Một thách thức thực sự, đáng được chờ đợi
Tại tứ kết Asian Cup 2019, Đội tuyển Việt Nam sẽ có cuộc đối đầu thực sự thử thách nhưng không kém phần thú vị với Đội tuyển Nhật Bản.
Hai mươi bảy năm trước, người Nhật Bản vẫn còn rất rụt rè tại những sân chơi lớn và World Cup vẫn là giấc mơ. Thế nhưng, nhờ Asian Cup 1992, họ đã vươn mình thành một thế lực bóng đá đáng gờm. 20h hôm nay, Đội tuyển Việt Nam sẽ có cuộc đối đầu thực sự thử thách nhưng không kém phần thú vị với Đội tuyển Nhật Bản. Cột mốc thay đổi tất cả Danh hiệu lớn nhất của bóng đá Nhật Bản trước thập niên 1990 là tấm huy chương đồng tại Thế vận hội Olympic năm 1968, khi họ đã vượt qua Brazil, Pháp và chỉ thua Hungary, nhà vô địch năm đó, trong trận bán kết. Thập niên 1960 và 1970 đã chứng kiến sự bùng nổ của bóng đá ở Nhật Bản sau sự thành công của Thế vận hội năm 1968. Thế nhưng, đó chỉ là một cơn sốt tạm thời và sự bùng nổ đó đã sớm qua đi, người dân lại ngó lơ bóng đá. Sự quan tâm của Nhật Bản với Asian Cup, giải đấu lớn nhất châu lục, cũng khá hời hợt. Nhật Bản không tham dự giải đấu này cho đến năm 1968, và họ từ chối thi đấu ở một vài VCK diễn ra trong khoảng thời gian giữa thập niên 1970 và 1980. Phải đến VCK 1988, Nhật Bản mới tham gia nghiêm túc. Mọi thứ đã thay đổi đối với bóng đá Nhật Bản khi quyết định triển khai một giải đấu chuyên nghiệp - J.League - vào năm 1990 để cải thiện năng lực chơi bóng của cầu thủ Nhật Bản, củng cố ĐTQG, đồng thời thu hút nhiều người hâm mộ và sự quan tâm của công chúng hơn nữa. J.League đầu tiên ra mắt vào năm 1993, nhưng tin tức về J.League đã được loan báo cùng việc tổ chức trận chung kết Asian Cup lần thứ 10 tại Hiroshima một năm trước đó. Một màn trình diễn tốt từ ĐTQG sẽ tạo tiền đề phát triển cho giải đấu chuyên nghiệp non trẻ sáng sủa hơn. VCK Asian Cup 1992 gồm 8 đội: Nhật Bản (chủ nhà), Saudi Arabia (đương kim vô địch) cùng 6 đội khác, chia làm 2 bảng đấu. Trận cuối cùng ở vòng bảng, Nhật Bản gặp Iran trong tình thế buộc phải thắng nếu muốn đi tiếp vào vòng bán kết cùng UAE. Rất đông dân chúng đã đến sân cổ vũ cho các chàng Samurai áo Xanh. Cần nhớ rằng, Iran là một trong những đội bóng mạnh nhất châu Á lúc đó. Thế nhưng, ĐT Nhật Bản đã tạo ra cơn địa chấn khi đánh bại Iran bằng bàn thắng duy nhất của Kazuyoshi Miura, người trở thành huyền thoại của bóng đá Nhật Bản từ khoảnh khắc này. Chính Miura cũng bị sốc khi nhìn thấy bàn thắng của mình, anh chạy khắp sân như một tay tài xế taxi say rượu để ăn mừng. Trong khi đó, Iran cay đắng rời sân với chỉ 8 cầu thủ cùng 3 tấm thẻ đỏ. Nhật Bản coi trận thắng này là tín hiệu cho một thế hệ vàng. Thần đồng Miura đã đem lại chiến thắng quan trọng nhất, cùng sự tự tin cho toàn thể nước Nhật về tương lai xán lạn của nền bóng đá nước nhà. Họ tiến một mạch vào trận chung kết, nơi Takuya Takagi ghi bàn mở tỉ số bằng một cú vô lê chân trái trước ĐKVĐ Iran. Và đấy là bàn thắng lịch sử, đem lại chức vô địch lịch sử. Chức vô địch Asian Cup 1992 đã đánh thức dòng máu nóng bóng đá của người Nhật Bản. Cả đất nước lại phát rồ vì bóng đá, lần này kéo dài tới tận bây giờ. Một năm sau, J.League khởi tranh, để rồi kể từ đó, Nhật Bản trở thành cường quốc bóng đá ở châu Á.
