Mỗi năm nhập khẩu hơn 4.100 loại thuốc trừ sâu thì làm gì có rau sạch!
Tôi chả tin có rau sạch. Bởi, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu về 4.100 loại thuốc trừ sâu, thuộc 1.643 hoạt chất khác nhau và 90% nhập từ Trung Quốc thì kiểm soát làm sao hết...
Tại diễn đàn kết nối doanh nghiệp - người tiêu dùng với chủ đề “Đón sóng thực phẩm sạch” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 23-8, các chuyên gia đã nêu một nghịch lý, hiện nay, người bán thực phẩm sạch không bán được sản phẩm vì người tiêu dùng không có niềm tin, giá cả không cạnh tranh... trong khi chưa bao giờ, người dân lại “khát” thực phẩm sạch như hiện nay.
Theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược NN&PTNT, vì những lý do trên, đạo đức của người sản xuất, kinh doanh cũng không thể duy trì được vì “có thực mới vực được đạo”.
Cũng tại diễn đàn, TS Hoàng Đình Châu, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt thông tin, theo Viện Kiểm nghiệm thực phẩm có đến 40/120 mẫu rau tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt ngưỡng cho phép và có đến 455/735 mẫu thịt gia súc, gia cầm không an toàn cho người sử dụng.
Người tiêu dùng chưa đủ niềm tin vào thị trường thực phẩm sạch. |
Trong khi đó, tỷ lệ người mắc ung thư do sử dụng thực phẩm bẩn chiếm khoảng 35%, kế đến là hút thuốc lá 30%, yếu tố di truyền chỉ chiếm 5-10%. Mỗi năm Việt Nam có 150.000 người mắc ung thư mới, và 250 mắc mỗi ngày và 75.000 người chết vì ung thư mỗi năm. TS Hoàng Đình Châu phân tích, các hóa chất chăn nuôi tồn dư trong động vật nếu đào thải không hết, con người sử dụng thực phẩm này lâu dần sẽ có thể gây ung thư, cũng như thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trên rau, củ quả, các loại hóa chất nhuộm màu, thuốc bảo quản nông sản cũng là một trong những tác nhân gây ung thư, bệnh tật cho người.
GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam còn cho rằng: “Tôi chả tin có rau sạch. Bởi, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu về 4.100 loại thuốc trừ sâu, thuộc 1.643 hoạt chất khác nhau và 90% nhập từ Trung Quốc thì kiểm soát làm sao hết việc nông dân sử dụng thuốc liều lượng ra sao, thời gian cách ly như thế nào”.
Thực tế cho thấy, trong năm 2015, cả nước đã xảy ra 171 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 5.000 người mắc. Hà Nội mỗi ngày tiêu thụ khoảng 1.000 tấn thịt, 600 tấn cá, 3.200 tấn rau các loại nhưng chỉ một số ít trong số này là thực phẩm sạch, thực phẩm được chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và có kiểm soát. Niềm tin của người tiêu dùng bị xói mòn vì ngay tại các cửa hàng, siêu thị bán rau, củ, thịt an toàn, nhưng vẫn xuất hiện tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”.
Đã có nhiều trường hợp siêu thị, điểm bán thực phẩm an toàn vì chạy theo lợi nhuận, làm ăn chụp giật, trà trộn thực phẩm sạch, thực phẩm bẩn rồi bán giá cao cho người tiêu dùng. Tình trạng này không phổ biến, nhưng qua mỗi vụ việc, đã khiến niềm tin của người tiêu dùng ngày càng hạn chế.
Ý kiến của ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng kỷ luật thị trường tại Việt Nam hiện rất kém cũng nhận được sự đồng tình của các chuyên gia tham dự toạ đàm.
“Chúng ta cũng chưa phân biệt được doanh nghiệp làm ăn chân chính và không chân chính. Ví dụ, ở Singapore, cửa hàng dán giấy đỏ là có thể vào ăn, còn giấy đen sẽ phải phá sản. Đừng yêu cầu người tiêu dùng phải thông thái mà các cơ quan quản lý phải chủ động bảo vệ người tiêu dùng”. Ngay các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm sạch cũng “lên tiếng” về sự gian dối trong kinh doanh.
Theo ông Lê Tư, Giám đốc Công ty Hồng Thanh Việt, một doanh nghiệp cung cấp thực phẩm sạch tại TP Vũng Tàu, dù không có nhiều sản phẩm được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, nhưng nếu doanh nghiệp muốn có được giấy chứng nhận này chỉ cần trả chi phí thì bao nhiêu cũng có.
Ông Tư nêu dẫn chứng, khi lên Đà Lạt tìm nhà cung cấp thực phẩm sạch, ngỏ ý chỉ muốn tìm nguồn hàng trồng theo tiêu chuẩn VietGap (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt tại Việt Nam), ông nhận được lời đề nghị: “Anh cần chứng nhận VietGap cho sản phẩm nào, bao nhiêu, tôi lo cho”. Đến giấy chứng nhận VietGap cũng mua bán được dễ dàng như vậy thì người dân, người tiêu dùng còn biết tin vào đâu”, Giám đốc Công ty Hồng Thanh Việt chua chát nói.
Vì niềm tin của người tiêu dùng chưa có chỗ cho thị trường thực phẩm sạch phát triển, và cả từ cơ chế, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối gặp không ít khó khăn khi muốn tham gia “sân chơi” này.
Ông Trần Quân, Giám đốc chuỗi cửa hàng hải sản và thực phẩm sạch Sói Biển cho biết, dù ông đang quản lý chuỗi cửa hàng cung cấp các sản phẩm thực phẩm an toàn nhưng riêng với sản phẩm rau, củ hữu cơ bao nhiêu năm nay Bộ NN&PTNT chưa ban hành được tiêu chuẩn. Rất muốn có minh bạch về sản phẩm rau, củ hữu cơ nhưng một số doanh nghiệp làm sản phẩm nông sản hữu cơ phải ra nước ngoài tìm kiếm tiêu chuẩn rồi về áp dụng.
“Còn ở trong nước đến hiện nay Bộ NN&PTNT vẫn chưa thể trả lời cho chúng tôi, bao giờ có tiêu chuẩn về các sản phẩm nông sản hữu cơ”, ông Trần Quân băn khoăn. Ông Quân cũng nêu vấn đề đang tồn tại là sự chồng chéo trong quản lý ATTP, nhiều doanh nghiệp rất bức xúc chuyện thanh, kiểm tra quá nhiều.
“Có quá nhiều đoàn kiểm tra, từ ngành Y tế, NN&PTNT, đến Quản lý thị trường, rồi đoàn kiểm tra của phường, quận và đoàn kiểm tra liên ngành của TP. Dù là một doanh nghiệp không lớn, nhưng chúng tôi phải thuê riêng 1 nhân sự về chỉ để làm công việc… tiếp các đoàn thanh, kiểm tra. Tại sao các đoàn kiểm tra không sử dụng kết quả kiểm tra của nhau, phối hợp với nhau để doanh nghiệp bớt phiền hà, chi phí?”, ông Trần Quân bức xúc.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT thừa nhận, năm 2015 Bộ KH-CN đã ban hành tiêu chuẩn Việt Nam về sản xuất hữu cơ, nhưng thực ra bộ tiêu chuẩn này cũng dựa trên tài liệu hướng dẫn của nước ngoài nên chưa sát. Trong tháng 8 này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam sẽ làm việc với Bộ KH-CN về bộ tiêu chuẩn này.
CATP Hà Tĩnh