Mùa Trung thu đầu tiên của những đứa trẻ “3 không”
Sau mùa Trung thu đầu tiên, ngôi trường giữa rừng cao su dành cho bọn trẻ trở về từ Biển Hồ sẽ kỷ niệm một năm được dựng nên vì bọn trẻ.
1. Tất cả bọn trẻ đen đúa, khét nắng đó theo cha mẹ từ Biển Hồ, Campuchia lênh đênh theo các ngả sông hồ mưu sinh rồi trở về Việt Nam. Các em là những đứa trẻ của xóm “ba không”: Không có nhà cửa, không có giấy tờ tùy thân, không được đi học… Cha mẹ các em cũng không có một tờ giấy lận lưng, sống lênh đênh rày đây mai đó. Rồi họ cắm lại ở Bình Dương, đậu trong vườn cao su của người ta, che mấy tấm bạt, nylon làm nhà. Những đứa trẻ không được đi học, tự xoay xở kiếm tiền mưu sinh như người lớn, cho đến khi ngôi trường này được cất lên vào ngày 20-11-2015.
Hỏi một cô bé: “Họ tên con là gì?”. Cô bé ấp úng: “Con tên Kiều, hình như con 12 tuổi. Con nhớ mang máng họ mình là Phạm hay Nguyễn gì đó”. Đôi mắt cô bé trong veo giữa gương mặt đen sạm. Kiều khoe mình mới theo cha mẹ tới đây hai tháng và lần đầu tiên được đi học. Cô bé dắt hai đứa em mình là Chỉnh chín tuổi và Châu năm tuổi cùng đi học vỡ lòng. 2. Chị Trần Thục Quyên (ngụ phường 6, quận 3, TP.HCM) cùng gia đình đến thăm trường, mang theo lồng đèn và bánh Trung thu cho bọn trẻ. Những đứa trẻ nhận ra người quen hay đến đây cho quà và quấn lấy chị, hỏi khi nào chị lên thăm nữa. Chúng đòi chị Quyên “móc ngoéo” tay vì lời hứa quay trở lại đúng dịp 20-11 kỷ niệm ngày “thành lập” trường. Cô bé tên Ngoan kéo áo khoe chị Quyên vết mổ tim đã lành lặn, chạy trước ngực một vết sẹo dài. Mối nhân duyên giữa bé và chị Quyên bắt đầu hơn một năm trước, trong một dịp tình cờ chị biết hoàn cảnh của bé: Cha bỏ đi từ khi bé còn nhỏ, mẹ trở về từ Campuchia không có giấy tờ, tiền bạc gì nên bé không được hưởng bảo hiểm y tế như các trẻ khác. Ngoan bị bệnh tim nặng. Khi chị gặp Ngoan với vết mổ cũ đã bị nhiễm trùng, bé thều thào: “Chắc con chết quá!”. Chị Quyên đã giúp giành lại cuộc sống cho bé. Rồi cũng từ đó, chị biết nhiều hơn về cuộc sống tạm bợ của những Việt kiều Campuchia trong cánh rừng này. Chị quyết định dựng một ngôi trường. Bọn trẻ vẫn vô tư vui đùa với lồng đèn và bánh Trung thu. Bé Kiều cất bánh vào chiếc mũ vải: “Con đem về cho mẹ, mẹ con chắc chưa được ăn bánh Trung thu bao giờ”. 3. Bà Lê Thị Tô Điểm cho biết trước đây bà mở lớp dạy kèm học sinh trong xóm. Một hôm, có vài học trò mới thập thò đến xin vào học. Các em không biết chữ dù đã chín, 10 tuổi. Các em ham học nhưng bữa đi bữa nghỉ, cũng không có tiền đóng cho cô giáo. Hỏi ra mới biết hoàn cảnh của các em nhỏ Việt kiều, bà đi xin tập vở, cặp và dạy hoàn toàn miễn phí cho bọn trẻ.Mẹ con chị Mai Thọ Châu. Chị đi lượm mủ đất và làm mướn, các con chị trước đây chưa bao giờ được đi học.
Khi chị Trần Thục Quyên gặp bà bàn chuyện xây trường, bà rất vui và dành ra miếng đất trong phần đất của mình để cất trường. Những đứa trẻ dắt díu nhau đến lớp học, được tặng đồng phục mới màu xanh lá mạ, được tặng tập sách. Bà Điểm và chị ruột của mình là bà Lê Thị Tô Huệ (giáo viên nghỉ hưu, trước dạy học ở Thủ Đức, TP.HCM) ở lại giữa cánh rừng này để hằng ngày dạy học miễn phí cho các em. Gần một năm mở trường, hầu hết những đứa trẻ xóm “ba không” đã đọc thông viết thạo, nhiều em đã biết phép toán nhân chia. Chiều tối, mưa ào ạt mênh mang, trắng xóa cánh rừng cao su. Trong những túp lều bạt của xóm “ba không”, những ngọn đèn lồng của bọn trẻ như những đốm lửa nhỏ vừa được nhen lên. Chị Mai Thọ Châu (35 tuổi) có bốn đứa con theo học ở đây, đứa nhỏ nhất mới năm tuổi. Chị chạy lên trường ngó bọn trẻ chơi lồng đèn, nghèn nghẹn: “Đây là lần đầu tiên tụi nhỏ có Trung thu. Mong tụi nhỏ lớn lên không mù chữ như cha mẹ nó… Không biết mình còn được ở đây bao lâu, chủ đất người ta đòi đuổi đi nữa rồi…”. Họ đã nói...Các em vui Trung thu với chị Trần Thục Quyên giữa sân trường.
"Tôi dựng trường, dạy học ở đây là để cho bọn nhỏ có sân chơi, để tránh mù chữ. Nhưng tôi lo về lâu dài nếu không có giấy tờ, tương lai các em sẽ ra sao? Giá mà chính quyền có cách nào đó giải quyết làm giấy khai sinh cho bọn trẻ, để chúng còn cơ hội học lên." - Chị Trần Thục Quyên, ngụ phường 6, quận 3, TP.HCM, người xây trường cho các em.
CATP Hà Tĩnh