Ma túy mới núp bóng thú chơi lạ đang đầu độc giới trẻ
Một số chất gây nghiện núp dưới dạng trò chơi như bóng cười, tem giấy xâm nhập vào giới trẻ khiến ai lỡ dùng thường bị mê mẩn.
Đã thành thói quen, cứ đến cuối tuần là Nguyễn Quang Hùng, sinh viên trường Đại học Xây dựng (Hà Nội) lại hẹn bạn bè đến quán karaoke trên đường Nguyễn Khang (Hà Nội) để hát hò và dùng bóng cười xả tress sau một tuần học hành căng thẳng.
Hùng chia sẻ: “Mỗi lần thổi bóng, mọi lo âu hầu như tan biến, tinh thần hưng phấn, sảng khoái. Em dùng bóng cười được 5 – 6 tuần nhưng chưa thấy bị ảnh hưởng gì. Em chỉ dùng tuần/lần, em nghĩ nếu không dùng thường xuyên hằng ngày thì chắc không sao”.
Những thanh niên tìm đến bóng cười để giải tỏa căng thẳng như Hùng ngày càng nhiều. Đáp ứng nhu cầu của giới trẻ, nhiều quán cà phê, karaoke… sẵn sàng cung cấp bóng cười cho những khách hàng có nhu cầu với giá từ 30.000 – 50.000 đồng/quả. Vì không bị cấm, người dùng có thể dễ dàng mua bóng cười ở nhiều nơi, thậm chí ngồi nhà gọi điện là có người mang đến.
Bóng cười nguy hại không kém gì ma túy Người bán luôn quảng cáo bóng cười không gây hại, nhưng theo các bác sĩ chỉ cần dùng một quả bóng cười là người dùng có cảm giác như dùng nhiều chất hướng thần khác. Anh Phạm Văn T, một người đang cai nghiện tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết, dùng bóng cười phê như phê thuốc lắc, làm cho mình hưng phấn nhưng dùng nhiều sẽ bị đãng trí, trì trệ, tâm tính thay đổi, làm rối loạn giấc ngủ và nếu không sử dụng nữa có cảm giác thèm như thèm thuốc phiện.
Bóng cười du nhập vào Việt Nam từ năm 2010, nhưng gần đây nó đang trở thành cơn sốt của giới trẻ. Bóng cười là quả bóng bay được bơm khí nitrous oxide (N2O). Chất N20 khiến người hút vào có cảm giác phấn khích, gây cười. Người chơi ngậm vào đầu quả bóng hít khí trong đó rồi thổi ngược ra cho quả bóng to lên, việc này lặp lại 4 – 5 lần sẽ khiến người chơi có trận cười thả phanh.
Theo quy định của pháp luật, N2O không nằm trong danh mục hóa chất đặc biệt cần quản lí nghiêm ngặt, không phải chất ma túy, vì vậy, bóng cười được bán công khai.
Nguy hại không khác gì ma túy
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, khí N2O là khí gây mê tác động đến thần kinh. Nếu lạm dụng thì thần kinh bị tác động, kích thích liên tục gây mỏi mệt cho hệ thần kinh, gây hiện tượng lờ đờ, ngơ ngơ dở thức dở ngủ làm cho thần kinh ngoại biên cũng như thần kinh thực vật giảm hoạt động, bị trơ hoặc mệt mỏi.
Khi sử dụng ở nồng độ thấp, khí gây cười cũng ảnh hưởng đến nhận thức, làm giảm tầm nhìn và thính giác. Việc hít khí cười trong thời gian ngắn với liều lượng lớn có thể khiến người sử dụng bị co giật, run rẩy… Nếu những người mắc bệnh về tim mạch hay hen suyễn và một số bệnh liên quan tới đường hô hấp hít phải N2O lâu có thể dẫn tới ngừng thở.
Không chỉ bóng cười mà tem giấy hay còn gọi là “bùa lưỡi” cũng đang len lỏi vào giới trẻ. Nguy hại là tem giấy được bày bán ngay ở cổng trường học nhắm tới lứa tuổi học sinh còn chưa nhận thức hết được những nguy hại của loại ma túy mới này. Tem giấy cũng rất dễ sử dụng, chỉ cần ngậm vào miệng, chất ở giấy sẽ tan ra khiến tinh thần sảng khoái, cơ thể hưng phấn. Lý do là tem giấy có tẩm chất LSD gây ảo giác mạnh, thuộc nhóm kích thích.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Tuấn , Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, đây là loại ma túy cực kỳ nguy hiểm. LSD gây loạn thần rất nhanh, sử dụng nhiều lần sẽ gây phụ thuộc về tâm thần, cơ thể. Khi không có, người dùng rơi vào trạng thái trầm cảm, mệt mỏi, biểu hiện thèm khát sử dụng.
Trước tình hình tem giấy len lỏi vào trường học, ngành giáo dục đã yêu cầu các trường tăng cường công tác đảm bảo an ninh trường học, trong đó, đặc biệt lưu ý xây dựng kế hoạch tuyên truyền phòng chống ma túy, đặc biệt là những ma túy mới.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng cho rằng, với những chất gây nguy hại cho sức khỏe, cần có những văn bản pháp luật đưa ra những quy định rõ ràng để quản lý. Căn cứ trên văn bản pháp luật, các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm minh.
Bác sĩ An nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền: “Một số chất gây nghiện mới đang bị một số người tuyên truyền sai lệch trên các mạng xã hội, gây hiểu nhầm, vì vậy, chúng ta cần phải tuyên truyền cho đúng để người dân nhận rõ tác hại của loại ma tuý mới này”.
CATP Hà Tĩnh