Nâng cao văn hóa ứng xử cho cán bộ chiến sỹ CAND trong tình hình mới
Ngày 24-4, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Công an nhân dân (CAND) đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Bồi dưỡng, giáo dục đạo đức cách mạng và nâng cao văn hóa ứng xử cho cán bộ, chiến sỹ CAND trong tình hình mới”.
Đến dự Hội thảo, về phía Bộ Công an có các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Xuân Mười, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Thiếu tướng, GS.TS Bùi Minh Giám, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND cùng các tướng lĩnh, các nhà khoa học CAND, đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Công an, các học viện, trường CAND và công an các đơn vị, địa phương.
Các đại biểu dự Hội thảo “Bồi dưỡng, giáo dục đạo đức cách mạng và nâng cao văn hóa ứng xử trong CAND” |
Về phía khách mời có các đồng chí: GS.TS Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận Trung ương; Nhà báo Hà Đăng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng, văn hóa Trung ương; PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Phó Trưởng Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; Trung tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư ngành Khoa học quân sự, Bộ Quốc phòng cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viên Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam...
Về phía Học viện Chính trị CAND có Thiếu tướng, GS.TS Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Giám đốc Học viện.
Trung tướng Nguyễn Xuân Mười, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND phát biểu kết luận tại hội thảo. |
Thảo luận tại Hội thảo, phần lớn các đại biểu đến đều cho rằng: Vấn đề bồi dưỡng, giáo dục đạo đức cách mạng và nâng cao văn hóa ứng xử cho CAND được đặt ra là rất trúng, rất đúng và rất kịp thời trong tình hình hiện nay. Thực tiễn cho thấy, bối cảnh xã hội hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề, trong đó đáng chú ý là nghịch lý kinh tế xã hội phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao nhưng đạo đức xã hội thì đang xuống cấp.
Hàng loạt vấn đề biểu hiện cho sự suy thoái về mặt đạo đức xã hội đang đặt ra từ lợi ích nhóm, nạn buôn bán người, cướp của giết người cho đến các hành lừa đảo trong xã hội ngày càng nở rộ... đang đòi hỏi phải có biện pháp giải quyết mà công an lại là lực lượng chính.
Yêu cầu trên khiến cho không giờ phút nào người công an có thể lơi là nhiệm vụ với một áp lực hết sức nặng nề. Tuy vậy, do đặc thù của lực lượng CAND là phải thường xuyên tiếp xúc với dân trên nhiều lĩnh vực xã hội nhạy cảm nên chỉ cần một hành vi ứng xử không khéo là đã có thể gây ra ấn tượng không tốt đối với người dân.
Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo. |
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư ngành Khoa học quân sự, Bộ Quốc Phòng cũng cho rằng: Trong 6 điểu Bác Hồ dạy CAND, nổi lên hai điểm, cũng là hành vi ứng xử văn hóa mà người chiến sỹ CAND cần chú ý. Đó là đối với địch phải cương quyết và khôn khéo; đối với nhân dân, phải kính trọng và lễ phép.
Về mặt này, lực lượng CAND cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Dẫn chứng từ vụ việc vừa xảy ra ở xã Đồng Tâm (Hà Nội), GS Thanh khẳng định, cách ứng xử với nhân dân của các cán bộ chiến sỹ công an là rất có văn hóa, rất nhân văn. Và hệ quả của hành động ấy là người dân cũng đã đối xử với các chiến sỹ rất hài hòa, nhân ái.
Thiếu tướng, GS Phùng Hồng, nguyên Tổng biên tập Tạp chí CAND cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong việc bồi dưỡng đạo đức cách mạng và nâng cao văn hóa ứng xử trong CAND hiện nay như công tác giáo dục chính trị tư tưởng còn chưa hấp dẫn, chưa lôi kéo được đảng viên nói và các chiến sỹ CAND nói riêng.
Phát biểu kết luận tại hội thảo, Trung tướng Nguyễn Xuân Mười, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND đã đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài lực lượng CAND trong việc bồi dưỡng, giáo dục đạo đức cách mạng và nâng cao văn hóa ứng xử trong CAND.
Đồng chí Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND khẳng định: “Chúng tôi rất tâm đắc với rất nhiều ý kiến của các nhà khoa học đưa ra tại hội thảo như đạo đức cách mạng không phải từ trên trời rơi xuống mà phải rèn luyện, tu dưỡng hàng ngày.
Việc tổ chức các hội thảo lớn như thế này không chỉ có ý nghĩa trong việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo của nhà trường mà còn giúp nhà trường có thêm tư liệu, chất liệu và đặc biệt là sự đồng hành có trách nhiệm của các nhà khoa học hàng đầu trong việc xây dựng và hoàn thiện giáo trình về văn hóa ứng xử trong CAND nhằm phục vụ cho toàn lực lượng CAND trong thời gian tới đạt kết quả cao hơn”.
CATP Hà Tĩnh