an ninh khu vực bằng các biện pháp hòa bình; đề cao luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ.
Toàn cảnh cuộc họp. |
Đồng chí Thứ trưởng yêu cầu, trong giai đoạn 2020 – 2025, Ban Chỉ đạo tiếp tục làm tốt nhiệm vụ và nắm rõ kế hoạch triển khai hoạt động của LHQ trong những năm tới. Nghiên cứu, hoàn thiện đầy đủ mọi cơ sở pháp lý khi triển khai lực lượng tham gia HĐGGHB LHQ.
Lựa chọn CBCS đủ phẩm chất chính trị, trình độ, ngoại ngữ, sức khỏe và ý thức tổ chức kỷ luật tốt để phối hợp với LHQ và các nước đối tác khác đào tạo về ngoại ngữ, nghiệp vụ đáp ứng được các tiêu chí của LHQ sẵn sàng tham gia HĐGGHB LHQ khi có yêu cầu. Xác định vị trí chức danh, cơ chế, chính sách cho CBCS trước, trong và sau khi thực hiện hiện nhiệm vụ.
Đảm bảo trang thiết bị, phương tiện, điều kiện làm việc tốt nhất cho CBCS. Thành lập Văn phòng thường trực kiêm nhiệm có nhiệm vụ tham mưu giúp Bộ Công an, Ban Chỉ đạo, điều hành, điều phối toàn bộ các hoạt động liên quan đến CAND tham gia HĐGGHB LHQ; quản lý, chỉ huy, điều hành quá trình chuẩn bị và tham gia HĐGGHB LHQ của lực lượng CAND…
Tập trung hoàn thiện, bổ sung các văn bản với lộ trình cụ thể. Phối hợp với các Bộ, cơ quan chức năng xây dựng đề xuất để sớm trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội…
Theo Báo Công an nhân dân