Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Nâng cao vai trò của Công an xã ở địa bàn nông thôn

Xác định lực lượng Công an xã có vị trí chiến lược quan trọng trong công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở, ngay từ những ngày đầu của chính quyền Cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng quan tâm, chăm lo xây dựng lực lượng Công an xã ngày càng trưởng thành và lớn mạnh, trong đó đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, củng cố tổ chức và hoạt động của Công an xã.

Ngày 27-11-2008, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Công an xã, quy định Công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, làm nòng cốt trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Công an xã; trong đó xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng lực lượng, giám sát hoạt động và phối hợp với Công an xã trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở.

Trong những năm qua, lực lượng Công an xã đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền cùng cấp các chủ trương, kế hoạch và biện pháp về công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phát huy vai trò nòng cốt trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, và các vi phạm pháp luật; trực tiếp giải quyết 80% những vấn đề về an ninh, trật tự xảy ra trên địa bàn xã.

Từ năm 2011 đến nay, lực lượng Công an xã đã phát hiện hơn 17.000 vụ, bắt giữ hơn 26.000 đối tượng phạm tội quả tang, 1.452 đối tượng có quyết định truy nã, trong đó có nhiều đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm; lập hồ sơ, quản lý 2.908 đối tượng thuộc diện quản chế, cải tạo không giam giữ, án treo, hoãn thi hành án;

lập 79.389 hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với 116.659 người; lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã 8.320 đối tượng; lập hồ sơ đề nghị đưa đi cai nghiện bắt buộc 3.793 đối tượng.

Lực lượng Công an xã đã cấp hàng chục nghìn sổ hộ khẩu thường trú, sổ tạm trú và duy trì thường xuyên việc khai báo tạm trú, tạm vắng. Lực lượng Công an xã đã phối hợp tham gia giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, góp phần kiềm chế gia tăng tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở địa phương.

Công an xã và tổ an ninh xã hội xã Hạnh Phúc, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa nhắc nhở người dân nâng cao cảnh giác với tội phạm trộm cắp tài sản.

Hiện nay, trên toàn quốc có 9.327 đơn vị Công an xã, thị trấn (nơi không bố trí Công an chính quy), với quân số trên 136 nghìn đồng chí (kể cả số sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân đảm nhiệm các chức danh Công an xã ở các xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự), trong đó có 9.075 Trưởng Công an xã, 13.947 Phó trưởng Công an xã và 112.986 Công an viên.

Hầu hết lực lượng này đã được đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện theo quy định của Bộ Công an, có phẩm chất chính trị và trình độ nghiệp vụ, hăng hái, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc.

Trong thực hiện nhiệm vụ, đã xuất hiện nhiều tấm gương Công an xã dũng cảm, không quản ngại nguy hiểm, sẵn sàng hy sinh tính mạng vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, vì bình yên cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân.

Chỉ tính từ khi thực hiện Pháp lệnh Công an xã đến nay, trên toàn quốc có 52 đồng chí Công an xã đã anh dũng hy sinh; 491 đồng chí bị thương trong khi thi hành nhiệm vụ. Đây là những tấm gương Công an xã tiêu biểu, xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở, được quần chúng nhân dân ghi nhận, được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và cấp ủy, chính quyền các cấp biểu dương khen thưởng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực trạng chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng Công an xã vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Đó là còn thiếu về số lượng (thiếu 8.976 đồng chí Công an xã theo Nghị định số 73/2009/NĐ-CP, ngày 7-9-2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã), năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một số Công an xã còn hạn chế, chất lượng không đồng đều, thiếu tính ổn định, nhất là lực lượng Công an viên còn chênh lệch giữa các vùng, miền.

Công tác quy hoạch, tuyển chọn, bố trí sử dụng lực lượng Công an xã chưa mang tính ổn định lâu dài; việc trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện phục vụ cho hoạt động của lực lượng Công an xã chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao; các chế độ chính sách đối với Công an xã còn thấp, chưa tương xứng với khối lượng, tính chất công việc, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự của Công an xã.

Hầu hết Phó trưởng Công an xã và Công an viên chưa được hỗ trợ bảo hiểm y tế; việc giải quyết chế độ, chính sách thương binh, liệt sĩ đối với Công an xã bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ còn gặp nhiều khó khăn.

Các văn bản quy phạm pháp luật về Công an xã đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở trong tình hình mới, nhất là những quy định về tổ chức, hoạt động của Công an xã. Việc quy định: “mỗi thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc và đơn vị dân cư tương đương được bố trí 1 Công an viên.

