Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Mộc bản Trường lưu - Tỏa sáng giá trị từ dòng họ

Được khai sinh bởi người con của làng Trường Lưu - Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, Mộc bản Trường học Phúc Giang (mộc bản Trường Lưu) sau hàng trăm năm nằm im trong những kho chứa đồ của dòng họ Nguyễn Huy đã bước ra khỏi ranh giới của làng, của quốc gia, đến với bạn bè thế giới.

Đó là kết quả của sự nỗ lực từ tỉnh, ngành VH-TT&DL và đặc biệt là con cháu dòng họ. Họ không chỉ bảo tồn mà còn bằng nhiều cách đưa mộc bản đến gần hơn với đời sống cộng đồng...

moc ban truong luu toa sang gia tri tu dong ho

GS, viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ bên gia tài mộc bản được bảo quản tại tư gia.

Trong khoảng từ năm 1775 đến 1777, khi về quê chịu tang thân mẫu, Nguyễn Huy Oánh đã bắt tay gây dựng kho sách trong trang viên dòng họ bên bờ sông Phúc Giang. Sau này, khi ông chuyển hẳn về quê sinh sống thì Thư viện Phúc Giang chính thức đi vào hoạt động. Trước đó, từ năm 1758, nhiều sách và công trình, tác phẩm quý của Thư viện Phúc Giang đã được cụ Thám hoa và dòng họ cho khắc in (mộc bản) để nhân bản phục vụ cho việc dạy học và lưu trữ lâu dài. Bộ Mộc bản Trường Lưu được 5 danh nhân văn hóa dòng họ Nguyễn Huy vốn từng giảng dạy tại Quốc Tử Giám biên soạn. Toàn bộ mộc bản được khắc bằng gỗ thị với kỹ thuật thủ công truyền thống. Thư pháp trên 2 mặt mộc bản được khắc nổi theo thể chân thư thể hiện sự thanh thoát. Trải qua những thăng trầm, tao loạn, bộ mộc bản đến nay chỉ còn khoảng 400 bản.

Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ - một hậu duệ tài hoa của dòng họ cho biết: “Trải qua bao biến cố, bộ mộc bản được con cháu cất giữ ở nhiều địa điểm, vì nhiều lý do đã bị thất lạc và hủy hoại rất nhiều. Sau này, vì mong muốn được gìn giữ nguyên vẹn những bản mộc còn lại, con cháu dòng họ chúng tôi đã đưa toàn bộ số mộc bản đó về bảo quản tại tư gia một người trong họ. Quá trình bảo quản dù có được Bảo tàng tỉnh hỗ trợ phương pháp nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu bảo quản dài lâu. Xét thấy những giá trị của mộc bản cần được nhìn nhận, đánh giá và bảo quản ở mức cao hơn, tôi cùng một số người đại diện dòng họ đã phối hợp với ngành Văn hóa lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản ký ức thế giới. Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO và sau khi mộc bản được công nhận, con cháu dòng họ Nguyễn Huy cũng đã phối hợp tích cực với các đoàn làm phim và các chuyên gia để khai thác các giá trị quý báu mà tiền nhân để lại. Đến nay, dòng họ đã phối hợp sản xuất 10 bộ phim tài liệu về danh nhân các dòng họ phát trên VTV”.

Khi Mộc bản Trường Lưu được công nhận là di sản ký ức thế giới, có nhiều ý kiến tỏ rõ sự băn khoăn về số lượng bản mộc và đem ra so sánh với Mộc bản triều Nguyễn, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Tuy nhiên, vượt khỏi khuôn khổ của một dòng họ, vượt qua những ái ngại về số lượng, nội dung của hệ thống văn bản Mộc bản Trường Lưu đã đáp ứng được tiêu chí quốc tế mà UNESCO định ra. Không chỉ có tính giáo dục, Mộc bản Trường Lưu còn phản ánh các thông tin về lịch sử, văn hóa, kinh tế của một làng quê nghèo nhưng hiếu học. Ông Nguyễn Trí Sơn - Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh cho biết: “Ngoài những giá trị mà UNESCO đã thẩm định, Mộc bản Trường Lưu còn gây ấn tượng ở chỗ là di sản thuộc sở hữu của một dòng họ duy nhất trong cả nước còn được lưu giữ đến ngày nay”.

Sau khi Mộc bản Trường học Phúc Giang được UNESCO công nhận là di sản ký ức thế giới, con cháu dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu còn nỗ lực bằng nhiều hình thức tuyên truyền tới đông đảo nhân dân về những giá trị bất biến mà Nguyễn Huy Oánh cùng dòng họ Nguyễn Huy ở Can Lộc để lại cho hậu thế. Đại diện dòng họ thường tham gia thuyết trình giới thiệu về những giá trị của mộc bản Trường Lưu ở Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh (Nghệ An), các khu di tích, các sự kiện văn hóa, chính trị ở Can Lộc. Ngoài ra, con cháu còn học hát và tham gia các CLB dân ca ví, giặm để sáng tác và biểu diễn những tiết mục có nội dung ngợi ca mộc bản của dòng họ. Hiện nay, sau khi Khu lưu niệm Nguyễn Du trao tặng 2 bản mộc của Phúc Giang thư viện, con cháu dòng họ đang tiếp tục nỗ lực tìm kiếm để sưu tầm thêm những bản mộc bị thất lạc.

Mộc bản Trường học Phúc Giang trở thành di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là kết quả của niềm tin, sự nỗ lực của con cháu dòng họ Nguyễn Huy. Đây cũng là cơ hội để việc bảo tồn, nghiên cứu, phát huy giá trị của Mộc bản Trường học Phúc Giang có những bước tiến mới… Và trong những giới hạn nhất định, con cháu dòng Nguyễn Huy ở Trường Lưu đang mỗi ngày, mỗi giờ tô đậm thêm, làm lan tỏa những giá trị của mộc bản trong cộng đồng…

CATP Hà Tĩnh