Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Lực lượng Cảnh sát nhân dân mãi mãi xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Bác Hồ và nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự của đất nước

Trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, hoạt động của lực lượng Công an nhân dân luôn đóng một vai trò rất quan trọng để bảo vệ an ninh, trật tự của đất nước, góp phần đưa cách mạng giành thắng lợi. Là một bộ phận của ngành công an, ra đời từ Cách mạng Tháng Tám 1945, trong suốt chặng đường vẻ vang của dân tộc, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, của Bác Hồ, sự giúp đỡ của nhân dân, Cảnh sát nhân dân cùng các lực lượng khác đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, thể hiện rõ vai trò nòng cốt, xung kích trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự của đất nước.

Ngày 19-8-1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, các tổ chức đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân được thành lập. Ở Bắc Bộ có Sở Cảnh sát và Sở Liêm phóng; ở Trung Bộ có Sở Trinh sát và ở Nam Bộ có Quốc gia tự vệ cuộc. Ngay sau khi được thành lập, các tổ chức cảnh sát đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng liêm phóng trấn áp các đối tượng và tổ chức phản ánh cách mạng, lưu manh côn đồ, khắc phục tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự trị an ở các thành phố, thị xã, góp phần bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan, công sở. Chính quyền dân chủ nhân dân đã thành lập, nhưng nhiệm vụ của công an chưa được phân định rõ ràng. Để xác định rõ nhiệm vụ và tổ chức lại bộ máy công an trong giai đoạn mới, ngày 12/5/1951, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 5-CT/TW Về nhiệm vụ và tổ chức công an, quy định Nha Công an ở trong Bộ Nội vụ, trong đó có: “Bộ phận phụ trách công việc trị an hành chính” - đây là tổ chức tiền thân của lực lượng Cảnh sát nhân dân ngày nay.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ngành công an đã thành lập Ban công an tiền phương nằm trong Hội đồng cung cấp mặt trận để trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ chiến dịch. Lực lượng Trị an hành chính được huy động số lượng lớn tham gia công tác bảo vệ, tăng cường củng cố các đồn, trạm trên các trục đường giao thông, các bến bãi, kho tàng ở vùng trọng điểm địch thường xuyên đánh phá, những nơi có bộ đội, đoàn dân công đi qua hoặc trú quân. Lực lượng Trị an hành chính vừa trực tiếp tham gia chiến đấu tiêu diệt sinh lực địch, vừa tổ chức đấu tranh mạnh mẽ trấn áp tội phạm, phát hiện bắt giữ xử lý nhiều vụ trộm cắp tài sản hàng hóa, lương thực trên đường vận chuyển ra chiến dịch, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hòa bình lập lại ở miền Bắc, cách mạng Việt Nam chuyển sang thời kỳ mới, tiến hành hai nhiệm vụ: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ở miền Bắc, lực lượng Trị an hành chính đã đẩy mạnh các biện pháp quản lý hành chính như: phát động quần chúng nhân dân giao nộp, thu gom vũ khí, vật liệu nổ; đăng ký hộ khẩu, phối hợp với các lực lượng khác đấu tranh chống âm mưu và hoạt động gây rối, bạo loạn ở một số địa phương; triệt phá các tổ chức phản động, thổ phỉ; điều tra khám phá những tổ chức gián điệp do địch cài lại. Bước sang thời kỳ mới, căn cứ tình hình, nhu cầu ngành công an và để đấu tranh chống phản cách mạng, trấn áp tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự, ngày 28/7/1956, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 982/TTg về việc thành lập Cục Cảnh sát nhân dân thuộc Bộ Công an. Lực lượng Trị an hành chính các cấp từ đây đổi tên là lực lượng Cảnh sát nhân dân, đánh dấu mốc quan trọng trưởng thành về mặt tổ chức của lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam. Để tăng cường lực lượng giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ quyền lợi của nhân dân, ngành công an đã nghiên cứu, xây dựng và đề xuất Nhà nước ban hành Pháp lệnh quy định chế độ cấp bậc của sĩ quan và hạ sĩ quan lực lượng Cảnh sát nhân dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 20/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 34/LCT công bố hai pháp lệnh trên. Việc ban hành hai pháp lệnh này là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc toàn diện về mọi mặt của lực lượng Cảnh sát nhân dân và tạo nền tảng pháp lý xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân trở thành lực lượng vũ trang cách mạng, là công cụ tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đóng vai trò nòng cốt, xung kích trong cuộc đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, từng bước tiến lên chính quy, đáp ứng nhiệm vụ giữ gìn trật tự xã hội. Từ đó, ngày 20/7 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam.
 

Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ gây ra cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ở miền Bắc, cả nước bước vào cuộc kháng chiến gian khổ, ác liệt. Lực lượng Cảnh sát nhân dân đã chiến đấu dưới mưa bom, bão đạn cùng quân và dân cả nước, dồn sức, đồng lòng tất cả cho chiến thắng giặc Mỹ xâm lược. Hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát giao thông, Phòng cháy chữa cháy, Cảnh sát khu vực và các lực lượng khác trở thành chỗ dựa, niềm tự hào, sự quý mến và gần gũi đối với nhân dân. Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nhiều tập thể và cá nhân lập công xuất sắc, được Bác Hồ gửi thư khen, điển hình như Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Sở Công an Hà Nội: “Trong việc phòng cháy, chữa cháy, các đồng chí đã bình tĩnh, tích cực và dũng cảm. Các đồng chú đã phối hợp tốt với lực lượng quần chúng. Do đó các đồng chí luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, dù trong những điều kiện khó khăn”. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy: “Phải thường xuyên thật sẵn sàng để nhanh chóng làm tròn nhiệm vụ trong bất kỳ tình hình nào để bảo vệ tài sản của Nhà nước và của nhân dân”.

Sau chiến tranh phá hoại lần thứ nhất do đế quốc Mỹ gây ra, các lực lượng Công an nhân dân đã lập nhiều chiến công xuất sắc. Tháng 10/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự Đại hội thi đua Vì an ninh Tổ quốc, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược của lực lượng công an. Người đã ghi nhận những thành tích của lực lượng Công an nhân dân: “Cán bộ và chiến sĩ Công an nhân dân nói chung là tốt, tuyệt đối trung thành với Đảng và nhân dân, xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng và của nhân dân”. Nhiều gương chiến đấu dũng cảm, quên mình chiến đấu với địch, bảo vệ nhân dân, bảo vệ tài sản Nhà nước. Trong thành tích chung đó có những đóng góp của lực lượng Cảnh sát nhân dân sơ tán, vận chuyển hàng hóa, tài sản của Nhà nước và nhân dân, đấu tranh phòng chống tội phạm tham ô, đầu cơ buôn lậu, điều tra khám phá nhiều vụ án điển hình v.v… Trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Bộ Công an đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ lên đường chi viện cho miền Nam, trong đó lực lượng Cảnh sát nhân dân có 2.751 đồng chí. Những cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân chi viện cho miền Nam đã phối hợp với lực lượng tại chỗ chiến đấu tiêu diệt địch, đồng thời tiến hành công tác tiếp quản, thực hiện công tác quản lý hành chính, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự, góp phần xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng vùng mới giải phóng. Những chiến công của lực lượng Cảnh sát nhân dân đã góp phần tích cực vào Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Ghi nhận những thành tích cống hiến đó, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước” cho 140 đơn vị và 141 cá nhân cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân; tặng thưởng nhiều danh hiệu, huân chương, huy chương cho hàng trăm tập thể, hàng nghìn cá nhân trong lực lượng Cảnh sát nhân dân v.v… Như vậy, trong chiến tranh cách mạng, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã sát cánh cùng với quân và dân cả nước đánh thắng kẻ thù xâm lược, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, đấu tranh không khoan nhượng với các loại tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã phối hợp chặc chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, liên hệ mật thiết với nhân dân, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, tích cực đổi mới các mặt công tác, các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát nhân dân đã viết tiếp những trang sử vẻ vang của mình bằng những chiến công chói lọi trên mặt trận giữ gìn trật tự an toàn xã hội, góp phần cùng lực lượng Công an nhân dân chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm phạm nền an ninh, trật tự. Những thắng lợi đó đã tạo môi trường ổn định, thuận lợi để đất nước ta thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong dịp kỷ niệm 30 năm Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 - 20/7/1992), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đã tặng lực lượng Cảnh sát nhân dân bức trướng với 16 chữ vàng “Cảnh sát Việt Nam mưu trí, dũng cảm, vì nước, vì dân, quên thân phục vụ”.