Đối với thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc và đơn vị dân cư tương đương thuộc xã trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự, xã loại 1 và xã loại 2 được bố trí không quá 2 Công an viên” như hiện nay là không phù hợp, vì dân số ở các thôn, xóm, làng, ấp, bản là không đồng đều, có những xóm, thôn, bản, đơn vị dân cư tương đương chỉ có từ 2.000 đến 3.000 nhân khẩu, trong khi đó có những xóm, thôn, bản được bố trí từ 12.000 đến 13.000 nhân khẩu, hoặc đối với những xã giáp ranh giữa nông thôn và thành phố, thị xã;

giáp ranh giữa nông thôn với các địa bàn tập trung các khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, có tình hình an ninh, trật tự diễn biến phức tạp không kém các phường thuộc thành phố, thị xã, nhưng cũng chỉ được bố trí lực lượng Công an xã như những xã có tình hình an ninh, trật tự ít phức tạp khác, trong khi đó ở các phường thuộc thành phố, thị xã được bố trí lực lượng Công an chính quy.

Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ hoạt động của Công an xã có nơi, có lúc chưa sâu sát, kịp thời, dẫn đến trong thực hiện nhiệm vụ công tác của Công an xã còn bộc lộ một số hạn chế, tồn tại như công tác nắm tình hình còn yếu, chưa có phương án giải quyết các vụ việc xảy ra trên địa bàn;

chưa chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự; một số ít trường hợp Công an xã có sai phạm trong khi thi hành nhiệm vụ phải xử lý kỷ luật. Những hạn chế, bất cập trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của Công an xã.

Trong thời gian tới, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và xu hướng đô thị hóa ngày càng nhanh chóng, tình hình hoạt động của các loại tội phạm, vi phạm pháp luật trên cả nước nói chung và ở địa bàn nông thôn nói riêng tiếp tục diễn biến phức tạp.

Để phát huy hơn nữa vai trò của Công an xã trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn cần có sự nỗ lực, quan tâm của cấp ủy, chính quyền, Công an các cấp.

Cấp ủy, chính quyền các cấp cần nâng cao trách nhiệm và nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của Công an xã trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở để tăng cường công tác chỉ đạo xây dựng, củng cố tổ chức và hoạt động của lực lượng Công an xã. Cần nghiên cứu xây dựng Luật Công an xã trở thành cơ sở pháp lý vững chắc để xây dựng Công an xã thực sự là lực lượng nòng cốt trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Công an các địa phương cần thường xuyên tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của Bộ Công an và của cấp ủy, chính quyền các cấp về Công an xã, trọng tâm là thực hiện Pháp lệnh Công an xã, Nghị định số 73/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã và các thông tư hướng dẫn thi hành Pháp lệnh của Bộ Công an;

Chỉ thị số 10/CT-BCA-V28, ngày 23-12-2015 của Bộ trưởng Bộ Công an về tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Công an xã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới và Chỉ thị số 06/CT-BCA-C41, ngày 20-10-2016 của Bộ Công an về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự xã hội ở địa bàn nông thôn, góp phần phục vụ xây dựng nông thôn mới trong tình hình hiện nay.

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và ý nghĩa chiến lược của việc xây dựng, củng cố lực lượng Công an xã trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, đối ngoại, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương.

Công tác tuyển chọn, bố trí, sử dụng Công an xã cần bảo đảm ổn định lâu dài, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở; ưu tiên tuyển chọn công dân phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân đã hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương tham gia Công an xã. Thực hiện đầy đủ các quy định về lương, nâng mức phụ cấp cho Công an xã và các chế độ đãi ngộ khác, như trợ cấp ngày công lao động thêm giờ, ngày công lao động vào ban đêm…

Kịp thời giải quyết các chính sách công nhận thương binh, liệt sĩ đối với những trường hợp Công an xã bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện Công an xã và định kỳ tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, bảo đảm Công an xã có phẩm chất, đạo đức, ý thức trách nhiệm trong công tác, gắn bó gần gũi với nhân dân, nắm vững  quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã;

biết tổ chức phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động phạm tội và các hành vi vi phạm pháp luật khác, giải quyết và xử lý những vụ việc xảy ra ở cơ sở theo đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của ngành Công an.

Cần tiếp tục nâng cao vai trò nòng cốt của Công an xã trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trong tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về an ninh, trật tự, thông tin kịp thời, thường xuyên về phương thức thủ đoạn hoạt động các loại tội phạm, tệ nạn xã hội nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho nhân dân; kịp thời phát hiện, biểu dương khen thưởng gương người tốt, việc tốt trong đấu tranh, phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự; nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải ở cơ sở.

Công an các đơn vị, địa phương cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn Công an xã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, chủ động nắm tình hình một cách đầy đủ nhiều lĩnh vực trên địa bàn xã để tham mưu với cấp ủy, chính quyền cùng cấp có các chủ trương, kế hoạch, biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự.

Tăng cường quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ số đối tượng cải tạo không giam giữ, người bị kết án tù được hưởng án treo, người chấp hành xong hình phạt tù, được đặc xá, tha tù trước thời hạn, người sau cai nghiện ma túy trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng.

Kịp thời phát hiện, phối hợp giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân ngay từ đầu và tại cơ sở, không để kéo dài, hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự.

CATP Hà Tĩnh