Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Mỹ: Sốt ruột vì nỗi ám ảnh Nga

Các cơ quan tình báo và an ninh Mỹ đang tiến hành điều tra về điều mà họ gọi là một chiến dịch bí mật lớn của nước Nga ở Mỹ nhằm gieo rắc sự mất niềm tin của công chúng vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới và vào các định chế chính trị Mỹ.

Chủ trì cuộc điều tra này là Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper, các cơ quan tình báo và Cục Điều tra liên bang (FBI) là những đơn vị phối hợp thực hiện hoạt động điều tra chi tiết. Một quan chức tình báo Mỹ tham gia cho biết, mục tiêu của cuộc điều tra là nhằm xác định có hay không một chiến dịch vô hình gây ảnh hưởng và áp đặt “giá trị Nga” lên cuộc bầu cử tổng thống và Quốc hội Mỹ tháng 11 tới; đồng thời tìm hiểu quy mô cũng như dụng ý của người Nga trong các hoạt động đó, và liệu người Nga có thật sự đứng sau các hoạt động đó hay không. Mức độ ám ảnh của nước Nga đối với cuộc bầu cử ở Mỹ hiện đang rất nặng nề. Người Mỹ đang xem nước Nga đứng đằng sau các vụ việc vừa xảy ra liên tục ở Mỹ khiến dư luận quan tâm, như các vụ tin tặc tấn công đột nhập vào hộp thư điện tử của đảng Dân chủ, lấy đi những thông tin “động trời” và tung lên mạng Internet, cũng như việc gần đây ở Mỹ liên tục xuất hiện những “tin đồn thất thiệt” về tình hình sức khỏe bà Clinton,...