Hiện nay, Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp mới. Nền kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát, khủng hoảng tài chính, tín dụng, các loại tội phạm phi truyền thống ngày càng gia tăng. Kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng, tác động từ cuộc suy thoái kinh tế thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, lạm phát tiếp tục tăng cao, thị trường tài chính không ổn định, thiên tai, dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp, gây nhiều khó khăn đến đời sống nhân dân, trong đó có lực lượng Cảnh sát nhân dân. Trên lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội xuất hiện những loại tội phạm mới như: tội phạm lợi dụng công nghệ cao, tội phạm trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em ra nước ngoài; tội phạm tham nhũng có những diễn biến phức tạp mới, gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Từ năm 2004 đến 2010, các lực lượng chức năng đã phát hiện 2015 vụ, với 4924 nạn nhân bị mua bán. Từ năm 2007 đến 2011, cơ quan điều tra các cấp đã phát hiện, khởi tố trên 1000 vụ tham nhũng, với 2300 đối tượng. Bên cạnh đó, tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng vẫn diễn biến phức tạp, trong đó nạn ùn tắc giao thông, nhất là ở các thành phố lớn, số vụ tai nạn nghiêm trọng, số người chết, người bị thương vẫn ở mức cao, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Cuộc chiến đấu trên mặt trận chống các loại tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội ngày càng quyết liệt và khó khăn, gian khổ.

Trước tình hình trên, lực lượng Cánh sát nhân dân đã chủ động nắm tình hình, phối hợp và triển khai nhiều giải pháp, biện pháp tích cực. Bước đầu giải quyết có hiệu quả những vấn đề đặt ra đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp và Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Lực lượng Cảnh sát nhân dân tiếp tục mở rộng quan hệ song phương, đa phương trong hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm; tập trung làm tốt công tác nắm tình hình cả ở trong nước, ngoài nước để chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi phạm tội có tổ chức xuyên quốc gia liên quan đến Việt Nam. Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát nhân dân tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong đào tạo, tập huấn chuyên sâu nhằm nâng cao trình độ tác nghiệp, kiến thức pháp luật, ngoại ngữ cho cán bộ cảnh sát làm công tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài; ngăn chặn từ xa sự thâm nhập của các tổ chức tội phạm quốc tế vào trong nước. Tất cả vì bình yên của xã hội, vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân, góp phần ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường hòa bình, hữu nghị và phát triển ở Việt Nam. Trong thời gian tới, tình hình tội phạm nổi lên những vấn đề cần quan tâm là các loại tội phạm đều gia tăng với những phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, xảo quyệt, trắng trợn, nhất là các loại phi truyền thống sẽ tiếp tục gia tăng, tội phạm người nước ngoài, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao v.v... Các loại tội phạm trên có xu hướng câu kết, đan xen, móc nối liên kết với, nhất là sự đan xen giữa hoạt động phạm tội hình sự, kinh tế và môi trường, gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra; tội phạm sử dụng vũ khí nóng, vật liệu nổ đang diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng sử dụng vũ khí nóng gây án, chống người thi hành công vụ; tội phạm kinh tế, tham nhũng gây nhiều thiệt hại lớn, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện và xử lý; tội phạm vi phạm pháp luật về môi trường vẫn là vấn đề quan tâm của toàn xã hội…Những vấn đề trên sẽ đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ rất nặng nề cho công tác phòng, chống tội phạm, đòi hỏi lực lượng Cảnh sát nhân dân phải phát huy hơn nữa vai trò tham mưu, nòng cốt, chủ công trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm. Vì chỉ có như vậy mới làm cho nhân dân yên tâm, tin tưởng lực lượng cảnh sát nhân dân, hăng hái, tích cực tham gia đấu tranh chống tội phạm; kiên quyết kiếm chế sự gia tăng của tội phạm, làm giảm trọng án, giữ vững ổn định trật tự xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

CATP Hà Tĩnh