Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Mạo nhận cán bộ thành phố, hứa "biến" đất hộ đê thành đất ở

Không hề quen biết ai có thể làm được giấy chứng nhận QSDĐ (sổ đỏ), song Tùng vẫn ba hoa về chuyện có thể "biến" đất hộ đê thành đất ở lâu dài. Liều lĩnh hơn, đối tượng còn mạo nhận là cán bộ TP Hà Nội để chiếm đoạt tiền tỷ của nhiều người.

Ngày 15-11, TAND TP Hà Nội đưa Nguyễn Thanh Tùng (SN 1977, trú ở phường Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo khoản 4, Điều 139-BLHS. Bị hại bị bị cáo dùng mánh khóe chiếm đoạt tiền là hai cá nhân, trú ở huyện Thanh Trì.

Tại tòa, hành vi phạm tội của Nguyễn Thanh Tùng được làm rõ, đối tượng vốn không có nghề nghiệp gì và chỗ ở cũng không có nơi nào cố định. Vậy nhưng đầu năm 2009, Tùng vẫn nói với nhiều người rằng đối tượng làm việc tại Công ty TNHH Sản xuất và thương mại xây dựng Đức Thịnh ( Công ty Đức Thịnh) và là cán bộ dự án của TP Hà Nội.

[caption id="" align="aligncenter" width="480"] Nguyễn Thanh Tùng tại phiên tòa[/caption]

Cùng với những lời “chém gió” nêu trên, Tùng còn nói với mọi người là đối tượng chuyên làm môi giới và các dịch vụ về nhà đất. Thậm chí, đối tượng còn có khả năng chuyển đổi mục đích sử dụng một số loại đất chuyên dụng sang đất ở lâu dài.

Cũng vào thời điểm năm 2009, gia đình bà Phạm Thị Đáp (SN 1959) cùng gia đình bà Nguyễn Thị Tốt (SN 1961), đều trú ở huyện Thanh Trì đang được sử dụng những thửa đất ven đê sông Hồng, thuộc xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì để trồng tre và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Theo phân loại đất đai của chính quyền địa phương, những thửa đất của gia đình bà Đáp và bà Tốt, thuộc diện đất hộ đê. Tuy nhiên, do có nhu cầu chuyển đổi những thửa đất này sang đất ở lâu dài nên bà Đáp đã thông qua một người bạn nhờ Tùng làm “sổ đỏ”.

Nắm được nhu cầu của bà Đáp và bà Tốt, tháng 4-2009, Tùng dẫn hai người phụ nữ này tới Công ty Đức Thịnh để ký hợp đồng dịch vụ chuyển mục đích sử dụng đất. Tại đây, ký vào hợp đồng với giám đốc doanh nghiệp, bà Đáp cùng người quen phải giao trước cho Tùng cùng Công ty Đức Thịnh cả nửa tỷ đồng.

Nhận tiền “đặt cọc” xong, Tùng nhanh chóng đưa một số người tới các thửa đất cần chuyển đổi mục đích sử dụng đo đạc và lập hồ sơ kỹ thuật. Ít ngày sau, lấy lý do cần thêm tiền “bôi trơn”, Tùng yêu cầu bà Đáp đưa tiếp 500 triệu đồng nữa.

Thấy bị hại cả tin, từ tháng 4 đến tháng 7-2009, "cán bộ thành phố rởm" liên tục bảo bà Đáp đưa thêm tổng cộng 470 triệu đồng. Nhưng rồi sau nhiều lần hứa hẹn, cam kết, Tùng vẫn không thể lấy đâu ra “sổ đỏ” để bàn giao cho những người sử dụng đất.

Nghi ngờ Công ty Đức Thịnh và Tùng không thể làm được “sổ đỏ”, bà Đáp và bà Tốt đành phải đòi lại số tiền đã đưa. Vậy nhưng đến tận năm 2014, hai người phụ nữ này mới đòi lại được hơn 600 triệu đồng từ Công ty Đức Thịnh và Tùng. Hiện, "cán bộ thành phố rởm" vẫn còn chiếm đoạt hơn 870 triệu đồng của bà Đáp.

Bị thẩm vấn tại phiên tòa, Tùng hoàn toàn thừa nhận những tố cáo của bị hại. Lý giải về số tiền còn chiếm đoạt của bà Đáp, bị cáo khai đã đưa hết cho một số người để “chạy sổ đỏ”.

Thế nhưng quá trình điều tra, tất cả những người mà Tùng khai đã nhận tiền làm “sổ đỏ” đều không xác nhận. Và ngoài những lời khai đơn phương của đối tượng ra thì không có thêm bằng chứng nào khác chứng tỏ họ đã nhận tiền “chạy” giấy tờ đất đai. Do đó, lời khai này của bị cáo không được cơ quan tố tụng chấp nhận.

Sau nửa ngày xét xử, Tòa án Hà Nội nhận thấy hành vi của bị cáo đã phạm vào tội danh như truy tố với số tiền chiếm đoạt khá lớn. Vì thế, kết thúc phiên xử, TAND TP Hà Nội đã đi đến quyết định tuyên phạt Nguyễn Thanh Tùng 12 năm tù, đồng thời buộc bị cáo phải khắc phục nốt số tiền còn chiếm đoạt cho bị hại.

CATP Hà Tĩnh