Những nhận xét của Tổng thống Nga Putin đối với ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump từng gây “bão” trong dư luận Mỹ và cái gọi là “ảnh hưởng Nga” đối với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Thời gian qua, các bang Arizona, Illinois và cả hai đảng Dân chủ, Cộng hòa và Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) đều bị tấn công mạng, ở mức độ thành công hoặc bất thành khiến FBI phải tiến hành điều tra để xác định có phải do tin tặc từ Nga tấn công hay không. Vụ tấn công đột nhập hộp thư điện tử DNC tháng 6-2016 vừa qua, và sau đó là vụ việc các thư điện tử của DNC bị tin tặc lấy cắp được tung lên trang WikiLeaks khiến giới chức Mỹ sốc và lập tức chĩa mũi dùi trách nhiệm cho một nhóm tin tặc “của Chính phủ Nga”, mặc dù chưa có bằng chứng cụ thể nào để khẳng định điều đó. Từ đó, trong suy nghĩ chung của nhiều chính khách, quan chức chính quyền lẫn nghị sĩ Mỹ đều cho rằng nước Nga đang tiến hành một chiến dịch “quyền lực mềm” quy mô toàn cầu nhằm gây ảnh hưởng đối với các đối thủ của nước Nga, không chỉ ở Mỹ mà cả ở châu Âu. Một quan chức tình báo Mỹ đánh giá “chiến dịch bí mật” đang diễn ra ở Mỹ là “đầy tham vọng” và cho rằng chiến dịch được thiết kế nhằm chống lại các lãnh đạo Mỹ và gây ảnh hưởng lên các vấn đề quốc tế. Mức độ khẩn trương của người Mỹ trong vấn đề “ảnh hưởng Nga” còn được phản ánh trong cuộc gặp song phương giữa ông Obama và Putin bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Hàng Châu, Trung Quốc, đầu tháng 9 vừa qua. Sau cuộc hội đàm, Tổng thống Obama thừa nhận với báo chí về căng thẳng giữa hai bên trong vấn tình báo ninh mạng, và khẳng định rằng Mỹ có năng lực mạnh trong lĩnh vực này. Ông Obama cho rằng Mỹ sẽ không vội vàng gia tăng (gấp đôi) năng lực tình báo mạng theo kiểu tương tự như những cuộc chạy đua vũ trang từng xảy ra trong quá khứ. Báo chí Mỹ và châu Âu cũng góp một phần không nhỏ trong việc chuyển tải sự ảnh hưởng đó đến tận ngõ ngách phương Tây. Bằng chứng là, bất kỳ động thái nào của nước Nga hay Tổng thống Putin đều không lọt khỏi tầm “chăm sóc đặc biệt” của báo chí Âu, Mỹ. Một phát biểu bình thường của Tổng thống Putin được quan tâm nhiều hơn phát biểu của các lãnh đạo Âu, Mỹ gấp nhiều lần. Chẳng hạn như vào giai đoạn sơ bộ của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, những lời nhận xét của Tổng thống Putin có hàm ý “khen ngợi Trump” ngay lập tức được báo chí Mỹ chộp lấy giật tít, sau đó là báo chí châu Âu phụ họa, tạo nên một chuỗi tác dụng lan tỏa rộng khắp. Đương nhiên mục đích của báo chí khi đăng tải lời nhận xét này chủ yếu là nhằm tạo dư luận xấu, gây bất lợi cho ông Trump trong cuộc bầu cử, bởi chính quyền Mỹ đang theo đuổi chính sách đối đầu, thù địch với nước Nga và Tổng thống Putin, việc bôi xấu hình ảnh Nga - Putin mọi lúc, mọi nơi, dưới bất kỳ hình thức nào, người ta đều sẵn sàng làm. Để đối phó với ảnh hưởng từ nước Nga trong cuộc bầu cử sắp tới, chính quyền Mỹ đang tiến hành một loạt biện pháp “chữa cháy”. Cụ thể là, Bộ An ninh nội địa đã đưa ra đề nghị hỗ trợ các quan chức bầu cử cấp tiểu bang và toàn quốc để ngăn chặn hoặc đối phó với các sự cố gián đoạn mạng Internet trong ngày bầu cử, kể cả việc kiểm tra định kỳ máy tính để phát hiện các nguy cơ đe dọa an ninh, báo động, và tiếp cận các công cụ khác nhằm cải thiện tình trạng an ninh mạng ở cấp địa phương.
Cuộc gặp hiếm hoi giữa Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Obama bên lề Hội nghị G-20 ở Hàng Châu, Trung Quốc.
Bộ này cũng tổ chức một đội an ninh mạng luôn sẵn sàng túc trực tại Trung tâm tích hợp Truyền thông và An ninh mạng quốc gia để kịp thời xử lý khi có tình huống tấn công mạng xảy ra. Tháng 8-2016, FBI đã phát lời cảnh báo bất thường cho các quan chức bầu cử cấp tiểu bang, trong đó thúc giục họ đề cao cảnh giác nhằm phát hiện những vụ xâm nhập vào hệ thống máy tính phục vụ bầu cử, đồng thời thực hiện các bước nâng cấp các biện pháp an ninh trong suốt quá trình chuẩn bị cho cuộc bầu cử, bao gồm việc đăng ký cử tri, ghi danh cử tri và các website liên quan đến bầu cử. Một cửa sổ cảnh báo nhỏ sẽ xuất hiện để với câu thông báo rằng các nhà điều tra đã phát hiện các hoạt động xâm nhập hệ thống máy tính bầu cử. Các quan chức an ninh liên bang Mỹ cho rằng, tiến trình bầu cử Mỹ được phân quyền đến cấp bang và quận đang làm cho việc bảo đảm an ninh cấp độ cao cho từng đơn vị quận trở nên không thực hiện được. Nước Nga đã bác bỏ tất cả các cáo buộc không bằng chứng của giới chức chính quyền, chính khách cũng như các cơ quan an ninh, báo chí Mỹ đối với nước Nga trong các vụ việc tin tặc tấn công vừa qua. Tổng thống Nga Putin đã lên tiếng trong một phát biểu trên truyền thông rằng những cáo buộc ầm ĩ đó chẳng qua chỉ nhằm mục đích đánh lạc hướng sự chú ý của công chúng Mỹ trong cuộc bầu cử đang ngày càng trở nên nhàm chán và nhạt nhẽo.  

CATP Hà Tĩnh