Đội tuyển Nhật Bản là một tập thể vô cùng sắc sảo. |
Việt Nam đã chuẩn bị như thế nào ở trận đấu với Nhật Bản Biết đối thủ ở một đẳng cấp khác so với mình, HLV Park Hang-seo đã hướng tới những bài tập nhằm tăng cường cho hàng phòng ngự. Cụ thể, tuyến giữa mới chính là khu vực mà ông thầy người Hàn Quốc quan tâm nhất bởi ngoài Huy Hùng ra, các vệ tinh xung quanh anh đều có vấn đề riêng. Nhiều khả năng Đức Huy sẽ trở lại ở trận này để cùng Huy Hùng tạo ra tấm lá chắn trước hàng phòng ngự. Chỉ có dùng cơ bắp và sự linh hoạt mới giảm thiểu được những miếng đánh hóc hiểm mà Nhật Bản tạo ra. Cùng với đó, hàng thủ của Việt Nam cũng đã được lưu ý không dâng cao ở trận này. Như đã nói, Nhật Bản sẵn sàng bỏ hết sỹ diện, chơi phòng ngự phản công trước chúng ta để đạt được mục đích. Hai tiền đạo Ritsu Doan và Yuya Osako có tốc độ rất tốt nên nhiều khả năng Văn Hậu cũng như Trọng Hoàng sẽ ít khi leo biên quá vạch giữa sân để hỗ trợ cho bộ ba trung vệ. Ở hàng công, Công Phượng nhận chỉ thị cần hạn chế di chuyển vào chỗ của Maya Yoshida. Đây là trung vệ đọc tình huống xuất sắc nhất châu Á thời điểm hiện tại nên những tình huống đi bóng một đối một sẽ rất khó thành công. Trái với sự lo lắng của nhiều người, thầy Park rất tự tin sẽ có một trận đấu ngang ngửa với đối thủ bởi dù Nhật Bản rất mạnh nhưng không phải không có điểm yếu nơi cánh trái khi mà Yuto Nagatomo đã cao tuổi và khó lòng đua tốc độ trong thời gian dài. Nhật Bản gặp bất lợi trước trận gặp Việt Nam Ngay trước cuộc đối đầu với Việt Nam ở vòng tứ kết, Nhật Bản đối mặt với không ít khó khăn về nhân sự. Cụ thể, trong buổi tập ngày 22-1, hậu vệ Hiroki Sakai đã dính chấn thương và nhiều khả năng sẽ không thể thi đấu trận gặp Việt Nam. Sự thiếu vắng Hiroki Sakai được xem là tổn thất không nhỏ với Nhật Bản thời điểm hiện tại khi anh được xem là hậu vệ phải số 1 trong đội hình của HLV Hajime. Trước đó, Nhật Bản cũng đón nhận một ca chấn thương nặng khác. Tiền vệ Toshihiro Aoyama đã phải chia tay ĐTQG để trở về Nhật điều trị chấn thương. Ngoài ra, HLV Moriyasu Hajime cũng không thể có được sự phục vụ của chân sút chủ lực Yoshinori Muto khi anh bị treo giò vì đã nhận đủ 2 thẻ vàng. Thuyền trưởng Nhật Bản cẩn trọng trước Việt Nam HLV Hajime Moriyasu từng cùng Olympic Nhật Bản đối đầu với Olympic Việt Nam của HLV Park Hang-seo ở ASIAD 18. Đó là trận đấu mà Olympic Việt Nam với nòng cốt là những thành viên của ĐTQG đã chơi rất hay, giành chiến thắng 1-0 trước đội bóng trẻ xứ sở mặt trời mọc. Trong lần tái ngộ giữa hai đội này, Nhật Bản có sự thay đổi lớn về mặt lực lượng khi cả 23 cầu thủ đều đang chơi bóng ở châu Âu. Tuy vậy, không phải vì thế mà HLV Hajime Moriyasu chủ quan trước cuộc đối đầu với ĐT Việt Nam. “Việt Nam có hàng thủ rất mạnh, và khả năng chuyển trạng thái giữa tấn công và phòng ngự rất nhanh. Đặc biệt, họ sở hữu một HLV có năng lực đặc biệt, kỹ năng quản trị tốt và giàu kinh nghiệm. Chúng tôi đã có những phương án để đối đầu với Việt Nam. Toàn đội sẽ bắt tay ngay vào chuẩn bị kỹ lưỡng. Có một chút vấn đề là Nhật Bản có ít ngày nghỉ hơn Việt Nam nên bất lợi về thể lực”, HLV Moriyasu chia sẻ sau khi đánh bại Saudi Arabia để vào chơi tứ kết. |
CATP Hà Tĩnh