Nên “khai tử” Thông tư 20 để người tiêu dùng có thêm quyền lựa chọn
Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) và một số doanh nghiệp (DN) có ủy quyền chính hãng kiên quyết muốn giữ Thông tư 20, trong khi các DN khác, đại diện người tiêu dùng, các chuyên gia và thậm chí đại diện một số Bộ muốn bỏ thông tư này, vì cho rằng đây là điều kiện kinh doanh, ban hành sẽ trái luật và tạo ra bất bình đẳng, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Thông tư số 20/2011/TT-BCT do Bộ Công Thương ban hành ngày 12-5-2011 với quy định các nhà nhập khẩu phải có ủy quyền chính hãng mới được nhập khẩu ôtô dưới 9 chỗ ngồi, đã hết hiệu lực vào ngày 1-7-2016 vừa qua.
Bộ Công Thương mới đây cũng cho biết đã báo cáo xin ý kiến Chính phủ để làm rõ những quy định tại thông tư này là thủ tục hành chính, hay điều kiện kinh doanh. Trong lúc đợi Chính phủ có quyết định, các bên liên quan vẫn tranh cãi về việc có nên giữ hay bỏ thông tư này.
Giáo sư Nguyễn Mại, Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng nên để cho Thông tư này hết hiệu lực.
“Chúng ta đã nhiều lần sửa đổi chính sách bảo hộ cho ngành ôtô. Cho đến thời điểm này tôi có thể nói chiến lược này đã hoàn toàn thất bại. Tôi là người phản đối quan điểm Bộ Tài chính. Chúng ta rất sai khi để thuế xuất nhập khẩu chiếm 20-25% tổng thu nhập thuế nhà nước. Đây là lý do ôtô nhập khẩu Việt Nam nằm trong những nước có giá cao nhất thế giới. Nếu hội nhập mà chỉ chú ý đến lợi ích của nhà nước và doanh nghiệp thì đó là sai lầm nghiêm trọng”.
Ông Lê Thủy Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư “phát biểu với tư các lãnh đạo Vụ” và người “theo dõi ngành công nghiệp ôtô” cho rằng: “Thông tư 20 là điều kiện kinh doanh, vì phải có ủy quyền chính hãng. Thủ tục thì khác, thủ tục thì phải khai họ tên hay chứng minh thư thì đó mới là thủ tục. Các ý kiến đã được đưa ra như bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường hay an toàn thì không hợp lý. Về môi trường thì xe vẫn thường xuyên đi đăng kiểm. Đây là vấn đề của Bộ Giao thông chứ không thuộc về hãng nhập khẩu.
Thông tư 20 cũng không thay đổi nhập siêu và tác động của Thông tư 20 với tỷ lệ nội địa hoá là không rõ ràng. Việc duy trì đại lý uỷ quyền cũng là 1 hình thức độc quyền. Như tôi biết, mua xe Toyota trong nước mọi người phải xếp hàng mới mua được xe, thậm chí có những trường hợp phải trả thêm tiền để mua xe”.
Ông Trung cũng cho rằng tuy các nhà sản xuất trong nước đã cảnh báo sẽ rút và chuyển sang làm thương mại, nhưng “điều quan trọng nhất là vẫn thu được lợi lớn ở Việt Nam, thì họ cũng chưa dại gì mà rút”.
Do đó, ông Trung cho rằng không nên duy trì Thông tư 20, thay vào đó, Bộ Tài chính nên quy định về thuế còn Bộ Giao thông cần quy định về các tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo chất lượng xe và quyền lợi của nhà nước.
Cùng quan điểm đó, ông Nguyễn Minh Đức, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng vấn đề cần quản lý là chất lượng chiếc xe và có trốn thuế hay không chứ không phải quản lý ai là người nhập khẩu chiếc xe đó.
CATP Hà Tĩnh