Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Mùa mưa lũ, lại “ngay ngáy” lo về công trình thủy lợi!

Hàng chục công trình hồ đập, thủy lợi trên địa bàn Hà Tĩnh đang xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ. Thế nhưng, với nguồn kinh phí “eo hẹp” không đủ để nâng cấp sửa chữa nên cứ... đến “hẹn” lại lo!

mua mua lu lai ngay ngay lo ve cong trinh thuy loi

Đập Trạng...

Theo ông Trần Duy Chiến - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, qua kiểm tra, rà soát thực trạng các hồ đập, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh cho thấy, hiện nay, hầu hết đập đất tại các hồ chứa bộc lộ nhiều nguy cơ mất an toàn. Mặc dù 127 hồ chứa (chiếm 35,8%), mái thượng lưu đập được gia cố bảo vệ bằng đá hộc và bê tông nhưng nay cũng đã bong xô, sạt lở; các hồ chứa còn lại mái thượng lưu đập chưa được gia cố, một số bị sạt trượt lớn.

Ngoài ra, trong tổng số 350 đập của hồ chứa thì có đến 129 đập (chiếm 37,4%) bị thấm thân đập, vai đập và nền đập, trong đó có nhiều đập thấm lớn, nước chảy thành dòng. Qua phân loại đánh giá, toàn tỉnh hiện có 59 hồ đập, công trình thủy lợi đang bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão.

mua mua lu lai ngay ngay lo ve cong trinh thuy loi

... tràn xả lũ đập Làng ở xã Hương Thủy (Hương Khê) hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão.

Vùng núi Hương Khê là địa phương có 18 hồ đập đang bị xuống cấp mang theo nỗi bất an cho người dân vùng hạ du, nhất là vào mùa mưa bão. Ông Nguyễn Đình Tâm - chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê cho biết: Rất nhiều công trình hồ đập trên địa bàn bị xuống cấp nhiều năm nay nhưng không có kinh phí để nâng cấp sửa chữa như: đập Làng, Trạng (Hương Thủy), đập Ông Vờm (Lộc Yên), hồ Mục Bài (Hương Xuân), hồ Khe Vạng (Hương Liên)… Đây là những hồ đập có dung tích tương đối lớn nhưng hầu hết thân đập đã bị thấm mạnh, mái đập bị sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn rất cao… Hàng năm, huyện chỉ được phân bổ khoảng 300 triệu đồng kinh phí trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, trong đó có cả sửa chữa, nâng cấp các hồ đập hư hỏng. Với số tiền này thì như “muối bỏ biển”. Bởi vậy, để đảm bảo an toàn cho công trình và người dân, năm nào, huyện cũng phải chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng phương án phòng ngừa và kịp thời ứng cứu khi có tình huống xấu xẩy ra do mưa bão.

Vùng biển Nghi Xuân hiện có 6 hồ đập có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão. Trong đó, một số hồ đập xuống cấp nghiêm trọng như: hồ Trúc Bè (Xuân Lĩnh), đập Đồng Ván (Xuân Hồng) thân tràn, ngưỡng tràn bị rò rỉ không đảm bảo an toàn; hồ Khe Làng (Xuân Hồng), thân đập bị thấm, chân đập xuất hiện dòng chảy với lưu lượng lớn; đập Hành Khiến (Cổ Đạm) thân đập có hai vết nứt ở vai trái và vai phải đập, khi lưu lượng nước trong đập lớn, sẽ rất nguy hiểm, hệ thống cửa van cống lấy nước đã hư hỏng, không có khả năng hoạt động...

Ông Phạm Tiến Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho rằng: Trước thực trạng trên, huyện đã xây dựng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa năm 2016. Theo đó, bố trí cụ thể nhân lực, vật tư, phương tiện ứng cứu; phương án sơ tán dân cư vùng hạ du và phương án kỹ thuật như dùng máng gỗ gom nước thấm tại những vị trí có dòng thấm lớn để đo lưu lượng và tốc độ thấm ngày, đêm đối chiếu với tốc độ thấm thiết kế, nếu hệ số thấm ngày đêm lớn hơn thì phải báo cáo để xử lý kịp thời, hiệu quả…

Theo ông Nguyễn Bá Đức - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Đối với những công trình đã được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí, ngành đang tập trung chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiến hành sửa chữa hoàn chỉnh những hạng mục hư hỏng trong điều kiện cho phép, đảm bảo an toàn công trình. Đặc biệt là các hạng mục công trình đầu mối của hồ chứa nước cần phát hiện sớm các ẩn họa, hư hỏng và ưu tiên nguồn vốn để xử lý cấp bách. Đối với các hồ chứa nguy cơ mất an toàn cao nhưng chưa có kinh phí để nâng cấp, sửa chữa, cần kiểm tra kỹ và xây dựng phương án tràn xả lũ phụ hoặc mở rộng, hạ thấp tràn để chủ động tháo lũ, đảm bảo an toàn cho công trình. Đối với các hồ chứa thuộc công trình trọng điểm như: Kẻ Gỗ - Bộc Nguyên; Sông Rác - Kim Sơn, Sông Trí; thủy điện Hố Hô; thủy điện Hương Sơn, phải triển khai nghiêm túc phương án phòng chống lụt bão đã được Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phê duyệt.

“Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, những trận mưa, lũ vượt tần suất thiết kế xẩy ra ngày càng nhiều hơn, nguy cơ xảy ra sự cố đối với các công trình thủy lợi là rất lớn. Vì vậy, rất cần kinh phí đầu tư xây dựng nâng cấp số hồ đập bị xuống cấp còn lại theo tiêu chuẩn thiết kế mới nhằm đảm bảo an toàn công trình. Mặt khác, đầu tư nâng cấp và bố trí các thiết bị quản lý, quan trắc, công tác cảnh báo lũ đảm bảo an toàn hồ chứa gắn liền với đầu tư đảm bảo an toàn vùng hạ du các hồ chứa lớn” - ông Đức chia sẻ.

CATP Hà Tĩnh